Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 07 năm 2025,
Ngược chiều thị trường, Chứng khoán APG ghi lỗ quý II
Nguyên Minh - 19/07/2025 15:23
 
Báo cáo tài chính CTCP Chứng khoán APG cho biết, công ty chứng khoán này vừa thua lỗ trong quý II/2025 trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán khác đều có lợi nhuận tăng trưởng.

Quý II, APG đạt 161,3 tỷ đồng doanh thu hoạt động, cao gấp 2,5 lần lợi nhuận quý II năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL mang về 123,9 tỷ đồng, đóng góp 77% doanh thu hoạt động của công ty và cao gấp 3,8 lần cùng kỳ năm ngoái. 

Cùng với đó, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng mạnh, đạt 16,4 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu đưa về hơn 15 tỷ, cao hơn mức 11,7 tỷ đồng cùng kỳ. 

Trong khi phần lớn các hoạt động chính đều tăng trưởng, mảng môi giới của APG lại sụt giảm nghiêm trọng.

Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán chỉ mang về 1,1 tỷ đồng trong quý II. Cùng kỳ năm ngoái mảng này đóng góp 10,6 tỷ đồng tương đương 16% doanh thu hoạt động, xét về giá trị chỉ đứng sau mảng tự doanh và cho vay. 

Tuy doanh thu hoạt động tăng mạnh so với quý II/2024, tuy nhiên thực tế hiệu quả của các mảng kinh doanh của APG không hoàn toàn tích cực sau khi tính đến lợi nhuận gộp.

Cụ thể, nếu lãi FVTPL 123,9 tỷ đồng thì lỗ ở mảng này cũng lên đến 123,26 tỷ đồng khiến biên lãi gộp rất mỏng, thực tế APG chỉ lãi chưa đến 1 tỷ đồng. 

Còn ở mảng môi giới, chi phí nghiệp vụ môi giới kỳ này lên đến 5 tỷ đồng khiến APG lỗ gộp gần 4 tỷ đồng. Tổng cộng, chi phí hoạt động quý II của APG chiếm 129,3 tỷ đồng, trong khi quý II năm ngoái chỉ chiếm gần 1,5 tỷ đồng. 

Ngoài ra, quý này, APG còn ghi nhận chi phí lãi vay lên đến 24,6 tỷ đồng và Chi phí quản lý công ty chứng khoán hơn 9,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, 2 khoản chi phí này lần lượt chiếm 3 tỷ đồng và 4,8 tỷ đồng. 

Sự gia tăng của các loại chi phí khiến chi phí cao vượt quá doanh thu. Do đó, APG lỗ ròng 6,8 tỷ đồng trong quý II/2025, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (43,54 tỷ đồng). 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, APG ghi nhận lợi nhuân trước thuế 8,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 2 tỷ đồng, kém xa khoản lãi đạt được nửa đầu năm ngoái (49,8 tỷ đồng), tương ứng giảm 96%. 

Trước đó, năm 2024, APG thua lỗ hơn 130 tỷ đồng. Năm 2025, công ty đặt mục tiêu chuyển từ lỗ sang lãi với kế hoạch doanh thu hoạt động kinh doanh 300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, APG vẫn còn đang cách xa mục tiêu lợi nhuận này. 

Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng tài sản của APG ở mức 4.274 tỷ đồng, tăng 60% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng từ 2.161 tỷ đồng đầu năm lên 3.525 tỷ đồng cuối quý II. 

APG phân bổ đến 1.100 tỷ đồng vào các tài sản HTM, giá trị này tăng vọt trong 6 tháng khi hồi đầu năm, giá trị tài sản HTM chỉ khoảng 45 tỷ đồng. Mức tăng thêm này thể hiện việc APG sử dụng tài sản cho vào tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. 

Ngoài ra, APG cũng tăng cho vay ký quỹ. Giá trị cho hoạt động margin tăng từ 278 tỷ đồng đầu năm lên 776 tỷ đồng, tương đương tăng 179% trong 6 tháng. 

Ngược lại, APG đã giảm đầu tư vào các tài sản FVTPL, cụ thể giảm giá trị ở cổ phiếu niêm yết xuống chỉ còn khoảng một nửa hồi đầu năm, còn 227,3 tỷ đồng. 

Về cơ cấu nguồn vốn, APG đã tăng vay nợ trong nửa đầu năm. Nợ phải trả của APG đã tăng từ 269,6 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.870 tỷ đồng cuối tháng 6/2025, tương ứng gấp gần 7 lần cùng kỳ. Trong đó, có đến 1.836 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Công ty không có nợ phải trả dài hạn.

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh èo uột, mới đây, công ty chứng khoán này còn nhận được quyết định của Cục Thuế - Thuế Thành phố Hà Nội về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế. 

Theo đó, APG phải chịu mức phạt tiền tổng cộng gần 2,5 tỷ đồng do các hành vi: Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp; Khai sai nhưng không dẫn đến thiếu thuế phải nộp; Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế.

Đồng thời, công ty chứng khoán này phải nộp đủ số tiền thuế tăng thêm qua kiểm tra hơn 16,3 tỷ đồng, cùng với số tiền chậm nộp thuế hơn 6,6 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp mà APG phải nộp là 25,47 tỷ đồng.

Quỹ ngoại bất ngờ thành cổ đông lớn của Công ty chứng khoán APG
Quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore bất ngờ trở thành cổ đông lớn tại CTCP Chứng khoán APG (mã APG) khi nâng sở hữu lên 5,25% vốn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư