Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngành Công Thương năm 2020 và nhiệm vụ xuất siêu 15-17 tỷ USD
Thế Hoàng - 30/12/2019 09:24
 
Cho rằng năm 2020 là mốc quan trọng trong giai đoạn 2016-2020 và tiền đề cho giai đoạn sau, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020, đi liền với đó là xuất siêu 15-17 tỷ USD.
Năm 2020, ngành Công Thương được giao nhiệm vụ xuất khẩu 300 tỷ USD và xuất siêu 15-17 tỷ USD.
Năm 2020, ngành Công Thương được giao nhiệm vụ xuất khẩu 300 tỷ USD và xuất siêu 15-17 tỷ USD.

Năm 2019 là năm thành công của hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tổng quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên mức 500 tỷ USD, lớn chưa từng có, tốc độ tăng gấp 4 lần so với bình quân thế giới. GDP tăng trên 7%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục gần 264 tỷ USD; xuất siêu đạt 10 tỷ USD.

Nền kinh tế ghi nhận 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Cho rằng năm tới là mốc quan trọng trong giai đoạn 2016-2020 và tiền đề cho giai đoạn sau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Công Thương chỉ tiêu xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD ngay trong năm 2020.

“Đây là con số rất lớn đòi hỏi các giải pháp và sự nỗ lực. Đi liền với số đó là xuất siêu đạt khoảng 15-17 tỷ USD”, Thủ tướng nói.

Xuất khẩu đạt 264 tỷ USD, đứng thứ 22 thế giới; cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục xấp xỉ 10 tỷ USD – một con số mà hàng chục năm trước đây Việt Nam không tưởng tượng được… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự đóng góp to lớn của ngành Công Thương vào tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam.

Kết quả xuất khẩu này có vai trò quan trọng và không thể phủ nhận của ngành Công Thương trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy, ký kết các hiệp định thương mại tự do, củng cố và phát triển thị trường trong nước, tái định vị các chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện, hàng hóa mang thương hiệu Việt đã có tại siêu thị của hầu hết các quốc gia trên thế giới, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, đây là tiền để để các ngành hàng xuất khẩu lớn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cao giá trị và khẳng định được vị thế của nhà xuất khẩu uy tín trên thế giới.

Việc triển khai các phần việc nhằm khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập tiếp tục đã được thực hiện có hiệu quả hơn những năm trước.

Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội như: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 8,3%, sang thị trường ASEAN tăng 2%, sang thị trường Nhật Bản tăng 7,7%; xuất khẩu sang Nga tăng 10%; xuất khẩu sang Niudilan tăng 9,7%...

Đặc biệt là Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như  EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD vào năm 2019). Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%.

Tới nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương (FTA). Trong đó, 13 FTA đã đi vào thực thi (bao gồm cả Hiệp định CPTPP); 01 FTA đã ký kết và chờ phê chuẩn (FTA Việt Nam - EU) và 03 FTA đang đàm phán (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, FTA Việt Nam - Israel, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA).

Để hoàn thành nhiệm vụ xuất siêu 15-17 tỷ USD, các ngành hàng xuất khẩu lớn phải nỗ lực ngay từ cuối năm 2019. Với những ngành có đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, da giày...một mặt duy trì khách hàng truyền thống và phát triển các đơn hàng xuất khẩu mới là bài toán giảm chi phí đầu vào.

Trao đổi với Baodautu.vn, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho hay,  với khó khăn về thị trường trong năm 2019 mà ngành dệt may phải đối mặt, có vẻ như 2020 không thể khó được hơn nữa nhưng không có nghĩa là hết khó, đặc biệt là tính bất ổn của thị trường vẫn được tiếp diễn, hơn thế là sự chuyển đổi về xu hướng tiêu dùng, về phương thức bán hàng, buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải ứng biến linh hoạt.

"Đơn cử, với ngành dệt may, chỉ một thay đổi về thời tiết, nếu thời tiết nóng nhiều thì hàng mùa đông sẽ không bán được, giá trị đơn hàng và doanh thu sẽ bị ảnh hưởng, thì đó cũng là yếu tố bất lợi, chưa kể những bất lợi về kinh tế chính trị của thế giới, chi phí sản xuất tiếp đà tăng mạnh, thì câu chuyện điều phối hoạt động sản xuất, kinh doanh để cắt giảm chi phí ở những công đoạn không tạo ra giá trị sẽ là giải pháp được May 10 thực hiện triệt để", ông Việt khẳng định.

Thủ tướng đặt 3 mục tiêu cho ngành Công Thương
3 mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành Công Thương gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng 12%; Xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư