Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hải quan điện tử: Thuốc trị phiền hà, sách nhiễu DN
Mạnh Bôn - 16/11/2013 19:49
 
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu hàng năm luôn ở 2 con số, cách thức quản lý hải quan truyền thống không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, cho ý kiến vào Luật Hải quan sửa đổi vào chiều 16/11, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến quy định về Cơ chế một cửa quốc gia trong để thúc đẩy triển khai hải quan điện tử. >>> >>> >>> >>>

Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ dạng điện tử thông qua một hệ thống thông tin tích hợp để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan đến hàng hóa xuất - nhập khẩu (XNK).

Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quyết định cho phép hàng hóa được XNK quá cảnh nhưng cơ quan hải quan vẫn là người ra quyết định cuối cùng việc thông quan, giải phóng hàng hóa.

Hải quan điện tử được thí điểm áp dụng từ giữa năm 2005, đến thời điểm 31/12/2012, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, số doanh nghiệp đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử đã lên đến con số trên 59.000 với 4,426 triệu tờ khai (chiếm khoảng 87% tổng số tờ khai hải quan). Kim ngạch XNK thực hiện bằng thủ tục HQĐT năm 2012 đạt 214,53 tỷ USD chiếm hơn 95% tổng kim ngạch XNK.

Hiện đã có 17/34 cục hải quan có tỷ lệ tờ khai hải quan điện tử đạt 100%, còn tính trên toàn quốc, số doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK do đơn giản hóa được thủ tục giấy tờ, đặc biệt là rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa xuống chỉ 3-15 phút đối với luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa); 10-60 phút đối với luồng vàng (kiểm tra thực tế ngẫu nhiên hàng hóa); và luồng đỏ phụ thuộc thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, thủ tục hải quan điện tử đã tác động tích cực đối với công tác quản lý hải quan, như quy trình thủ tục đơn giản, hài hòa, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; giảm thời gian thông quan, chi phí và thủ tục hành chính, giấy tờ cho doanh nghiệp; tăng sức cạnh tranh, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; giảm phiền hà, sách nhiễu do giảm thiểu số lượng giấy tờ phải nộp hoặc xuất trình và giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và người khai hải quan…

Ông Dũng cho biết, mặc dù mới áp dụng, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã thấy được lợi ích khi lựa chọn thủ tục hải quan điện tử. Hầu hết doanh nghiệp đều đồng tình, ủng hộ chủ trương mở rộng thủ tục hải quan điện tử và đánh giá cao việc ứng dụng phương thức quản lý này.

Là một trong những địa phương có lượng hàng hóa XNK lớn nhất nước, ông Trương Văn Vở, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, Cục Hải quan Đồng Nai đã sớm áp dụng phương thức quản lý XNK bằng hải quan điện tử và đã đạt được hiệu quả rất tích cực bởi nâng cao được trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nói chung, ngành hải quan nói riêng trong việc tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động XNK.

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hoạt động XNK (tổng kim ngạch XNK hiện gấp hơn 1,6 lần GDP) nên theo ông Vở, cùng với việc luật hóa quy định về Cơ chế một cửa quốc gia để thúc đẩy hải quan điện tử, tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đất liền cần phải bố trí diện tích tập kết hàng hóa. Bởi nếu không thì hàng hóa cho dù được thực hiện bằng phương pháp hải quan điện tử vẫn bị ách tắc.

“Hải quan điện tử là phương pháp quản lý tiên tiến được nhiều nước trên thế giới áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, mặt trái của phương pháp này là dễ bị lợi dụng. Vì vậy, cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phải giám sát chặt từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, gia công cho đến khi xuất khẩu sản phẩm”, ông Vở đề nghị.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, ông Trần Quang Chiểu
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, ông Trần Quang Chiểu

Áp dụng hải quan điện tử trong quản lý XNK, theo ông Trần Quang Chiểu (Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) là phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và với hệ thống công nghệ thông tin như hiện nay điện tử hóa quản lý hải quan hoàn toàn thực hiện được.

“Nhưng muốn thực hiện được hải quan điện tử thì không chỉ có trách nhiệm của cơ quan hải quan mà là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành trong việc xây dựng, vận hành “Cơ chế một cửa quốc gia”. Cụ thể là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc quyết định cho phép hàng hóa được XNK, quá cảnh. Vì vậy, Luật Hải quan không chỉ quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan hải quan, mà còn phải quy định cụ thể, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan”, ông Chiểu phát biểu.

Hải quan phải đối thoại với doanh nghiệp hàng ngày
Nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ, giải đáp ngay tại các cuộc đối thoại do Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư