Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
"Nghĩ khác, làm khác", cách người Viettel làm nên thương hiệu lớn
Tú Ân - 05/06/2023 10:02
 
Để trở thành một tên tuổi lớn tại Việt Nam và tại các thị trường mà mình đầu tư, chiến lược của Viettel được thực hiện bởi những cá nhân có tầm nhìn, nhiệt huyết, sự tận tụy.

Ở thị trường trong nước hay quốc tế, thương hiệu Viettel luôn được gắn với sự sáng tạo, biến những thách thức thành cơ hội, cạnh tranh bằng những ý tưởng mang lại lợi ích và lòng tin cho khách hàng. Để trở thành một tên tuổi lớn tại Việt Nam và tại các thị trường mà mình đầu tư, Viettel đã có những chiến lược nhờ vào những cá nhân có tầm nhìn, nhiệt huyết, sự tận tụy cho tổ chức.

Cạnh tranh bằng cách thấu hiểu và giải quyết vấn đề của khách hàng

Năm 2022, Bưu cục Vinh, chi nhánh Viettel Post Nghệ An đạt doanh thu chuyển phát có mức tăng trưởng 62% so với năm trước. Theo báo cáo Bộ tài chính, tốc độ ngành bưu chính tại Việt Nam bình quân khoảng 30%/năm. Để có được kết quả đột phá này, Bưu cục đã có nhiều thay đổi về chính sách và hành động để thu hút khách hàng về với Viettel.

Ảnh: Viettel Post Nghệ An thu hút khách hàng bằng nâng cao chất lượng phục vụ
Viettel Post Nghệ An thu hút khách hàng bằng nâng cao chất lượng phục vụ

“Để thu hút khách hàng bằng chất lượng phục vụ, nắm bắt tâm lý khách hàng, Bưu cục Vinh đã thay đổi giờ làm việc, mở cửa sớm hơn so với các công ty khác, nhờ vậy nhân viên bưu cục có thêm thời gian phân loại, thời gian khách nhận hàng vì thế cũng nhanh hơn một ngày”, chị Dương Thị Anh, Trưởng Bưu cục Vinh cho hay.

Chị Anh cũng chia sẻ: “Chúng tôi lập nhóm online để thuận tiện trong việc kịp thời chăm sóc, hỗ trợ, giải đáp, tạo sự thân thiết với khách hàng. Khi khách hàng tin tưởng vào chất lượng, thái độ phục vụ, họ đã trở thành khách hàng trung thành và giới thiệu, kết nối mang lại nguồn khách hàng mới”.

Tương tự, Tổng công ty Công trình Viettel, chi nhánh Thanh Hóa, cũng đã giành được niềm tin của khách hàng ngay cả đối với một lĩnh vực rất mới đối với đơn vị này là xây dựng dân dụng.

“Làm thế nào để người dân chọn Viettel mà không phải những đơn vị khác đã có kinh nghiệm?”. Đó từng là câu hỏi mà anh Trịnh Xuân Bảo, Trưởng phòng Xây dựng và các cộng sự phải suy nghĩ tìm lời giải đáp khi bắt tay phát triển mảng mới trước sức cạnh tranh với hàng trăm đơn vị lớn, nhỏ, hàng nghìn tổ thợ công nhân địa phương trên thị trường.

Từ những trăn trở đó, anh Bảo và các đồng nghiệp cho rằng: “Các đơn vị bên ngoài thường năng lực đến đâu, làm đến đó. Với chúng tôi, trước khi làm, cần phải có một tiêu chuẩn riêng của Viettel. Đó là việc phải hoàn thành mỗi công trình với chất lượng tốt nhất, cùng mức chi phí phù hợp với khách hàng. Và hơn hết, phải luôn giữ được hình ảnh Viettel là doanh nghiệp tử tế. Đó là điều quan trọng trong xây dựng công trình”.

Bên cạnh việc đặt ra các tiêu chuẩn riêng, anh Bảo cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc kiểm định kỹ lưỡng những đơn vị cung ứng. Anh kể có một trường hợp được xem như “thất bại” khiến mình phải nhớ mãi. Đó là khoảng cuối năm 2020, đơn vị có nhận thi công nhà cho một khách hàng và bị phản hồi cát trát bị bẩn. Sau đó, anh đã phải lập tức xin lỗi khách hàng và đổi lô cát mới.

Do đặc thù của người dân Thanh Hóa, việc xây nhà trọn gói (thiết kế, thi công) vẫn chưa phổ biến, đặc biệt là tại những vùng quê, người dân ở đây vẫn thích làm nhà theo kiểu truyền thống, tức là tự mua vật liệu, thuê đội thi công bên ngoài để dễ kiểm soát, tiết kiệm chi phí. Chính điều này đã khiến chi nhánh công trình Viettel Thanh hóa xác định để chiếm trọn được niềm tin của khách hàng thì công ty không được nề hà trước bất cứ khách hàng nào, đưa ra những ý tưởng giải pháp tốt nhất tư vấn cho khách hàng, dù giá trị hợp đồng có thể rất nhỏ, thậm chí là bản hợp đồng “không có lãi” vì số tiền thu về rất thấp so với công sức bỏ ra để hoàn thành công trình như thế. “Đổi lại, chúng tôi nhận được phần lãi to hơn. Đó là sự tin tưởng từ khách hàng dành cho Viettel. Có thể từ những bản hợp đồng trị giá nhỏ tại thời điểm này mà tương lai chúng tôi sẽ có những nguồn thu lớn hơn”, anh Bảo chia sẻ.

Chớp thời cơ trên thị trường quốc tế

Không chỉ ở thị trường quen thuộc trong nước, khi đầu tư ra nước ngoài, chinh phục những thị trường hoàn toàn mới mẻ, xa lạ, người Viettel cũng mang theo tinh thần coi những áp lực, thách thức là cơ hội, cạnh tranh bằng những ý tưởng, cách làm riêng để lấy được niềm tin của khách hàng.

Mozambique là thị trường Châu Phi đầu tiên của Viettel. Sau gần 11 năm vượt qua nhiều khó khăn, Movitel trở thành ngôi sao Châu Phi - một trong những thị trường đóng vai trò quan trọng nhất trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel với dòng tiền chuyển về nước năm 2022 đạt 71,5 triệu USD cao nhất từ trước trước đến nay của Movitel. Đến nay, không chỉ có vùng phủ rộng, giá cả cạnh tranh, chất lượng bảo đảm, Movitel còn là nhà mạng đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Mozambique.

Nắm bắt thời cơ để đẩy mạnh đầu tư với chiến lược hợp lý, sáng tạo, linh hoạt trong các giải pháp, tung các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao với các đối thủ trên thị trường để thu hút khách hàng đúng thời điểm... là những giải pháp đã đưa Movitel trở thành nhà mạng hàng đầu tại Mozambique.

Câu chuyện năm 2022, thời điểm Mozambique mở cửa trở lại đón nhiều lượt khách du lịch đến thăm quan là một ví dụ. Khi khách du lịch tăng cao, dẫn đến tiêu dùng viễn thông tăng mạnh, đặc biệt là data. Nắm bắt tín hiệu thị trường và đánh giá đây là cơ hội chín muồi để tiếp tục phát triển thuê bao 4G, Movitel đã nhanh chóng phát triển hạ tầng bằng việc đầu tư thêm 500 trạm thu phát sóng.

 Ảnh: Movietel là nhà mạng đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số ở Mozambique
Movietel là nhà mạng đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số ở Mozambique

Cùng với đó, Movitel dựa vào nhu cầu của khách hàng đã xây dựng chính sách và các sản phẩm, gói cước chuyên biệt với nhu cầu của người tiêu dùng như gói cước cho người thích xem clip (MeuClip), chơi game (Meugame) hay xem truyền hình (MovTV)… để với từng nhóm công chúng có thể tự do lựa chọn các gói dịch vụ phù hợp.

Trong khi các nhà cung cấp khác chỉ cho đổi tiền tài khoản ra số phút gọi nội mạng và chỉ cho phép khách hàng mua gói qua tài khoản gốc thì Movitel lại linh hoạt cho phép đổi tiền ra phút gọi cả nội mạng và ngoại mạng, với giá cước tốt hơn khoảng trên 10% so thị trường. Để triển khai được hoạt động này do Movitel sử dụng hệ thống tính cước thời gian thực do chính Viettel nghiên cứu và phát triển.

Movitel cũng chủ động xây dựng, phát triển hệ sinh thái số như Tài chính, Truyền hình, các giải pháp thông minh cho cơ quan chính phủ (e- Office, e-cabinet) để tạo không gian tăng trưởng mới, trở thành công ty tiên phong trong chuyển đổi số tại Mozambique.

Năm 2023 đã đi qua được nửa chặng đường, và với người Viettel trên toàn cầu vẫn đang cố gắng bằng sự am hiểu với thị trường, với khách hàng để tạo ra những chiến lược kinh doanh sắc bén, hiệu quả. Những ví dụ từ Bưu cục Vinh của Viettel Post, chi nhánh Công trình của Viettel Thanh Hóa hay nhà mạng Movitel tại Mozambique xa xôi là những minh chứng cụ thể cho việc người Viettel đang vượt qua khó khăn mang lại kết quả tốt như đã từng đạt được của năm 2022.

Như lời phát biểu của chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng chia sẻ tại Lễ tôn vinh điển hình xuất sắc toàn cầu 2022: “Việc khó kích thích sự sáng tạo và giúp phát hiện nhân tài. Một người Viettel trở nên xuất sắc do được gánh vác, được giao những việc thách thức.”

Tôn vinh Điển hình xuất sắc toàn cầu Viettel’s Stars là hoạt động thi đua khen thưởng thường niên của Tập đoàn Viettel. 10 cá nhân, 10 tập thể được lựa chọn là điển hình xuất sắc không chỉ vì thành tựu ấn tượng của năm. Họ là những ngôi sao Viettel bởi vì cách nghĩ, cách làm của họ mang đến những thông điệp gây cảm hứng mạnh mẽ, là những bài học mà người Viettel nào cũng có thể ánh xạ để công việc của mình tốt hơn.
Chiến lược M&A mở rộng không gian thị trường nước ngoài của Viettel
Tìm kiếm đầu tư thêm thị trường mới, nghiên cứu phương án M&A với các công ty công nghệ phù hợp để đa dạng hoá hệ sinh thái sản phẩm và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư