Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Người dân Venezuela phải dùng ứng dụng để quy đổi tiền
Hà Thu (VnExpress) - 25/08/2018 09:22
 
Nhiệm vụ của ứng dụng chỉ là chia giá theo tiền cũ cho 100.000 để ra giá theo tiền mới.
 Ứng dụng Calculadora Soberana giúp người Venezuela đổi tiền
Ứng dụng Calculadora Soberana giúp người Venezuela đổi tiền

Tuần trước, Chính phủ Venezuela quyết định xóa 5 số 0 trên đồng bolivar cũ, để giải quyết lạm phát phi mã được dự báo lên tới 1 triệu phần trăm năm nay tại quốc gia này. Trên lý thuyết, 100.000 bolivar cũ sẽ bằng 1 bolivar mới. Tuy nhiên, việc chia mọi số cho 100.000 cũng khiến nhiều người lúng túng. Các nhà kinh tế học cho rằng, thông thường việc đổi tiền diễn ra với quy mô 10, 1.000 hay 1.000.000 để dễ tính toán.

Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Venezuela đã ra mắt một ứng dụng tính toán có tên Calculadora Soberana trên hệ điều hành Android. Nhiệm vụ của ứng dụng này chỉ là chia giá theo tiền cũ cho 100.000 để ra giá theo tiền mới. Tuy vậy, nó cũng đã được 5.000 lượt tải trong 2 ngày qua trên Google Play và được đánh giá gần 5 sao.

“Đây là công cụ dành cho tất cả người dân Venezuela. Là người bạn tốt nhất giúp mọi người hiểu rõ và quen thuộc với quá trình đổi tiền. Hãy tải nó ngay bây giờ”, thông báo của cơ quan này trên Twitter cho biết.

Việc tính toán nhầm giá có thể khiến cả người tiêu dùng và chủ cửa hàng tại Venezuela tốn kém không cần thiết. Giới chức Venezuela tuần này đã bắt giữ một số thương nhân vì tăng giá sản phẩm chóng mặt sau khi họ hạ giá nội tệ tới 96%. Một số thì bị bắt vì chỉ giảm 3 số 0 trên giá bán, thay vì 5.

Người dân Venezuela còn phải tính toán lại theo tỷ giá chợ đen - tình trạng khá phổ biến tại nước này. Tỷ giá chính thức là 60 sovereign bolivar đổi được một đôla. Trong khi đó, giá USD trên thị trường chợ đen bằng 100 sovereign bolivar.

Venezuela đã chìm trong khủng hoảng từ năm 2014, do giá dầu lao dốc và quản lý kinh tế yếu kém kéo dài. Lạm phát Venezuela năm nay đã lên hơn 32.700%, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ví với Đức năm 1923 và Zimbabwe cuối những năm 2000.

Toàn cảnh khủng hoảng kinh tế Venezuela
Từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin với dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới, Venezuela giờ quay cuồng trong lạm phát phi mã và thiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư