Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ngày 1/7/2021, điều tra 5 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể
Mạnh Bôn - 01/07/2021 12:47
 
Tổng điều tra kinh tế nhằm thu thập thông tin cơ bản của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh cá thể phục vụ đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Trung Tiến cho biết, bắt đầu từ 1/72021, mặc dù làn sóng Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng 30.000 điều tra viên vẫn “ra quân” thực hiện Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn 2.

Thưa ông, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, sao không tạm dừng cuộc Tổng điều tra lần này lại?

Tổng điều tra kinh tế là một trong 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê với chu kỳ thu thập thông tin 5 năm/lần.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc Tổng điều tra lần thứ 6 (Tổng cục Thống kê bắt đầu thực hiện Tổng điều tra kinh tế từ năm 1995) nhằm thu thập thông tin cơ bản từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về tình hình sản xuất, kinh doanh, kinh tế số, thương mại điện tử và sản phẩm đặc thù của các ngành và địa phương. Kết quả Tổng điều tra phục vụ đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ để xây dựng Chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn 1 của cuộc Tổng điều tra lần này bắt đầu từ 1/3/2021 đã kết thúc vào ngày 30/5/2021 (đối với địa phương có từ 8.000 doanh nghiệp trở lên sẽ hoàn thành việc thu thập thông tin trong tháng 8/2021) thực hiện thu thập thông tin từ doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; hiệp hội. Còn giai đoạn 2 bắt đầu từ 1/7/2021 đến hết 30/7/2021 sẽ thực hiện thu thập thông tin từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Tổng điều tra kinh tế đã được luật hóa và phải thực hiện cứ 5 năm một lần, hơn nữa, kết thúc điều tra Giai đoạn 1 cũng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác điều tra vẫn thực hiện đúng kế hoạch, khách quan, trung thực và tất cả điều tra viên đều không bị lây nhiễm dịch bệnh vì thế không có bất cứ lý do gì để tạm dừng Giai đoạn 2.

Nhưng khác với Giai đoạn 1, Tổng điều tra Giai đoạn 2 phức tạp hơn rất nhiều do diện điều tra rộng, lực lượng điều tra viên rất đông, thưa ông?

Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn 2 thực hiện trên phạm vi toàn bộ xã/phường/thị trấn trên khắp cả nước nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể và trên 45.000 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với khoảng 30.000 điều tra viên trực tiếp đi điều tra.

Do thực hiện trên phạm vi rộng khắp cả nước nên bên cạnh thách thức trong việc thu thập thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời; đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên công tác thu thập thông tin Giai đoạn 2 gặp nhiều thách thức, khó khăn hơn rất nhiều Giai đoạn 1. Vì vậy đòi hỏi Ban chỉ đạo Tổng điều tra từ Trung ương đến địa phương phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo không chỉ phải bảo đảm tiến độ về thời gian, chất lượng thông tin, mà còn phải bao đảm phòng chống dịch an toàn, hiệu quả.

Với 30.000 điều tra viên đến tận cơ sở sản xuất, kinh doanh; tín ngưỡng, tôn giáo để điều tra trực tiếp, thưa ông làm sao có thể bảo đảm không lây nhiễm Virus nCoV-2?

Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn 2 được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó từ cuối tháng 5 đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg (ngày 27/3/2020) và Chỉ thị 16/CT-TTg (ngày 31/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên việc tiếp xúc với các đơn vị điều tra để thực hiện phỏng vấn, điều tra trong thời gian thu thập thông tin tại địa bàn chắc chắn vô cùng khó khăn, phức tạp.

Do vậy, trong quá trình điều tra Giai đoạn 2, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp phải nắm rõ diễn biến, tình hình thu thập thông tin tại từng địa bàn để đánh giá khó khăn vướng mắc, những tình huống mới phát sinh từ đó xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp, vừa bảm đảm tiến độ, chất lượng của thông tin điều tra nhưng cũng phải bảo đảm tránh được dịch bệnh. Kết thúc điều tra Giai đoạn 1, chúng tôi đã có kinh nghiệm trong việc phòng, tránh dịch bệnh nên Giai đoạn 2, tiếp tục thực hiện phương án phòng, tránh dịch bệnh trên tinh thần không chủ quan, nhưng cũng không quá lo sợ dịch bệnh mà xem nhẹ yếu tố chất lượng thông tin điều tra.

Muốn điều tra bảo đảm chất lượng cần phải thu thập thông tin cơ bản từ tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, nhưng thưa ông, trong trường hợp điều tra viên không tiếp cận được đơn vị điều tra do dịch Covid-19 thì sao?

Trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn, nếu điều tra viên không tiếp cận được với đơn vị điều tra do cơ sở tạm đóng cửa vì nhiều lý do, trong dó có lý do tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg, thậm chí là thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội thì điều tra viên phải liên lạc với chủ cơ sở qua điện thoại để hẹn lịch phỏng vấn.

Trường hợp không có số điện thoại của chủ cơ sở, điều tra viên liên lạc với tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn, ấp, bản để đề nghị cung cấp số điện thoại liên lạc của cơ sở hoặc nhờ sự trợ giúp của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã để liên lạc với chủ cơ sở.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không muốn để lộ thông tin nên không hợp tác, thưa ông?

Đối với khu vực doanh nghiệp thì đã có thông tin, dữ liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước khác như cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký kinh doanh… nên việc đối tượng này thiếu hợp tác hoặc cố tình cung cấp thông tin không đầy đủ, không trung thực, cơ quan thống kê đã có đủ dữ liệu để đối chiếu.

Còn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể không hợp tác cung cấp thông tin thì điều tra viên cần tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Tổng điều tra kinh tế để họ hợp tác. Sau khi đã thực hiện các nội dung tuyên truyền, vận động mà cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể vẫn không hợp tác thì điều tra viên báo cáo với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã để có các phương án hỗ trợ và xử lý phù hợp.

[Infographic] Tổng điều tra kinh tế 2021: Những nội dung đáng lưu ý
Tổng cục Thống kê chính thức tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước. Đây là 1 trong 3 cuộc tổng điều tra quan trọng do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư