Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Người đứng đầu phải nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá
Song An - 28/01/2021 11:19
 
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung.
.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận tại Đại hội. 

Thông tin trên được bà Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu trong tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1.

Tham luận nêu rõ phương châm của Bộ Nội vụ là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, trong thời gian tới, bà Trà nêu đề xuất của Bộ Nội về một số nhiệm vụ, giải pháp.

Nhiệm vụ đầu tiên hướng tới xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị cần phải triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải đi tiên phong, nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung - bà Trà phát biểu. 

Ở nhiệm vụ thứ hai, bà Trà cho biết, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính Nhà nước.

Trong điều kiện kinh tế mở, có tính toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp với thông lệ chung của thế giới, phải đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức để có thể hội nhập với các nền hành chính hiện đại trong khu vực và quốc tế. Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế. Từ những thể chế này, tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận.

Nhiệm vụ thứ ba bà Trà đề cập là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với nhiệm vụ thứ tư, Bộ Nội vụ nêu giải pháp tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng nêu giải pháp thứ năm: triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại. Tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhiệm vụ thứ sáu được bà Trà nêu trong tham luận là tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. Nghiên cứu, tham khảo các kết quả đánh giá được công bố của các tổ chức quốc tế và trong nước về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn tới.

Nhiều dấu ấn nổi bật về kinh tế trong nhiệm kỳ Đại hội XII
Nhiệm kỳ Đại hội XII, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô và sức cạnh tranh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư