Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngành dịch vụ là “bệ đỡ “ chính đưa kinh tế Đà Nẵng hồi phục
Nguyễn Toàn - 29/06/2022 21:19
 
6 tháng đầu năm 2022, ngành dịch vụ chiếm 2/3 cơ cấu kinh tế của TP.Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục thông kê TP.Đà Nẵng. Ảnh: N.T chủ trì họp báo
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục thống kê TP.Đà Nẵng tại buổi họp báo. Ảnh: N.T

Sáng 29/6, tại Đà Nẵng, Cục thống kê TP. Đà Nẵng tổ chức Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022.

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục thống kê TP.Đà Nẵng cho biết, kể từ cuối Quý I/2022 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, đặc biệt nhiều lĩnh vực kinh tế đã tăng trưởng bứt phá, đóng góp tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 7,92% so với cùng kỳ thời điểm chưa có dịch COVID-19 (năm 2019).

Với kết quả này, TP.Đà Nẵng xếp thứ 28/63 tỉnh thành; xếp thứ 4/5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đứng trên TP.HCM); đứng thứ 2 trong  khối 5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Quảng Nam) về tốc độ tăng GRDP.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 1.728 triệu USD (tăng 16,4% so với cùng kỳ); tổng vốn đầu tư  thực hiện ước đạt  17.470 tỷ đồng (tăng 3,9% so với cùng kỳ); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn  đến 20/6/2022 đạt 12.965 tỷ đồng (tăng 18,9% so với cùng kỳ); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 1,91%…

Đáng chú ý, Đà Nẵng có 2.257 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 13.007 tỷ đồng và 1.620 doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động trong 6 tháng qua.

Dù mức tăng trưởng kinh tế đạt khá, nhưng theo Cục Thống kê Đà Nẵng là không đồng đều, tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ (chiếm hơn 67%). Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng được phục hồi, nhưng mức độ còn khá chậm.

“Dịch vụ là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên của dịch COVID-19, lĩnh vực công nghiệp lại bị ảnh hưởng chậm hơn. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19 được kiểm soát, dịch vụ được phục hồi nhanh, bứt phá trong khi công nghiệp phục hồi chậm hơn”, ông Vũ thông tin.

Ngoài ra, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) không đạt được kỳ vọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn.

Cục Thống kê TP. Đà Nẵng thông tin thêm về kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về nhận định tình hình sản xuất kinh doanh.

Theo đó, 48,6% số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng Quý II/2022 sẽ tốt hơn Quý I/2022; 47,1% doanh nghiệp lạc quan tình hình sẽ tiếp tục tốt hơn trong Quý III/2022; 28,6% doanh nghiệp đánh giá Quý II/2022 ổn định so với quý trước và 38,6% cho rằng Quý III/2022 tình hình vẫn tiếp tục ổn định; 22,8% doanh nghiệp nhận định Quý II/2022 giảm so với quý trước và 14,3% cho rằng tình hình sẽ tiếp tục tệ hơn trong Quý III/2022.

TP.HCM: 6 tháng đầu năm 2022, duy nhất ngành kinh doanh bất động sản tăng trưởng âm
Trong 9 ngành dịch vụ của TP.HCM, có 5 ngành đạt mức tăng trưởng trên 6%, 3 ngành tăng trưởng dưới 6% và duy nhất chỉ có hoạt động kinh doanh bất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư