Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Người chuyên “cứu sinh” doanh nghiệp
Nhã Nam - 12/10/2019 07:07
 
Có thể nói như thế về bà Ninh Thị Ty, Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Chiến Thắng. Bà đã chia sẻ rằng, mình luôn ở tâm thế tự tin và... sẵn sàng tiếp tục sự nghiệp “cứu sinh” doanh nghiệp.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm.

Ở trong “làng” dệt may Việt Nam, bà Ninh Thị Ty được mệnh danh là “nữ tướng của ngành may”, là người đã có tới hai lần vực dậy các công ty may trên bờ vực phá sản.

Lần thứ nhất vào năm 1996, khi bà vừa “chân ướt chân ráo” về Tổng công ty Dệt may Việt Nam. Lúc ấy bà được phân công làm lãnh đạo Xí nghiệp May Trương Định, một đơn vị vừa được thành lập 3 năm, nhưng yếu kém, liên tục thua lỗ, nhân viên nhiều tháng không lương.

Một ca quá khó, nhất là lúc ấy sau khi học tập, nghiên cứu ở Đức, trở về Việt Nam, bà đang làm việc cho một công ty của Đức, công việc ổn định, lương cao và có vị thế.

Lần thứ hai, đến sau đó gần 10 năm. Năm 2005, khi đang trên đà thành công trong sự nghiệp thì bà nhận được đề nghị tiếp quản Công ty May Chiến Thắng, một doanh nghiệp 43 năm tuổi, nhưng đang chịu lỗ hàng chục tỷ đồng, tồn kho lớn, kèm theo đó là nợ bảo hiểm, nợ lương, nợ hàng loạt chi phí khác. Nhân công chán nản, chia phe chia phái.

“Đây thậm chí còn là ca khó bội phần so với May Trương Định năm xưa”, bà Ninh Thị Ty kể. Để vực dậy doanh nghiệp, sẽ cần một cuộc “đại phẫu”, tốn nhiều tâm trí và sức lực.

Lúc ấy, 100 người thì 99 người gàn bà không nên nhận. Bởi nếu nhận, bà sẽ phải dồn tâm sức cho cuộc “đại phẫu” vô cùng khó khăn, mà chưa chắc đã thành công.

Nhưng rồi, đứng trước cả hai lần “lựa chọn sinh tử” ấy, ý chí, lòng tự trọng, sự tự tin về chuyên môn đã thắng thế. Bà chấp nhận thử thách.

Lần thứ nhất, với May Trương Định, bà thậm chí chấp nhận mang sổ đỏ của gia đình ra thế chấp để có tiền trả lương công nhân, tiền điện, rồi tập trung siết chặt quy trình sản xuất, tăng cường kiểm soát chất lượng, đào tạo nâng cao tay nghề.

Doanh nghiệp dần được hồi sinh, uy tín ngày càng lên cao, đơn hàng ngày một nhiều. Năm 1999, May Trương Định mở thêm nhà máy ở Hưng Yên. Sau đó, có thêm các nhà máy khác ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Thậm chí, sau cổ phần hóa năm 2000, May Trương Định (nay là Công ty May Hồ Gươm) bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ: đầu tư chiều sâu ngành may, mở rộng phát triển thêm các ngành nghề mới.

Lần thứ hai, với May Chiến Thắng, trước khi quyết định, bà tiến hành “tổng khám” doanh nghiệp. “Theo đánh giá của tôi, mặc dù đang lỗ và nợ dài dài, nhưng Chiến Thắng vẫn có một cơ ngơi khang trang cùng đội ngũ công nhân tay nghề cao. Tên tuổi cũng được đánh giá cao về chất lượng. Nếu quyết tâm đại phẫu thuật thành công, Chiến Thắng sẽ trở thành một doanh nghiệp mạnh”, suy tính như thế, tháng 11/2006, bà chính thức tiếp quản May Chiến Thắng và bắt tay vào cuộc “đại phẫu” doanh nghiệp này.

Đầu tiên là xây dựng phương án tài chính cho doanh nghiệp. Tiếp đó, để ổn định về mặt tâm lý cho cán bộ công nhân viên, bà quyết định nâng lương, kiểm soát thông tin về lỗ - lãi, tránh gây hoang mang cho người lao động, đồng thời, nâng cao việc kiểm soát quy trình, chất lượng sản phẩm.

Chỉ trong 1 tháng, doanh thu của Chiến Thắng đã tăng 100.000 USD. Năm 2007, bà mạnh tay thanh lý toàn bộ hàng tồn kho, giảm số phòng, ban còn một nửa, cho thuê phần diện tích thừa để thêm chi phí. 10 tháng sau là cuộc tinh giảm biên chế gần 70% cán bộ gián tiếp.

“Chấp nhận giải bài toán khắc nghiệt này, tôi phải đối mặt với hàng loạt lời đe dọa, nhưng tôi quyết không lùi bước. Đây là giai đoạn mà nhân viên gọi tôi là người đàn bà thép”, bà Ninh Thị Ty chia sẻ.

Kể từ sau cuộc đại phẫu đó, từ năm 2008, May Chiến Thắng dần đi vào ổn định và phát triển. Bà Ninh Thị Ty trở thành Giám đốc Điều hành rồi Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Bà còn được Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 2009.

Giờ đây, bà quản lý gần 6.000 nhân sự với 15 nhà máy may. Chưa kể, còn các công ty con về giáo dục, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao khác. Công việc vất vả, thách thức cũng lớn, nhưng bà Ninh Thị Ty bảo, bà vẫn luôn ở tâm thế tự tin và... sẵn sàng tiếp tục sự nghiệp “cứu sinh” doanh nghiệp.

Câu chuyện về “nghiệp” cứu sinh doanh nghiệp của bà Ninh Thị Ty sẽ được kể trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, phiên bản “Những câu chuyện thật”.

Chương trình được phát sóng lúc 9h45 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam sáng Chủ nhật (ngày 13/10). Tuần này, đồng hành với bà Ninh Thị Ty là ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái và ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group, Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.

Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - Chìa khóa thành công của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Trung ương Hội Các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (VCCI).

Doanh nhân Nguyễn Văn Hòa, CEO Shinbi Dental: Kinh doanh tử tế làm nên kết quả phi thường
Lựa chọn công nghệ mới để bứt phá, nhưng điều mà doanh nhân Nguyễn Văn Hòa nhận được lại là “mưa gạch đá” và sự hoài nghi của đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư