Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngành dịch vụ ăn uống (F&B): Sống sót một phần nhờ bán hàng trực tuyến
Hữu Tuấn - 23/06/2020 14:38
 
Covid-19 đã đánh sập ngành dịch vụ ăn uống. Số ít sống sót nhờ thích ứng bằng cách chuyển sang bán hàng online.
.
Bán hàng online thực sự đã trở thành cứu cánh cho ngành F&B. 

Thay đổi phương thức bán hàng

Hệ thống Golden Gate với 15 năm kinh doanh phải tạm thời đóng cửa vào cuối tháng 3/2020. Golden Gate từ xưa đến nay vốn “nói không với các dịch vụ đặt hàng online” cho chuỗi cao cấp như GoGi, Hutong, Manwah đã buộc phải thay đổi chiến lược. Để tồn tại, họ đã phá lệ mở website bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và thậm chí còn cho mượn vỉ nướng, bếp chuyên dụng để khách hàng tự nấu lẩu, nướng tại nhà.

“Mức tăng trưởng của mô hình mới đã đạt tới 200% ngay sau 2 tuần triển khai”, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc vận hành chuỗi Golden Gate cho biết.

Cùng thời điểm, khi các thành phố lớn yêu cầu đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết vào cuối tháng 3/2020, doanh thu từ mảng giao hàng của Starbucks Việt Nam đã tăng 50% so với mức doanh thu bình quân hàng tháng, cũng nhờ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. 

Còn chuỗi The Coffee House cũng đã tung ra ưu đãi tất cả các đơn hàng từ 50.000 đồng trở lên đều được miễn phí vận chuyển. Cũng nhờ nền tảng ứng dụng có sẵn mà doanh thu từ mảng giao hàng The Coffee House đã tăng 30% so với tuần trước đó.

Chuỗi Pizza Home cũng “đi qua mùa dịch” bằng việc đáp ứng nhu cầu ăn uống tại nhà với 2 nhóm “có thể ăn ngay” và “có thể nấu ngay”, cung cấp nguyên liệu cho khách hàng tự chế biến với nhiều sự lựa chọn mới, kết hợp “trend” giải cứu nông sản pizza thanh long, dưa hấu.

Trong thời kỳ giãn cách xã hội, những chiến lược kinh doanh trực tuyến vốn không phải là ưu tiên của các “ông lớn”, nhưng lại được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Điều này đặt ra câu hỏi cho các chuỗi nhà hàng là có nên tiến hành đa dạng hóa nền tảng của mình.

Xu hướng “cloud kitchen” - bếp trung tâm là các dịch vụ ăn uống cung cấp trực tiếp bởi nhà hàng qua các nền tảng đặt hàng online vốn đã tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đến thời gian này mới thực sự lên ngôi. So với các thương hiệu lớn, nhiều thương hiệu F&B tầm trung và nhỏ gặp khó khăn hơn do vốn mỏng, vì vậy họ buộc phải thích nghi nhanh hơn bằng việc lập tức đẩy mạnh kênh online.

“Rất nhiều doanh nghiệp F&B vừa và nhỏ đã quen với việc hoạt động online thông qua các ứng dụng giao hàng như Grab, Now, GoViet... hoặc tự vận hành qua Facebook và Instagram. Vì vậy, việc tối ưu kênh trực tuyến được triển khai nhanh chóng hơn so với các chuỗi nhà hàng lớn”, ông Trần Quốc Toản, CEO Adsota (Appota Group) bình luận.

Chiến lược “sống chung với lũ”

Bán hàng online thực sự đã trở thành cứu cánh cho ngành F&B. Ở thời điểm hiện tại, khi “bóng ma” Covid-19 vẫn còn lởn vởn, xu hướng này liệu có tiếp tục phát triển hay không là một bài toán đặt ra cho ngành F&B. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị một chiến lược dài hơi để thích nghi với dịch bệnh.

Kinh nghiệm hay của Chipotle

Chipotle là một chuỗi nhà hàng nổi tiếng tại Mỹ. Tuy mới gia nhập nền tảng TikTok chưa lâu, nhưng thương hiệu này đã có tới hơn 549.000 người theo dõi nhờ việc đăng tải những video ngắn sử dụng âm nhạc, với nội dung liên quan đến những món ăn nổi bật trên menu của họ.

Để ứng phó với đại dịch Covid-19, Hãng thúc đẩy lượng đặt giao hàng thông qua ứng dụng bằng cách thêm một tính năng nhỏ, đó là khách hàng có thể thêm bớt các nguyên liệu theo sở thích. Để quảng bá cho tính năng mới này, Chipotle đã tận dụng cộng đồng TikTok hùng hậu của mình bằng những video “Menu Hacks” cho các món Nachos, The Extra Dip, và Taco Salad.

Starbuck là một câu chuyện điển hình. Đây là một trong những thương hiệu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, do thị trường Trung Quốc sở hữu tới 4.300 cửa hàng, tương đương với 13% tổng số cửa hàng của Starbuck trên toàn thế giới. Ngay sau khi thị trường Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc trở lại, thì “ông lớn” ngành cà phê này lại phải đối diện với khủng hoảng Covid-19 tại thị trường châu Âu. Mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh nghiệm tại thị trường Trung Quốc dường như đã giúp Starbuck “dễ thở” hơn trong việc xử lý vấn đề. 

Thay vì quảng cáo rầm rộ, Hãng quyết định tập trung vào việc kết nối với đối tác và những khách hàng sẵn có. Tuy đã bắt đầu mở lại tới 90% cửa hàng tại thị trường châu Âu, Starbuck sẽ duy trì hoạt động theo mô hình mua mang đi, giúp hạn chế tiếp xúc trong quy trình bán hàng.

Các doanh nghiệp F&B vẫn đang đứng trước một tương lai mờ mịt do tình hình dịch bệnh không biết bao giờ mới ổn định lại. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong hành vi của thực khách cũng gây ra nhiều hệ quả lâu dài trong mô hình kinh doanh và cách truyền thông của từng doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đưa ra giải pháp và thực hiện thích nghi kịp thời với đại dịch là yêu cầu cấp thiết đối với các thương hiệu lớn nhỏ trong ngành F&B.

Hãng Golden Gate Group khẳng định, họ sẽ tiếp tục phát triển mô hình giao hàng tận nơi và tập trung phát triển trải nghiệm dịch vụ toàn diện của khách hàng.

Cùng với việc sử dụng kênh online để bán hàng, các chuyên gia cũng khuyên doanh nghiệp F&B cần tận dụng tối đa các nền tảng Digital. Theo đó, các F&B cần những ý tưởng makerting “gọn nhẹ”, tốn ít chi phí, nhưng đủ hấp dẫn để thu hút thực khách. Các nội dung cần phải được lên kế hoạch kỹ lưỡng và phân bổ trên các nền tảng trực tuyến một cách phù hợp.

Doanh nghiệp ngành F&B tăng đầu tư mở rộng hệ thống
Bên cạnh việc xây nhà máy mới, mở rộng chuỗi, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) đang đầu tư mạnh cho quản trị hệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư