Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ngành hàng không Mỹ sắp được tiếp viện thêm 15 tỷ USD
Lê Quân - 07/03/2021 20:37
 
Mỹ sẽ bơm khoản viện trợ liên bang thứ ba trị giá 15 tỷ USD cho ngành hàng không đang bị "gẫy cánh" bởi đại dịch Covid-19, theo một dự luật vừa được Thượng viện thông qua.
Theo một số ước tính, các hãng hàng không lớn của Mỹ đã lỗ hơn 35 tỷ USD trong năm 2020. Ảnh: AFP
Theo một số ước tính, các hãng hàng không lớn của Mỹ lỗ hơn 35 tỷ USD trong năm 2020. Ảnh: AFP

Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, với chiến thắng sít sao cho phe Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 50 - 49 diễn ra vào ngày 6/3. Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn luôn đặt câu hỏi về sự cần thiết của một gói cứu trợ quy mô lớn đến vậy.

Gói cứu trợ lần này sẽ phân bổ 14 tỷ USD hỗ trợ các hãng hàng không Mỹ trả lương cho người lao động. Đây là khoản viện trợ liên bang thứ 3 cho ngành hàng không Mỹ với điều kiện các hãng bay phải đảm bảo không cắt giảm lương của người lao động cho đến hết ngày 30/9. Ngoài ra, gói cứu trợ cũng dành 1 tỷ USD để hỗ trợ người lao động có giao kèo của ngành hàng không.

Dự kiến, khoản viện trợ lần thứ ba cho các hãng hàng không sẽ kéo dài đến ngày 30/9.

Trước đó, đạo luật CARES được thông qua vào tháng 3/2020 đã cung cấp 58 tỷ USD dưới dạng viện trợ và khoản vay để các hãng hàng không chở khách duy trì việc làm cho người lao động thông qua chương trình hỗ trợ trả lương (PSP) kéo dài ngày 30/9/2020. Vào ngày 1/10/2020 khi khoản viện trợ này hết hạn, các hãng hàng không đã giải quyết cho 30.000 nhân viên nghỉ việc, chưa kể hàng chục nghìn lao động nghỉ việc theo kế hoạch sa thải tự nguyện và nghỉ hưu sớm của các hãng bay thương mại.

Vào tháng 12/2020, chính phủ Mỹ đã phê duyệt một chương trình viện trợ mới với tên gọi "PSP2". Chương trình này bơm thêm khoản viện trợ 15 tỷ USD để các hãng hàng không chi trả cho người lao động có tên trong bảng lương. Khoản viện trợ này đi kèm điều kiện các hãng bay phải bố trí việc làm lại những nhân viên có tên trong bảng lương đến tháng 3/2021.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay có vẻ khó khăn hơn bởi ngành hàn không Mỹ đang chịu thêm gánh nặng khi nước này áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới, đơn cử như yêu cầu bắt buộc xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả khách quốc tế và thậm chí quy định xét nghiệm đối với khách nội địa cũng đang được xem xét.

Theo một số ước tính, các hãng hàng không lớn của Mỹ thua lỗ hơn 35 tỷ USD trong năm 2020. Mặc dù nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại Mỹ đã tăng lên trong những tháng gần đây, nhưng các hãng bay Mỹ chỉ dám hy vọng có lãi vào nửa cuối năm 2021.

Một giám đốc điều hành của hãng hàng không Mỹ cảnh báo rằng việc cắt giảm nhân sự vào tháng 12/2020 chỉ là giải pháp tạm thời và nếu không có thêm các khoản viện trợ, các hãng hàng không sẽ tiếp tục sa thải nhân viên. Mới đây nhất, hai hãng bay lớn của Mỹ là United Airlines và American Airlines đã cảnh báo rằng khoảng 27.000 nhân viên đang gặp rủi ro mất việc.

"Dựa vào tình hình hiện nay… chúng tôi sẽ ngừng bay tất cả các tàu bay vào mùa hè này như kế hoạch", phía American Airlines khẳng định trong tháng 2. Còn giám đốc điều hành của các hãng hàng không khác tiếp tục hy vọng rằng niềm tin và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ được cải thiện khi số người được tiêm vaccine tăng lên trong những tháng tới.

5 lý do cổ phiếu hàng không sẽ trỗi dậy năm 2021
Theo quan điểm của các nhà đầu tư, hàng loạt tín hiệu tích cực cho thấy năm 2021 là thời điểm vàng để mua cổ phiếu ngành hàng không. Tạp chí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư