Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Ngăn vấn nạn bạo lực học đường
D.Ngân - 08/11/2023 22:47
 
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh là nữ.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 8/11, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, vấn nạn bạo lực học đường đang rất nhức nhối.

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh là nữ.

Để chấm dứt bạo lưc học đường, đại biểu Xuân đề nghị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, trong đó có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi gia đình để góp phần chấm dứt bạo lực học đường.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh là nữ.

Có thể nói các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Nếu tính tỷ lệ với con số đó thì bình quân cứ khoảng 50 cơ sở giáo dục thì có xảy ra một việc bạo lực học đường và số các vụ bạo lực học đường có nhiều học sinh tham gia, xảy ra cả trong trường học lẫn ngoài trường học.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các bạo lực học đường có số học sinh nữ tham gia nhiều hơn, đây là một điều khiến cho ngành Giáo dục rất quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để cùng cả nước, cùng các địa phương để có thể xử lý vấn đề này.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, từ phía nhà trường, gia đình lẫn các yếu tố khách quan, ảnh hưởng dịch bệnh, yếu tố tâm lý.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc đến nguyên nhân ảnh hưởng của mạng xã hội, đặc biệt là những bộ phim của nhiều nước được giới trẻ rất quan tâm, có mô típ về bạo lực tập thể quay đưa lên mạng đang rất phổ biến, nên rất mong các ngành có liên quan hỗ trợ cùng với ngành giáo dục để giải quyết vấn đề lớn này.

Bàn giải pháp xử lý, ngăn chặn bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ cần tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng cho giáo viên phụ trách về vấn đề này; bổ sung bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục; tăng cường triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, góp phần hạn chế, giảm khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực…

Cùng đó, đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường.

Đặc biệt, khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này đó là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam.

Cũng về các biện pháp ngăn bạo lực học đường, trao đổi với phóng viên đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, việc phòng, chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là gia đình và nhà trường.

Trong gia đình, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề chung quanh trường lớp của trẻ. Việc cung cấp các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ bạo lực trong trường học.

Đối với học sinh, các em cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, chấp hành tốt nội quy trường học, tránh xa bạo lực học đường, nói không với bạo lực. Học cách kiềm chế cảm xúc.

Còn với nhà trường, môi trường học tập tích cực, thân thiện bên cạnh sự đồng hành của giáo viên là yếu tố cần thiết giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh.

Các giáo viên cần chú ý không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp và cần phải đưa ra các nội quy không có hành vi bạo lực ngay từ khi học sinh bắt đầu vào học.

Bên cạnh đó, giáo viên phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu bạo lực ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường.

Theo Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng của các nhà trường hiện nay phần lớn vẫn nặng tính phong trào, phổ biến kiến thức đến tất cả học sinh, chứ không hướng đến từng học sinh, vì vậy chưa mang lại hiệu quả thực chất.

Giáo dục phải tạo ra học sinh có động lực sống, giá trị sống, sống có văn hóa, động viên học sinh giác ngộ, hướng tới chân-thiện-mỹ. 

Qua các hoạt động giáo dục, học sinh biết yêu thương, tôn trọng mọi người, tôn trọng bản thân, có lòng bao dung, vị tha, có kỹ năng sống tốt, biết hóa giải, đối đầu, thương lượng và giải quyết vấn đề... Ðể không xảy ra bạo lực học đường, các cơ sở đào tạo phải có kế hoạch giáo dục học sinh đến nơi đến chốn.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của giáo viên chủ nhiệm. Các thầy, cô giáo phải sát sao học sinh, biết nhận diện những khác thường của các em. 

Ðồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình, các đoàn thể trong trường học và các học sinh trong lớp của mình để nắm bắt tâm lý, diễn biến bất thường của cá nhân hay nhóm học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Từ đó sớm có những can thiệp cần thiết, tránh xảy ra xô xát, mâu thuẫn đáng tiếc.

Cảnh báo vấn nạn bạo lực học đường
Thờ ơ với các biểu hiện bạo lực học đường ở trẻ, có thể khiến các nhà trường và gia đình phải trả giá đắt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư