Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Nghiên cứu hỗ trợ cao hơn cho công nghiệp bán dẫn
Nguyễn Lê - 19/02/2025 08:01
 
Với góp ý của đại biểu Quốc hội rằng, chính sách xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn đầu tiên của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn, đại diện Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

 

Phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhà máy đầu tiên rất quan trọng

Sáng nay (19/2), Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ được Quốc hội thông qua.

Đây là tên dự thảo nghị quyết ban đầu được Chính phủ trình, sau đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cuối phiên thảo luận tại hội trường sáng 17/2, đại diện Ban Soạn thảo (khi đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng) đã đề xuất tên gọi mới là Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Nghị quyết thí điểm không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi được chuẩn bị trong một thời gian ngắn, mà tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, đánh trúng vào các vấn đề cấp bách để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích.

Trước đó, một trong những vấn đề được đại biểu đề cập là Dự thảo Nghị quyết quy định, ngân sách trung ương hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án và không quá 12.800 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phân tích, theo quy định tại Điều 17 của Dự thảo Nghị quyết, thời điểm nhà máy chế tạo bán dẫn đi vào sản xuất trước ngày 31/12/2028 thì chính sách hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư mới được áp dụng nhằm tạo áp lực và động lực cho doanh nghiệp về đích sớm 2 năm là một ý tưởng tốt. “Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn đầu tiên của Việt Nam mà với thời hạn như thế này là khá khó thực hiện và mức hỗ trợ 30% là chưa đủ hấp dẫn”, đại biểu Minh nhận xét.

Do đó, ông Minh đề nghị quy định doanh nghiệp Việt Nam được chọn một trong hai trường hợp.

Một là, doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư để đầu tư dự án sẽ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết ngày 31/12/2030 và được hỗ trợ theo các mốc thời gian: 30% vào năm 2030, tăng thêm 10% nếu rút ngắn được 1 năm; hỗ trợ 40% vào năm 2029; hỗ trợ 50% vào năm 2028.

Hai là, doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư dự án và cho phép doanh nghiệp được trích quỹ cao hơn 10% (theo quy định hiện hành) trong một số năm để đầu tư nhà máy với thời hạn nhà máy đi vào sản xuất trước ngày 31/12/2030.

Hồi âm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp chiến lược. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đầy đủ tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp này, trong đó khó nhất là nhà máy sản xuất, nhất là nhà máy sản xuất đầu tiên rất quan trọng cho nghiên cứu, cho chế thử các chip được thiết kế tại Việt Nam.

“Nhà máy này rất quan trọng cho việc sản xuất các chip chuyên dùng của Việt Nam, nhất là quốc phòng, an ninh và rất quan trọng cho đào tạo nhân lực”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cung cấp thêm thông tin, nhà máy quy mô nhỏ này khoảng dưới 1 tỷ USD, giống như một Lab.

Theo ông Hùng, Nhà nước nên đầu tư toàn bộ, nhưng để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vận hành, Nghị quyết đề xuất hỗ trợ 30% tổng giá trị đầu tư.

“Có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất mức hỗ trợ cao hơn, tới 50% nếu làm nhanh hơn và tối thiểu là 30%, cho phép doanh nghiệp dùng quỹ khoa học, công nghệ để đầu tư vì đây là dự án nghiên cứu phát triển, chứ không phải kinh doanh thuần túy; cho phép doanh nghiệp trích Quỹ Khoa học, công nghệ cao hơn 10% trong một số năm để đầu tư nhà máy, phòng Lab này, cũng như không nên chỉ tên doanh nghiệp được hỗ trợ. Chúng tôi xin nghiên cứu, tiếp thu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo Quốc hội.

Cần chính sách đột phá phát triển điện hạt nhân

Cũng trong sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trước đó, thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất cao việc cần chính sách đột phá để phát triển điện hạt nhân cũng như năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển của Việt Nam, như Chính phủ đã trình. Một số ý kiến cũng lưu ý, bên cạnh những lợi ích tiềm năng và mặt tích cực, Dự án cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Vì thế, cần được xem xét cẩn trọng, cụ thể các vấn đề tài chính, công nghệ và an toàn môi trường xã hội, địa - chính trị.

Về nội dung cụ thể, lựa chọn chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện là một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm. Theo tờ trình, Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và chỉ định thầu đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong thỏa thuận hoặc hiệp định liên chính phủ; áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng để lập, thẩm tra, thẩm định, trợ giúp chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án; mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành, bảo dưỡng trong thời gian đầu.

Thảo luận tại tổ, có ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định này, bởi nếu không kiểm soát chặt chẽ, thì có thể ảnh hưởng đến tính minh bạch, tiến độ và chất lượng của Dự án.

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, hợp đồng “chìa khóa trao tay” là phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Đại biểu phân tích, Hàn Quốc - một quốc gia đang nắm công nghệ điện hạt nhân - cũng chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ vào năm 1972-1978.

Nhờ những chính sách hỗ trợ mạnh cho nghiên cứu, tới năm 1998, Hàn Quốc hoàn toàn làm chủ công nghệ, xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân “Made in Korea” cho Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất vào năm 2009. Một số quốc gia khác cũng chọn hình thức hợp đồng “chìa khóa trao tay” khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Belarus, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Ba Lan…

Về an toàn, an ninh hạt nhân, đại biểu Tú Anh cho rằng, theo thông lệ, các nhà cung cấp đều tuân thủ nguyên tắc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nên dù chọn công nghệ đối tác nào thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân đều phù hợp với tiêu chuẩn của IAEA.

Với thiết kế liên quan đặc điểm địa hình, khí hậu theo điều kiện Việt Nam, theo đại biểu Tú Anh, cần được phê duyệt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn của Việt Nam, có thể thẩm định theo quy trình rút gọn.

Một nội dung khác cũng được quan tâm thảo luận là quy định chủ đầu tư được miễn báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, dự án lớn triển khai có nhiều thứ chưa thể nhìn trước. “Giả sử sau này, vốn chủ sở hữu không đáp ứng được, cần tăng vốn, cơ quan chủ sở hữu nhà nước không tham gia giám sát, thì lúc đó, chủ đầu tư đủ thẩm quyền tăng vốn hay không, hay lại phải xin Quốc hội?”, ông Huân đặt vấn đề.

Theo vị đại biểu Bình Dương, việc cơ quan chủ sở hữu nhà nước giám sát thì ra quyết định nhanh hơn là xin Quốc hội điều chỉnh. Vì thế, cần cân nhắc để dự án thực hiện được nhanh, nhưng ổn định.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: “Với tinh thần cầu thị, khẩn trương, không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội, chủ quan, sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cùng cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở để khẩn trương thực hiện Dự án, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu”.

Quốc hội bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ chín

Sáng nay (19/2), Quốc hội Khóa XV bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ chín, thông qua các nghị quyết về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.

Nội dung được bấm nút còn có các nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng được thông qua ở phiên này.
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 6/1/2025 kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư