Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Ngân hàng “tắc” bán nợ nhỏ lẻ theo lô vì thị trường không có bên mua
Thùy Liên - 16/11/2023 16:13
 
Nợ xấu cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng lên tới hàng nghìn món, việc thu hồi quá tốn kém chi phí và nguồn nhân lực, trong khi việc bán danh mục khoản nợ này không thực hiện được vì thị trường không có bên mua.

Hàng loạt ngân hàng đang gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo. Nguyên nhân là ngân hàng không đủ nhân lực để tự xử lý hàng nghìn khoản nợ xấu nhỏ lẻ, trong khi việc bán theo lô các khoản nợ này như trước đây là không thể.

Tại Ngân hàng BIDV, cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo có quy mô 30.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm gần 8% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân. Hiện nợ xấu cho vay tiêu dùng của BIDV ở mức thấp (1%) song việc thu hồi nợ rất khó khăn.

“Nợ xấu cho vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo tại BIDV chưa đến 1%/tổng dư nợ vay tiêu dùng, nhưng số lượng khoản vay lên đến hàng nghìn, vì vậy, công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn do mất nhiều nguồn nhân lực để thực hiện việc này. Thực tiễn việc bán danh mục các khoản nợ này không thực hiện được do thị trường không có Bên mua, do đặc điểm quy mô khoản vay nhỏ và không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không thuê được các dịch vụ thu hồi nợ, do Luật Đầu tư cấm doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thu hồi nợ”, đại diện BIDV cho hay.

Những năm trước, các ngân hàng, công ty tài chính thường bán theo lô các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng này cho các công ty thu hồi nợ, các công ty tư vấn luật. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít các công ty này đòi nợ theo hình thức cực đoan, khủng bố, bị công an xử lý.

Trong khi thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn thì việc phát mại, khởi kiện qua tòa án thường kéo dài, tốn kém nhiều chi phí.

“Thực tế có nhiều khoản vay từ lúc khởi kiện đến lúc thi hành án, phát mại tài sản các tổ chức tín dụng thường mất thời gian khoảng 2 - 3 năm để hoàn tất việc thu hồi nợ. Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn, nhưng để áp dụng, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của tòa án lại khó khăn (xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện...). Tuy nhiên, trên thực tế, tòa án cấp cơ sở chưa thống nhất triển khai quy trình rút gọn, còn tâm lý e ngại”, BIDV cho biết.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang thấp thỏm vì Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, nếu không có quy định thay thế hoặc gia hạn kịp thời sẽ làm chậm lại việc tái cơ cấu, thu hồi nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. 

Để hạn chế nợ xấu phát sinh và đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ xấu, BIDV đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng hệ thống cổng kết nối công nghệ thông tin với Bộ Công an (Trung tâm RAR) theo chuẩn chung để các tổ chức tín dụng thực hiện kết nối với hệ thống chấm điểm thông qua cổng kết nối này, tương tự việc Ngân hàng Nhà nước đang đầu mối là trung gian kết nối hệ thống xác thực trực tuyến định danh điện tử để các tổ chức tín dụng có cơ sở tín nhiệm tốt hơn khi ra quyết định cho vay.

BIDV cũng kiến nghị cần có Trung tâm dữ liệu quốc gia về bất động sản, tài sản thế chấp, về định giá cho phép các tổ chức tín dụng kết nối để tra cứu thông tin làm cơ sở để định hạng tín dụng và số hóa trong cho vay, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh.

Đồng thời, sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu thay thế sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hạn ngày 31/12/2023 để đảm bảo sự vận hành thông suốt của hệ thống ngân hàng.

Về phía tòa án, BIDV kiến nghị hệ thống tòa án giảm thời gian thụ lý các cấp sơ thẩm, phúc thẩm xuống dưới 3 tháng mỗi cấp xét xử và kiến nghị hệ thống thi hành án giảm thời gian xử lý phát mại tài sản sau khi có quyết định của tòa án xuống dưới 3 tháng để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể đẩy nhanh việc xử lý tài sản, thu hồi nợ vay.

Co hẹp cho vay vì bùng nợ, tín dụng của công ty tài chính giảm tới 33%
Sáng nay (16/11), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư