Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nghệ An đang hút nhà đầu tư Hàn, Nhật
Thế Kiều - 16/07/2013 20:52
 
Hội đủ những điều kiện thuận lợi về mọi mặt, Nghệ An đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và luôn sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các dự án đầu tư mới.    Làm Nghi Sơn, nghỉ Cửa Lò, tiêu tiền ở Vinh  
TIN LIÊN QUAN

Các điều kiện thuận lợi về tự nhiên - nguồn nhân lực

Nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến giao lưu Bắc - Nam và Hành lang kinh tế Đông Tây, Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.499,03 km2 - lớn nhất cả nước, với 21 đơn vị hành chính, trong đó Vinh là đô thị loại 1 - trung tâm kinh tế - văn hóa của tỉnh và cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Một góc Thành phố Vinh (Nghệ An)

Đồng thời, Nghệ An cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng một địa hình phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng và miền núi.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng dồi dào, cùng với diện tích rừng rộng, có độ che phủ cao, bờ biển dài với diện tích mặt nước biển lớn...

Song hành cùng các thế mạnh tự nhiên trên, Nghệ An là địa phương có dân số hơn 3,1 triệu người (đứng thứ tư trong cả nước), cùng một hệ thống giáo dục - đào tạo phong phú và đa dạng, với 5 trường đại học, 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp đào tạo công nhân kỹ thuật và 70 trung tâm dạy nghề. Với bề dày về truyền thống hiếu học, hàng năm, các cơ sở này đã đào tạo và cho ra trường hơn 35.000 sinh viên và khoảng 50.000 công nhân kỹ thuật.

Tiêu biểu cho hệ thống cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng ở đây trước hết phải kể đến Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Hàn Quốc, Trường hiện là một trong những trung tâm dạy nghề hàng đầu của cả nước và đang vươn lên tầm khu vực và châu Á. Từ năm 1999 đến nay, hàng năm, Trường đã cung cấp từ 800 đến 1.000 sinh viên có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề cho thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư trên địa bàn cũng đã được hưởng lợi từ nguồn nhân lực này.

Ông Kim Tae Hyung, Tổng giám đốc Công ty Haivina Kim Liên - doanh nghiệp có vốn đầu tư 100 % của Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại Cụm công nghiệp Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết, trong số các tỉnh, thành phố của Việt Nam, thì Nghệ An là tỉnh rộng nhất và dân số đông. Đây là một lợi thế đối với dự án cần nhiều lao động như dệt may.

“Do có thể dễ dàng tuyển công nhân với số lượng lớn và mức lương phù hợp, nên chúng tôi đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tại đây. Hơn nữa, ở khu vực này, cho dù đời sống của người dân chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể tuyển được nguồn nhân lực lớn đã qua đào tạo, với trình độ học vấn và tay nghề khá cao”, ông Kim Tae Hyung nói.

Nghệ An vững tin trong định hướng thu hút đầu tư

Để đưa tỉnh nhà phát triển phù hợp với chiến lược và định hướng cho những năm tiếp theo, Nghệ An đã và đang tập trung kết hợp phát triển công nghiệp truyền thống với công nghiệp hiện đại. Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh, Nghệ An chủ trương tập trung lấp đầy và đẩy nhanh tốc độ phát triển Khu kinh tế Đông Nam gắn với TP. Vinh; Thị xã Cửa Lò gắn với quy hoạch phát triển vùng Nam Nghệ - Bắc Hà; Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và Khu vực miền Tây.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Nam Đình, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các dự án dự án một cách có chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án và năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đồng thời, các dự án này phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, cũng như về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chung của các huyện, thành phố. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động, tiết kiệm và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường.

Nghệ An luôn xem các nhà đầu tư Hàn Quốc là kênh để có thể tin tưởng mở cửa, tạo mọi điều kiện để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhanh, nhiều và hiệu quả vào địa bàn. Đồng thời, tỉnh cũng xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để tạo nguồn lực phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2015 và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Nghệ An đã, đang và sẽ là “đất lành” cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng của Hàn Quốc và các nước trên thế giới trụ lại. Nghệ An - một vùng đất hứa hẹn tạo lập nên sự thành công và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cho các dự án đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư