Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngành da giày lo mất đơn hàng
Thế Hải - 16/09/2021 14:20
 
Nếu không sớm có giải pháp giúp doanh nghiệp da giày khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sớm quay trở lại sản xuất, doanh nghiệp sẽ mất đơn hàng.
.
Ảnh minh họa

Khó khăn chồng chất

Đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất của các doanh nghiệp da giày trong tháng 7, đặc biệt là tháng 8, kéo chỉ số sản xuất của ngành xuất khẩu hơn 20 tỷ USD/năm xuống thấp chưa từng thấy.

Đến nay, TP.HCM đã trải qua hơn 3 tháng giãn cách xã hội. Tại Bình Dương, Đồng Nai, khu vực sản xuất chủ lực của ngành da giày cũng giãn cách dài ngày khiến doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường, một số doanh nghiệp còn sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" cũng thoi thóp vì chi phí tăng cao và nguồn lực hạn hẹp, năng suất lao động giảm chỉ còn 1/4 so với trước, thành thử có đơn hàng nhưng không thể sản xuất đủ sản lượng để giao cho khách.

Một doanh nghiệp FDI sản xuất giày dép quy mô gần 60.000 lao động tại TP.HCM với doanh thu xuất khẩu hàng năm cả tỷ USD đã phải dừng hoạt động từ giữa tháng 7. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, họ không dám nói đến con số thiệt hại trong những ngày nhà máy phải đóng cửa.

Thiếu lao động cũng là tình cảnh của nhiều doanh nghiệp da giày tại miền Bắc và Trung. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, tại các địa phương này, doanh nghiệp chỉ hoạt động với công suất 50-70% do giãn cách xã hội và thiếu lao động.

Lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp da giày đến từ cả phía cung lẫn cầu. Theo đánh giá của Cục  Công nghiệp (Bộ Công thương), khó khăn lớn nhất về phía cung của các doanh nghiệp là việc không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa do các quy định về phòng dịch phức tạp và không thống nhất giữa nhiều địa phương.

Về phía cầu, dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất lớn, không chỉ da giày, mà cả ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

“Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp”, đại diện Cục Công nghiệp cho hay.

Trong khi đó, nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc vận chuyển gặp khó khăn, cũng là một lý do khiến đối tác của ngành da giày dần chuyển đơn hàng sang các nước khác. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso cho biết, hiện nay đã có dấu hiệu cho thấy nhiều khách hàng ngưng đơn hàng mới hoặc xem xét điều chuyển đơn hàng sang khu vực khác.

“Nếu không có giải pháp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sớm quay trở lại sản xuất ngay từ bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất”, bà Xuân lo ngại.

Xuất khẩu đã “ngấm đòn”

Gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trong ngành giày dép nằm ở phía Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI và một số doanh nghiệp lớn có vốn trong nước. Khi đầu tàu sản xuất tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An gặp sự cố, nhiều nhà máy không thể sản xuất, hoặc sản xuất “3 tại chỗ” với số lượng công nhân chỉ đạt 1/4 lúc bình thường, đã ảnh hưởng ngay đến kết quả xuất khẩu.

Báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại của Bộ Công thương cho thấy, nếu tháng 7, xuất khẩu giày dép đạt 1,75 tỷ USD, thì sang tháng 8/2021 đã giảm 38,5%, nhưng nhờ sự tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm, nên 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu giày dép vẫn tăng trưởng 16,2%, đạt 12,6 tỷ USD.

Nhưng sẽ không có gì đảm bảo hồi phục trong tháng 9, thậm chí còn dự báo tệ hơn do các địa phương vẫn đang giãn cách xã hội.

Đặc thù của giày dép là theo mùa và mùa cao điểm là làm hàng phục vụ cuối năm. Nếu tiếp tục giãn cách, doanh nghiệp sẽ gãy chuỗi sản xuất và mất đơn hàng quý IV.

Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm 79,8% trong tổng kim ngạch toàn ngành, trong đó giày dép chiếm 81,2% và túi xách 71,6%. Chỉ cần các nhà máy lớn như Pouchen (Đài Loan) hay Changshin (Hàn Quốc) bị cắt giảm sản lượng vì không thể sản xuất bình thường, xuất khẩu của ngành sẽ bị kéo giảm nghiêm trọng. Theo đó, Lefaso đề nghị các địa phương phía Nam nên từng bước mở cửa đối với “vùng xanh” và ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động trong các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày để sớm đủ điều kiện sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Thách thức “gõ cửa” doanh nghiệp dệt may, da giày
Tình hình dịch bệnh phức tạp, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… là thách thức cho các DN dệt may, da giày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư