Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Người dân có quyền đòi bồi thường thiệt hại môi trường
Thanh Tùng - 29/04/2014 08:10
 
() Người dân và các tổ chức dân sự, chính trị và xã hội phải có quyền đòi bồi thường và được bồi thường theo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tăng quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân
Phát hiện lò luyện quặng vàng trái phép ở Hà Nội
1,7 triệu dân thiếu nước, Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài nguyên Môi trường

LS. Vũ Thị Duyên Thủy, người đang tham gia một dự án góp ý kiến vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Luật nên quy định các tổ chức dân sự phải đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá các thông tin môi trường và giúp người dân được đền bù các thiệt hại về môi trường.

  Người dân có quyền đòi bồi thường thiệt hại môi trường  
  Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả  

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, không quy định việc người dân và các tổ chức dân sự, chính trị và xã hội có quyền đòi đền bù các thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Dự thảo chỉ quy định rằng, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc khởi kiện tại tòa án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền, khởi kiện tại tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của mình gây ra. Người đứng đầu cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường và các cơ quan có liên quan đến quản lý tổ chức và hoạt động của tổ chức có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải chịu trách nhiệm về quản lý theo quy định của pháp luật.

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành (ban hành năm 2005) không có quy định về vai trò của người dân và các tổ chức dân sự trong bảo vệ môi trường và cũng không quy định về việc làm thế nào để người dân và các tổ chức này có thể thực hiện các thủ tục khởi kiện và đòi bồi thường từ các đối tượng gây ô nhiễm.

LS. Trần Thị Hương Trang (đang tham gia một dự án góp ý kiến vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của UNDP tại Việt Nam) cho biết, trên thế giới, việc người dân và các tổ chức khởi kiện các đối tượng gây ô nhiễm môi trường là chuyện rất bình thường.

“Ở Trung Quốc, các tổ chức phi chính phủ có thể khởi kiện các đối tượng gây ô nhiễm tại bất kỳ tòa án môi trường nào để bảo vệ môi trường. Các tổ chức này cũng có thể đại diện cho một nhóm đông người tiến hành khởi kiện. Ở Philippines, người dân có thể yêu cầu các cơ quan chức năng chấm dứt, hoặc ngừng hoạt động các hoạt động có hại cho môi trường thông qua các quy định cụ thể tại luật môi trường của quốc gia này”, bà Trang nói.

Trong khi đó, tại Thái Lan, tất cả các hoạt động hay các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường, hoặc ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người sẽ không được cấp phép nếu chủ các dự án không tham vấn đầy đủ về các yếu tố môi trường với người dân và các tổ chức dân sự, chính trị và xã hội. Hiến pháp Thái Lan cũng quy định rằng, người dân có thể kiện các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, nếu họ không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư