Chủ Nhật, Ngày 27 tháng 07 năm 2025,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua:
Nghiên cứu làm đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng 64.148 tỷ đồng; Sắp khởi công Khu công nghiệp Phù Mỹ hơn 4.569 tỷ đồng
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 27/07/2025 08:34
 
TP.HCM nghiên cứu làm tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng vốn đầu tư 64.148 tỷ đồng; Gia Lai “ấn định” ngày 19/8 khởi công Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ… Đó là hai trong sốn những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Dự án điện khí LNG Cà Ná hơn 57.000 tỷ đồng: Chỉ 1 nhà thầu nộp hồ sơ

Sở Công Thương Khánh Hòa cho biết, chỉ có Liên danh Trung Nam – Sideros River nộp hồ sơ dự thầu dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Ná quy mô 1.500 MW, tổng vốn hơn 57.000 tỷ đồng. Giá chào bán điện là 3.294,22 đồng/kWh (tương đương 12,83 cent/kWh). VPBank là đơn vị bảo lãnh dự thầu gần 574 tỷ đồng.

Ảnh phối cảnh Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ.
Ảnh phối cảnh Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ.

Dự án gồm nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, kho cảng LNG, hệ thống tái hóa khí, bến nhập LNG và đê chắn sóng. Dự kiến thực hiện trên diện tích hơn 139 ha tại xã Cà Ná, Khánh Hòa. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư kéo dài từ quý I đến quý IV/2025, chuẩn bị đầu tư từ năm 2026, vận hành năm 2026 theo quy hoạch được Thủ tướng đồng ý bổ sung từ năm 2021.

Đồng thuận đầu tư PPP mở rộng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

UBND TP. Hà Nội thống nhất với đề xuất đầu tư mở rộng hoàn chỉnh cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên theo hình thức PPP, do UBND tỉnh Thái Nguyên làm cơ quan có thẩm quyền. Hà Nội đề nghị loại trừ đoạn trùng với tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình vì đang sử dụng vốn đầu tư công. Dự án do Công ty Phương Thành đề xuất có tổng chiều dài hơn 100 km, gồm đoạn Hà Nội - Thái Nguyên dài 61,2 km đầu tư 6 làn xe, và đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới dài 39,49 km đầu tư 4 làn xe, đều thiết kế tốc độ 100 km/h.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn đi qua TP.HCM có chiều dài 13,49 km.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn đi qua TP.HCM có chiều dài 13,49 km.

Tổng mức đầu tư dự kiến gần 16.800 tỷ đồng, trong đó khoảng 5.363 tỷ đồng là vốn nhà nước. Hà Nội yêu cầu đảm bảo khớp nối kỹ thuật và đồng bộ với các dự án liên quan như Vành đai 3, cầu Tứ Liên và đường kết nối sân bay Gia Bình.

Sau chuyến thị sát của lãnh đạo tỉnh, vướng mắc Khu công nghiệp Nam Pleiku đã được gỡ

Chỉ một tuần sau buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai và lãnh đạo UBND tỉnh với chủ đầu tư, vướng mắc liên quan hệ thống thoát nước ngoài ranh Khu công nghiệp Nam Pleiku đã được tháo gỡ. UBND tỉnh đồng ý bổ sung hai hạng mục hạ tầng vào quy hoạch, yêu cầu hoàn tất cấp phép xây dựng trong tháng 8/2025 và cấp chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp trước ngày 15/8.

Cống Mương Chuối, một hạng mục của Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành được hơn 90% nhưng tạm dừng thi công từ năm 2020 đến nay. Ảnh:TN.
Cống Mương Chuối, một hạng mục của Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành được hơn 90% nhưng tạm dừng thi công từ năm 2020 đến nay. Ảnh:TN.

Chủ đầu tư – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê – được giao hoàn thành quy hoạch 1/2000 và toàn bộ hạ tầng trước tháng 10/2026. Dự án có tổng vốn hơn 476 tỷ đồng, hiện đang triển khai giai đoạn 1 với 10 nhà đầu tư đăng ký.

Thủ tướng yêu cầu thông xe cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cuối năm nay

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị quyết tâm thông xe cơ bản tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vào ngày 19/12/2025. Tại cuộc kiểm tra ngày 21/7, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các bên nhưng nhấn mạnh tiến độ hiện tại vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.

Thủ tướng kiểm tra Dự án thành phần 1 Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đầu cao tốc tại An Giang.
Thủ tướng kiểm tra Dự án thành phần 1 Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đầu cao tốc tại An Giang.

Dự án dài 188,2 km, tổng vốn đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng, chia làm 4 dự án thành phần, trong đó thành phần 1 do tỉnh An Giang phụ trách. Đến nay, đã giải phóng mặt bằng 100%, sản lượng thi công đạt 52,87%. Thủ tướng chỉ đạo huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường thi công 3 ca, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả kết nối vùng.

Gia Lai “ấn định” ngày 19/8 khởi công Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để tổ chức lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ vào ngày 19/8/2025. Dự án do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ đầu tư, có quy mô 436,8 ha, tổng vốn hơn 4.569 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong vòng 48 tháng.

Hiện các thủ tục pháp lý cơ bản đã hoàn tất, công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai, báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được phê duyệt trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Sau lễ khởi công, chủ đầu tư sẽ tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu trong năm 2025 thu hút ít nhất 2 nhà đầu tư thứ cấp.

Vốn đầu tư toàn cầu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số

FDI toàn cầu năm 2024 đạt 1.370 tỷ USD, phục hồi nhẹ sau hai năm suy giảm. Nửa đầu năm 2025 ghi nhận tăng trưởng 4%, với dòng vốn tập trung mạnh vào công nghệ cao, kinh tế số và năng lượng tái tạo. Các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Singapore nổi lên là điểm đến hấp dẫn, tận dụng lợi thế nhân lực và chính sách ưu đãi.

Việt Nam thu hút 21,52 tỷ USD FDI trong 6 tháng, hơn 55% vào công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao. Xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tiếp tục định hình lại dòng vốn. Tuy nhiên, các thách thức về hạ tầng, kỹ năng lao động, pháp lý và rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.

Hưng Yên đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện khí LNG và các dự án nhà ở trọng điểm

UBND tỉnh Hưng Yên đang tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy điện khí LNG công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng. Nhiều thủ tục pháp lý đã cơ bản hoàn tất, công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai khẩn trương, hướng tới mục tiêu khởi công trong quý III/2025.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Quang Hưng chỉ đạo tại cuộc họp
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Quang Hưng chỉ đạo tại cuộc họp

Song song, ba dự án nhà ở thương mại trọng điểm và ba dự án nhà ở xã hội tại TP. Thái Bình cũ cũng được đẩy nhanh tiến độ, với hàng loạt hạng mục đã hoàn thành hoặc chuẩn bị khởi công trong tháng 8/2025. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, xử lý dứt điểm các tồn tại, tạo đồng thuận để đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm.

TP.HCM nghiên cứu làm tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng vốn đầu tư 64.148 tỷ đồng

TP.HCM đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Dĩ An – Bàu Bàng dài 52,3 km, trong đó 39,5 km đi trên cao, kết nối từ ga An Bình đến ga Bàu Bàng. Tuyến sử dụng khổ đường 1.435 mm, phục vụ cả hành khách và hàng hóa, với tàu khách chạy 160 km/h và tàu hàng 120 km/h.

Sau khi sáp nhập, TP.HCM dự kiến sẽ đầu tư nhiều tuyến đường sắt mới - Ảnh: Lê Quân
Sau khi sáp nhập, TP.HCM dự kiến sẽ đầu tư nhiều tuyến đường sắt mới - Ảnh: Lê Quân

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 64.148 tỷ đồng, huy động từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa như đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD. Dự án được triển khai theo Luật Đường sắt năm 2025 và Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi một số luật liên quan đến đầu tư công.

Giao đơn vị chủ quản đầu tư cao tốc cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh vốn 21.856 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản Dự án xây dựng đoạn cao tốc Cửa khẩu Dinh Bà – Cao Lãnh, thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh. Tuyến dài khoảng 68 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư ước tính 21.856 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự án nhằm kết nối giao thông từ cửa khẩu Dinh Bà đến các vùng kinh tế, cảng biển, tuyến cao tốc Bắc – Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến triển khai trước năm 2030 theo quy hoạch, ưu tiên theo hình thức PPP.

Đà Nẵng: Bổ sung 500 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14D

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1556/QĐ-TTg, bổ sung 33.680 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024. Trong đó, Đà Nẵng được phân bổ 500 tỷ đồng để triển khai dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021–2025: cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14D đoạn qua tỉnh Quảng Nam (cũ).

Quốc lộ 14D bị xuống cấp nghiêm trọng.
Quốc lộ 14D bị xuống cấp nghiêm trọng.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đúng quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tránh lãng phí và tiêu cực. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tuân thủ theo quy định hiện hành.

Cho phép Bến cảng số 1, 2 Lạch Huyện tiếp nhận tàu container 165.000 DWT giảm tải

Bộ Xây dựng vừa chấp thuận cho Bến cảng số 1, 2 – Khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) được tiếp nhận tàu container trọng tải đến 165.000 DWT giảm tải. Bến cảng do Công ty TNHH Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng khai thác, đã hoạt động từ tháng 6/2019 với quy mô 2 bến dài 750 m, độ sâu khu nước trước bến -16 m.

Toàn cảnh Bến cảng số 1, 2 - Khu bến cảng Lạch Huyện.
Toàn cảnh Bến cảng số 1, 2 - Khu bến cảng Lạch Huyện.

Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát an toàn hàng hải, kiểm tra kết cấu, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường. Trước đó, bến cảng đã đón thành công 7 lượt tàu trọng tải lớn và được đánh giá đủ điều kiện tiếp nhận tàu 165.000 DWT giảm tải theo quy định.

Đề xuất xây sân bay Ninh Bình công suất 10 triệu khách, đón được tàu bay Boeing 787

UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất xây dựng Cảng hàng không quốc tế Ninh Bình tại phường Liêm Tuyền, trên diện tích 720 ha, đạt tiêu chuẩn cấp 4E ICAO với 2 đường cất hạ cánh, đón được máy bay lớn như Boeing 787, A350. Sân bay dự kiến có công suất 10 triệu khách/năm và có thể mở rộng trong tương lai.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề án đang được tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ trình Thủ tướng bổ sung vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia. Nếu được chấp thuận, sân bay sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch, đô thị hóa và liên kết vùng. Việc giải phóng mặt bằng ước tính ảnh hưởng tới 1.080 hộ dân, 15 nghĩa trang, 2 cơ sở tôn giáo và 4 trường học.

Khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8,3–8,5%, với động lực chủ yếu là đầu tư. Ngoài gần 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công – lần đầu tiên đặt mục tiêu giải ngân 100% – cần thêm khoảng 83 tỷ USD từ khu vực tư nhân, nước ngoài và các nguồn khác trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, thách thức lớn là hàng nghìn dự án tồn đọng với 235 tỷ USD vốn “đóng băng”, cùng với việc dòng vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài tăng trưởng chậm.

Bộ Tài chính nhấn mạnh hiệu quả của chính sách và khả năng huy động, sử dụng nguồn lực sẽ quyết định kịch bản tăng trưởng. Việc triển khai hiệu quả các nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ dự án tồn đọng, xúc tiến đầu tư lớn và điều hành chính sách tài khóa – tiền tệ linh hoạt sẽ là chìa khóa tạo đà tăng trưởng bền vững.

Thách thức trong triển khai dự án điện trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh

Bộ Công thương vừa yêu cầu các địa phương báo cáo khó khăn trong triển khai Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh trước ngày 29/7/2025. Vướng mắc lớn nhất là yêu cầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất, khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Địa phương như Quảng Trị, Hà Tĩnh đề xuất cơ chế riêng cho dự án điện gió, do khó lập quy hoạch phân khu 1/2.000. Một số nhà đầu tư gặp trở ngại vì thiếu phương án đấu nối trong Quyết định 1509/QĐ-BCT, gây ách tắc thủ tục.

Thách thức lớn nhất là các Dự án điện dùng đất đều phải chọn nhà đầu tư qua đấu thầu.
Thách thức lớn nhất là các dự án điện dùng đất đều phải chọn nhà đầu tư qua đấu thầu.

Trong khi đó, các dự án điện khí LNG như Nghi Sơn và Cà Ná không thu hút nhà đầu tư do lo ngại rủi ro tài chính và khó tiếp cận vốn vay. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không tháo gỡ kịp thời, nguy cơ không thể triển khai đúng tiến độ Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh là hiện hữu.

Hải Phòng tập trung giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu TP. Hải Phòng tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đảm bảo khởi công đúng tiến độ. Đoạn qua Hải Phòng dài 89,88 km, đi qua 24 xã, phường, cần thu hồi 624,13 ha đất, ảnh hưởng 6.096 hộ dân, trong đó hơn 1.700 hộ cần tái định cư.

Thành phố đã thành lập Tổ công tác, xác định vị trí 14 dự án tái định cư và hoàn thành đo đạc, cắm mốc tạm trên toàn tuyến. Bộ trưởng nhấn mạnh phải đảm bảo minh bạch, ưu tiên tái định cư tại chỗ, phối hợp chặt chẽ giữa các bên để đẩy nhanh tiến độ, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển logistics và công nghiệp khi dự án hoàn thành.

Thành lập Hội đồng thẩm định chủ trương xây dựng Tổ hợp khu cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, trung tâm logistics

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để xem xét chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp khu cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, trung tâm logistics và khu chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ tại TP.HCM. Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch, gồm lãnh đạo nhiều bộ ngành và UBND TP.HCM, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ dự án để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét phê duyệt.

Dự án được đánh giá cấp thiết trong bối cảnh cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang giữ vai trò then chốt trong chuỗi logistics toàn cầu, là cửa ngõ xuất khẩu chiến lược của vùng Đông Nam Bộ, với năng lực tiếp nhận tàu đến 250.000 tấn và 48 tuyến container quốc tế mỗi tuần.

Phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công cho các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021–2025. Mục tiêu là hoàn thành cao nhất các chương trình: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số – miền núi.

Ban Chỉ đạo yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% dự toán năm 2025, rà soát chính sách kịp thời, hoàn thiện thể chế, tăng cường giám sát và phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Đồng thời, chuẩn bị tổng kết giai đoạn 2021–2025 và đề xuất định hướng giai đoạn tiếp theo. Chương trình cũng phân công các Ủy viên theo dõi, chỉ đạo từng địa bàn cụ thể sau sáp nhập để đảm bảo thực thi hiệu quả.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM hoàn thành vào năm 2026

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 212/NQ-CP tháo gỡ vướng mắc pháp lý, Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM sẽ được thi công trở lại và hoàn thành trong năm 2026, quyết toán vào năm 2027.

Dự án đã đạt hơn 90% khối lượng nhưng phải tạm dừng từ năm 2020 do thiếu vốn. Tổng mức đầu tư hiện nay ước tính lên tới 15.400 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay đã vượt 2.900 tỷ đồng. UBND TP.HCM đã giao Tổ Công tác 1970 phối hợp các đơn vị triển khai kế hoạch thực hiện, đảm bảo hoàn thiện, nghiệm thu và vận hành dự án theo tiến độ mới.

TP.HCM sẽ bàn giao mặt bằng để làm đường sắt tốc độ cao vào tháng 12/2026

TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong tháng 12/2026. Thành phố yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương lập, trình phê duyệt dự án khu tái định cư trước ngày 19/8/2025 và hoàn tất thủ tục bồi thường trong tháng 10/2025.

Đoạn tuyến qua TP.HCM dài 13,49 km, chiếm khoảng 110 ha đất tại TP. Thủ Đức, với kinh phí bồi thường hơn 2.575 tỷ đồng. Đồng thời, TP.HCM cũng triển khai rà soát quỹ đất vùng phụ cận để phát triển theo mô hình TOD, hoàn thành trong quý III/2026.

Gia Lai “ấn định” ngày 19/8 khởi công Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành và chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục để khởi công Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ vào ngày 19/8/2025. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được giao phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ hoàn thiện san lấp mặt bằng, tổ chức lễ khởi công và thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Chủ đầu tư cần hoàn thành các hồ sơ pháp lý trước ngày 1/8, đồng thời phối hợp tuyên truyền, vận động người dân và cung cấp thông tin đầy đủ tới địa phương. Dự án có quy mô 436,8 ha, vốn đầu tư hơn 4.569 tỷ đồng, dự kiến thu hút ít nhất 2 nhà đầu tư thứ cấp trong năm 2025.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư