Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình: Tích cực góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Phương Liên - 11/03/2023 12:42
 
Cùng với các nhiệm vụ được giao, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động tích cực góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành, Sở NN&PTNT Thái Bình đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Thái Bình) tổ chức tập huấn kiến thức về chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm

Nội dung thanh tra, kiểm tra được ngành Nông nghiệp tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; giám sát, kiểm tra chất cấm, dư lượng các chất độc hại trong chăn nuôi… tại các trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm và vật tư nông nghiệp.

Trong năm 2022, Thanh tra sở và các Chi cục trực thuộc Sở đã tiến hành 19 cuộc thanh tra, kiểm tra 406 tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như việc chấp hành pháp luật trong buôn bán vật tư nông nghiệp; việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Ngành; việc chấp hành các quy định chuyên ngành về chất lượng, ATTP nông sản, thủy sản; việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Kết quả, đã ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt gần 177 triệu đồng buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 12 triệu đồng và buộc trả lại 10.400 kg sản phẩm hàng hóa phân bón, thức ăn chăn nuôi cho nhà sản xuất để xử lý theo quy định.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản thực hiện các chương trình giám sát chỉ tiêu về vi sinh vật và tảo độc trong ngao và trong nước tại các vùng nuôi ngao Tiền Hải; phân tích dư lượng nhóm các chất kháng sinh, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, hóa chất xử lý môi trường tại vùng nuôi Thái Thụy và Tiền Hải; lấy mẫu nông sản (gạo, ngao, nước mắm, trứng, giò, lợn, vịt, ngô sấy, cá rô,…) kiểm tra chỉ tiêu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm,…

Hộ chăn nuôi gà xã Quỳnh Hoàng (huyện Quỳnh Phụ) phun khử trùng tiêu độc vệ sinh chuồng trại bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi

Cùng với thanh tra, kiểm tra, Sở NN&PTNT Thái Bình đã chỉ đạo các chi cục chuyên ngành, phòng NN&PTNT các huyện chú trọng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức. Lồng ghép các hoạt động chuyên môn để tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản tuân thủ quy định của pháp luật về việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến trang thiết bị, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Sở NN&PTNT Thái Bình thường xuyên hướng dẫn quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến người chăn nuôi và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2022, Sở đã triển khai xây dựng thành công 3 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đối với vịt thịt, gà Rilai thương phẩm và lợn thịt ở một số xã tại huyện Tiền Hải, Thái Thuy, Vũ Thư. Đây cũng là điểm tham quan, học tập về phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần quan trọng sản xuất ra những sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

Xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, Sở tập trung phát triển, xây dựng quy trình và hướng dẫn về chăn nuôi an toàn sinh học cho chăn nuôi quy mô trang trại, nông hộ, kiểm soát dịch bệnh, giảm chi phí thú y.

Thúc đẩy, xây dựng và phát triển các chuỗi sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm như: tuyên truyền cho người chăn nuôi về việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, nói không với chất cấm; xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình chăn nuôi đảm bảo ATTP, tăng cường áp dụng VietGAP trong chăn nuôi. Thu hút đầu tư phát triển các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết khép kín. Hướng dẫn cơ sở sơ chế, chế biến ghi chép sổ sách lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định.

Năm 2022 đã tổ chức 25 lớp tập huấn về quản lý chất lượng ATTP trong sản xuất, bảo quản chế biến và tiêu thụ nông sản, thủy sản; phối hợp tổ chức 24 lớp với 11 nghìn lượt học viên về an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp; cấp phát 11.850 tờ rơi tuyên truyền ATPT đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở trồng trọt nhỏ lẻ tại các xã trong tỉnh.

Hàng chục lớp tập huấn, phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết, các biện pháp phòng chống dịch bệnh mới phát sinh trong chăn nuôi; tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho hàng nghìn hộ chăn nuôi. Đặc biệt trong giai đoạn trước năm 2018, được sự tài trợ của Dự án LIFSAP, hàng nghìn nông hộ chăn nuôi của tỉnh đã được tập huấn, đánh giá và cấp giấy chứng nhận GAHP nông hộ.

Tập huấn hướng dẫn thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với các lớp tập huấn, tuyên truyền về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Hàng năm, Sở ban hành kế hoạch tiêm phòng dịch định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, giám sát việc thực hiện niêm yết giá tại các cửa hàng; thực hiện lấy một số mẫu để giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi, chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi theo Quy chuẩn; lấy mẫu giám sát chất lượng thuốc thú y. Kết quả, qua nhiều năm, chưa phát hiện chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi trong những mẫu được lấy kiểm tra; và cơ bản chất lượng các mẫu lấy đảm bảo phù hợp theo quy định.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Thái Bình cho biết: Hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 15/3, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ chủ động, tích cực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi trồng trọt an toàn. Tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất trồng trọt bền vững; các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; trồng rau an toàn; mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng gây ra.

Thái Bình: Khai mạc lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2023
Lễ hội truyền thống Đền A Sào -di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã khai mạc tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình, Đền, Bến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư