Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Ngành đồ uống: Cần "khoan thư sức doanh nghiệp"
Bích Thủy - 16/03/2024 08:17
 
Ngành đồ uống đã và đang sụt giảm mạnh từ doanh thu, lợi nhuận sau Covid-19. Do đó, cần khoan thư sức doanh nghiệp để nuôi dưỡng niềm tin và phục hồi.

Chiều 15/3, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội nghị “Gặp mặt các doanh nghiệp hội viên VBA" tại Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam PGS. TS Nguyễn Văn Việt khẳng định, ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là một ngành kinh tế - kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mỗi năm, toàn ngành đóng góp khoảng 60 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động trực tiếp, gián tiếp. Các sản phẩm chất lượng và đa dạng của ngành đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ngành đồ uống cũng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các ngành hàng liên quan từ thương mại, vận tải, nhà hàng, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển và luôn tiên phong trong các hoạt động cộng đồng và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới. Các doanh nghiệp đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đến nay, ngành đồ uống đã và đang sụt giảm mạnh từ doanh thu, lợi nhuận, kéo theo đó là cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào cũng chịu tác động gián tiếp và giảm doanh thu khá cao từ 15 - 20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30 - 40%...

Tại hội nghị, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, tác động của Covid-19 đang ngày một thể hiện rõ ảnh hưởng âm ỉ, kéo dài khiến thu nhập người dân giảm sút. Họ phải thắt chặt chi tiêu, chỉ có thể ưu tiên cho những mặt hàng thiết yếu. Trong khi, trên thế giới làm giá nguyên, nhiên vật liệu, vận tải đều tăng cao dẫn tới chi phí sản xuất tăng theo.

Những khó khăn ấy vẫn đang hiện hữu và tác động mạnh đến ngành đồ uống. Các doanh nghiệp sẽ khó tìm được cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại như giai đoạn trước, nếu không có những chính sách, giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá của Quốc hội, Chính phủ để giải quyết được căn cơ những khó khăn ấy, tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp phục hồi.

Cần khoan thư sức doanh nghiệp

Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất tại Hội nghị là câu chuyện liên quan dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo nghiên cứu của CIEM, việc tăng thuế 10% đối với bia có thể khiến sản lượng giảm đáng kể (28,3%). Điều này có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể cho không chỉ riêng ngành bia mà còn ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, người dân doanh nghiệp còn khó khăn, giải pháp bây giờ cần khoan thư sức doanh nghiệp, tiếp tục các chính sách giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường và mở rộng hơn. Các chính sách dự kiến sửa đổi thời gian tới cũng cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng thời điểm trong bối cảnh hiện nay.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết theo ghi nhận của VCCI, bức tranh về nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp hiện rất đáng lo ngại.

Đặc biệt, doanh nghiệp ngành đồ uống đang chịu tác động tiêu cực kép từ dịch Covid-19 cùng với tác động của tình hình thế giới và những chính sách liên quan dẫn tới khó chồng khó.

“Trong dự thảo luật lần này, ngành bia, rượu có một số tác động là chịu tăng thuế theo lộ trình, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thể đề xuất giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ quan điểm.

Ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng phòng đối ngoại, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam chia sẻ, tình hình kinh tế năm 2024 dự đoán sẽ còn tiếp tục khó khăn, do vậy việc tăng thuế TTĐB thời điểm này theo chúng tôi là chưa phù hợp, dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề không chỉ với doanh nghiệp sản xuất mà còn với cả chuỗi cung ứng, và người tiêu dùng.”

“Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận toàn diện hơn, sâu xa hơn đối với vấn đề đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi một sắc thuế, một đạo luật, vì sự phát triển của toàn ngành, của môi trường và xã hội, của sự thịnh vượng và bền vững trong dài hạn. Chúng tôi cho rằng khó khăn của hiện tại chỉ là một yếu tố, còn nhiều yếu tố quan trọng khác cần được đề cập, nghiên cứu và xem xét một cách thỏa đáng,” ông Nguyễn Duy Vương cho biết thêm.

Nhìn nhận doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), kiến nghị cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư