Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ngành ngoại giao kiên quyết, kiên trì phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong ngành
Nguyễn Lê - 18/03/2024 17:28
 
Đại biểu Quốc hội muốn biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực trong nội bộ ngành.
.
Phiên chất vấn chiều 18/3 tại phòng họp Diên Hồng.

Trả lời chất vấn của đại biểu, đề cập vụ chuyến bay giải cứu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói, “đây là sự kiện rất đau xót đối với ngành ngoại giao”.

Chiều 18/3, chất vấn Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu, thời gian vừa qua, nhiều cán bộ ngành ngoại giao vi phạm pháp luật trong vụ án chuyến bay giải cứu trong đại dịch covid- 19.

Phải chăng đây là phần nổi của tảng băng trong công tác cán bộ của ngành ngoại giao. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này, Bộ trưởng sẽ làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực trong nội bộ ngành, để lấy lại uy tín ngành ngoại giao trước nhân dân cũng như bạn bè quốc tế?, ông Thắng chất vấn.

Trả lời, đề cập vụ chuyến bay giải cứu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói đây là sự kiện rất đau xót đối với ngành ngoại giao - ngành có truyền thống gần 80 năm, đối với các gia đình có cán bộ vi phạm.

“Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc, rút ra một số biện pháp đang làm, và sẽ làm kiên quyết, kiên trì”, ông Sơn cho hay.

Biện pháp được Bộ trưởng nêu là tăng cường phổ biến quán triệt giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng; tiêu cực, đặc biệt chú trọng về công tác chính trị, tư tưởng. Ngành ngoại giao là ngành ở bên ngoài, tác chiến độc lập, không giữ được bản lĩnh, không giữ được phẩm chất đạo đức thì làm sao triển khai công việc được nữa, ông Sơn nói.

“Chúng tôi rất kiên định và đề ra trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu”, Bộ trưởng cho hay.

Giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng là quán triệt sâu sắc tinh thần phụng sự là phục vụ người dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động.

Thứ 4, công khai minh bạch trong tổ chức hoạt động, đặc biệt là rà soát, xây dựng hoàn thiện tất cả quy chế, quy định, quy trình, nhất là những lĩnh vực liên quan đến tiêu cực, trong đóđặt trọng tâm là công tác lãnh sự và bảo hộ công dân.

“Mong Quốc hội tiếp tục theo dõi, phản ánh nếu có bất cứ hiện tượng nào ở bên ngoài”, Bộ trưởng bày tỏ và cho biết Bộ Ngoại giao đã xây dựng 76 trong 80 quy trình cấp bộ; hơn 100 quy trình xử lý các công việc (trong đó 1 nửa quy trình xử lý công việc liên quan đến lãnh sự); thực hiện công khai, minh bạch.

Ngoài ra, theo bộ trưởng, tiếp tục xây dựng các chế độ chính sách cho cán bộ công nhân người lao động ở Bộ Ngoại giao.

Đồng thời, xây dựng các quy chế, quy trình, từ khâu bổ nhiệm các trưởng cơ quan đại diện; quy chế, quy trình bổ nhiệm cán bộ trong các cơ quan đại diện theo luật; bảo đảm đúng, đầy đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị…

Bộ cũng triển khai nghiêm túc các biện pháp để kiểm soát việc kê khai tài, thu nhập của cán bộ, theo lời Bộ trưởng.

Không có chuyện “việc nhẹ lương cao”

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp cho tình trạng người lao động, chủ yếu là giới trẻ bị lừa đi lao động cưỡng bức ở nước ngoài với khẩu hiệu "việc nhẹ lương cao" nhưng thực ra làm việc trong các sòng bạc bất hợp pháp, cơ sở mại dâm.

Trả lời, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, thời gian gần đây có nhiều trường hợp "di cư bất hợp pháp ra nước ngoài" theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau. Khẩu hiệu chúng đưa ra để dụ dỗ công dân chủ yếu là "việc nhẹ lương cao".

Để hạn chế vấn đề này, vừa qua Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài để đề nghị, phối hợp đưa nhiều nhóm lao động bất hợp pháp ở nước ngoài về nước.

Ngoài việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp, ông Sơn cho rằng cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để thanh thiếu niên hiểu rằng "không có việc nhẹ lương cao".

Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật, Bộ trưởng hồi âm.

Bộ trưởng Ngoại giao cũng dẫn chứng vụ việc tại Philippines mới đây, Ủy ban Chống tội phạm của nước bạn phát hiện 800 người, trong đó có mấy chục người Việt tham gia sòng bạc và buôn bán tiền điện tử, cũng phải xử lý.

"Phải chặt đứt đường dây này, không để tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vẫn theo Bộ trưởng Sơn, cần chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.

Về quy trình xử lý trong bảo hộ công dân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhìn nhận, vấn đề di cư xuyên biên giới, tội phạm, đặt ra các vấn đề quan trọng về việc xác lập cơ chế để xử lý khủng hoảng. Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã thành lập ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý vấn đề này, khi có sự cố xảy ra, có phương án phù hợp để xử lý kịp thời.

"Thế giới còn tiếp tục xảy ra và di cư sẽ còn tiếp diễn. Chúng tôi cũng đang lập ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng, xây dựng quy trình cụ thể, tới đây trình phó thủ tướng. Từ các bài học xử lý khủng hoảng thời gian qua để rút thành quy trình cụ thể để xử lý, chủ động hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư