Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngành Hải quan quyết lột xác mạnh mẽ
Thanh Vũ - 01/12/2013 17:28
 
“Năm 2014, ngành Hải quan sẽ có nhiều ứng dụng mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa Hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Vũ Ngọc Anh, Tổng Cục phó Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết như vậy tại Diễn đàn “Đối thoại giữa Lãnh đạo Hải quan và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, tại TP.HCM. >>> Ma túy ngang nhiên đi qua sân bay Tân Sơn Nhất >>> Soi kỹ doanh nghiệp xuất khẩu vốn dưới 20 tỷ đồng >>> Hải quan điện tử: Thuốc trị phiền hà, sách nhiễu DN

Phát biểu tại Diễn đàn thu hút trên 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham dự, ông Vũ Ngọc Anh cho biết, năm 2014 ngành Hải quan sẽ nâng cấp phiên bản mới thủ tục hải quan điện tử, đưa vào ứng dụng chương trình thông quan điện tử theo VNACCS/VCIS; tham gia thủ tục một cửa ASEAN…

Ngành Hải quan quyết lột xác mạnh mẽ
Các doanh nghiệp FDI trao đổi tại Diễn đàn

Về phái doanh nghiệp, tham dự Diễn đàn, là muốn tranh thủ cơ hội để được Lãnh đạo ngành Hải quan giải đáp những vướng mắc mà doanh nghiệp (DN) đang gặp phải trong quá trình hoạt động.

Ông Kim Hak Gyun, Giám đốc Công ty TNHH Hak Gyun Vina (trụ sở tại Huyện Hóc Môn, TP.HCM) nêu thắc mắc, Công ty thành lập từ năm 2008, làm thủ tục xuất nhập khẩu qua một công ty khác, nhưng do không biết nên không làm thanh lí việc chuyển địa điểm. Đến nay cơ quan Hải quan ấn định thuế với số nợ gần 200 triệu đồng.

Sau này, thanh lí rồi, nhưng số thuế vẫn còn treo ở đó, với số nợ phát sinh lên gần 300 triệu đồng, chưa được hủy ấn định thuế? Mà cơ quan Hải quan yêu cầu muốn xóa bỏ phải có quyết định ấn định thuế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, muốn xử lí nợ thuế phát sinh phải căn cứ vào hồ sơ của DN. “Đề nghị DN mang ngay hồ sơ đến Cục Hải quan TP.HCM để được xem xét giải quyết”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp nói.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng mua hàng Công ty Intel Việt Nam thì cho biết, chương trình Hải quan điện tử hiện nay đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan đang chuẩn bị chạy thử nghiệm hệ thống Hải quan điện tử mới, do Intel có đặc thù hoạt động khác với DN khác nên DN muốn dời ngày áp dụng để DN có sự chuẩn bị.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Ban cải cách hiện đại hóa (Tổng Cục Hải quan) cho biết, hệ thống hải quan điện tử mới do phía Nhật Bản viện trợ, đến đầu năm 2014 sẽ được chạy thử nghiệm bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Điều này đòi hỏi có sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản.

“Tuy nhiên, việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các DN có đặc thù như Intel. DN có thể sử dụng phần mềm được cơ quan Hải quan và đối tác Nhật Bản cung cấp miễn phí. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu, công bố các chuẩn của hệ thống cho các DN trong hơn 1 năm qua”, ông Nguyễn Trần Hiệu nói.

Đại diện Công ty chuyển phát nhanh UPS thì bày tỏ đang gặp khó khăn khi xác định trước mã HS cos cho các loại hàng hóa nhập khẩu, xảy ra hiện tượng áp thuế rộng cho một mã hàng, dẫn đến khiếu nại của khách hàng.

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Ngọc Anh thừa nhận, đúng là hiện nay có tình trạng một số mặt hàng nhập khẩu có mã số khác với các nước. “Chính sách thuế của mỗi quốc gia là khác nhau, có nước ưu tiên mặt hàng này, không ưu tiên mặt hàng khác, nên họ đặt ra các mã số hàng nhập khẩu khác nhau. Vậy nên, chỉ có cách là khi khai báo hải quan thì phải căn cứ vào danh mục biểu thuế của Việt Nam”, ông Vũ Ngọc Anh nói .

Trên đây chỉ là những câu hỏi được nhiều DN khác quan tâm. Tuy nhiên, Diễn đàn được tổ chức còn có mục đích khác là giúp cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM cập nhật những chính sách mới nhất về Hải quan.

Vì vậy, dịp này bà Trịnh Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho biết, Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã được trình Quốc hội tại kì họp vào tháng 10-2013. Dự thảo này sẽ tiếp tục được ban soạn thảo ghi nhận ý kiến đóng góp của DN để chỉnh lí, trình Quốc hội thông qua vào năm 2014.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư