Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Nghị trường tiếp sức phục hồi kinh tế
Nguyễn Lê - 20/10/2022 07:38
 
Không chỉ đặt lên bàn nghị sự 14 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội còn quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác để tiếp sức phục hồi kinh tế, tại Kỳ họp thứ tư sẽ khai mạc vào sáng nay, 20/10.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XV

Ổn định trong bất định

Theo thông lệ, ở kỳ họp cuối năm nay, ngay trong phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ trình bày báo cáo thẩm tra nội dung trên.

Dù có giới hạn về dung lượng (2 báo cáo tối đa 60 phút), song những điểm sáng ấn tượng, những khó khăn, vướng mắc, những đòi hỏi mới của nền kinh tế... đều sẽ được khái quát tương đối đầy đủ ở 2 bản báo cáo này.

Sau đó, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp với những ghi nhận, những lo lắng, những nguyện vọng... sẽ giúp các vị đại biểu của dân ý thức sâu sắc hơn trước những quyết sách được bấm nút tại nghị trường, để tiếp sức cho nền kinh tế, để chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của nhân dân.

Nếu chỉ nhìn vào những con số đã được công bố, nhất là tăng trưởng GDP (ước 8% năm 2022), thì nỗi lo dường như đã vơi nhiều so với kỳ họp cuối năm 2022. Nhưng con đường của kế hoạch năm 2023 được dự báo còn nhiều chông gai.

Trước ngày khai mạc kỳ họp một tuần, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định rằng, năm 2023, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Trong nước, có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Theo Chính phủ, các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là rất lớn, khó khăn, thách thức phải đối mặt rất nhiều, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ quan điểm của Chính phủ là chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn theo hướng bảo đảm ổn định trong điều kiện có nhiều bất định.

Ổn định trong bất định, đương nhiên cần bệ đỡ vững chắc từ Quốc hội. Trong quá trình chuẩn bị kỳ họp này, dường như những gì có thể xem xét đưa vào chương trình nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bức thiết của nền kinh tế đều được ưu tiên tối đa.

Trong hơn 20 ngày làm việc, Quốc hội không chỉ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022, mà còn quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Quốc hội cũng sẽ quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Trong đó, có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý.

Sẽ có không ít bài toán khó được đặt ra ở đây, khi mà giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mới đạt hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình.

Bên cạnh đó, như nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, kinh tế phục hồi, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn vốn, trong khi lãi suất không giảm như yêu cầu, mà còn có xu hướng tăng. Còn gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, thu ngân sách từ tháng 9/2022 có dấu hiệu bắt đầu sụt giảm, nên chặng đường phía trước còn nhiều gian nan.

Sốt ruột năng suất lao động

Mảng xám nhất của bức tranh kinh tế năm 2022 vẫn là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Đây cũng là chỉ tiêu duy nhất trong 15 chỉ tiêu của năm nay được dự báo không thể về đích (ước đạt 4,7 - 5,2%, so với mục tiêu 5,5%).

Theo đánh giá của Chính phủ, thị trường lao động còn bất cập. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực.

“Tiềm ẩn nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, không thoát ra khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động rẻ và phương pháp sản xuất công nghệ thấp”, Chính phủ nhận định tại báo cáo gửi Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm kỳ họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này của Quốc hội, vấn đề được cử tri quan tâm là năng suất lao động.

“Nhiều cử tri bày tỏ sự sốt ruột vì qua quá trình dài mà năng suất lao động hầu như không tăng, thì giải pháp thế nào để đạt được mục tiêu năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao. Trong khi theo kinh nghiệm các nước như Nhật Bản, năng suất là vấn đề trọng tâm nhất để phát triển”, ông Hiếu nói.

Tham gia phiên thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội của Ủy ban Kinh tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khoá XIV, ông Dương Quốc Anh cho rằng, nhìn lại cả chặng đường vừa qua, nền kinh tế vẫn có những vấn đề cố hữu, dù Chính phủ đã rất nỗ lực.

“Trong 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn và lao động rẻ. Tôi nhớ khi anh Huệ (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - PV) còn là Phó thủ tướng đã chủ trì đề tài đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng cả nhiệm kỳ trước và đến bây giờ, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm của Việt Nam cũng như lao động tay nghề cao, năng suất lao động còn thấp. Năm 2022 đạt 14/15 chỉ tiêu, nhưng chỉ tiêu rất quan trọng là tăng năng suất lao động thì lại không đạt được”, ông Quốc Anh nói.

Vì thế, vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo động lực tăng trưởng là vấn đề rất quan trọng, cần được quan tâm. Quan điểm đó cũng nhận được sự đồng tình của nhiều ý kiến khác.

Ở Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ dự kiến chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%. Để chỉ tiêu này có thể về đích sau nhiều năm lỡ hẹn, lại cũng rất cần những quyết sách lớn từ nghị trường, ở kỳ họp bắt đầu vào ngày mai.

Người dân và doanh nghiệp hãy yên tâm

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 15/11/2022.

Trong cuộc họp báo trước thềm kỳ họp này, dẫn báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Ủy ban Kinh tế đánh giá: những vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng những vụ việc khác liên quan tới thị trường trái phiếu, chứng khoán gây nhiều hệ lụy, mất niềm tin, câu hỏi của báo chí là cơ sở nào để Ủy ban Kinh tế đánh giá như vậy và quan điểm của Ủy ban Thường vụ về vấn đề này như thế nào?

Trả lời, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho hay, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến lừa đảo tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các đơn vị liên quan.

Vấn đề này cũng làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thời gian gần đây hơi xáo trộn. Qua phản ánh của báo chí, những ngày đầu tiên, người dân đã kéo nhau đi rút tiền ở Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tình hình đã lắng dịu.

“Qua buổi họp báo hôm nay, mong báo chí phản ánh đến người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề, hoạt động của ngân hàng phải đảm bảo cho người gửi tiền”, ông Sơn đề nghị.
Tăng tốc phục hồi kinh tế - xã hội 2022
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, song tốc độ có thể nhanh hơn một khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư