Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Người hút thuốc có nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần?
Dương Ngân - 28/05/2021 09:26
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người hút thuốc lá có khả năng mắc Covid - 19 cao gấp 1,5 lần.

Hệ luỵ thuốc lá thế hệ mới

Tại cuộc gặp mặt báo chí nhân ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức chiều ngày 27/5, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người hút thuốc lá có khả năng mắc Covid - 19 cao gấp 1,5 lần.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hảo

Để hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 với chủ đề Cam kết bỏ thuốc lá, Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá kêu gọi những người những ai chưa hút thì không hút thuốc lá, những người đang hút, hãy bỏ thuốc.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs).

Cả hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào.

Các tập đoàn thuốc lá trên thế giới đang thực hiện các hoạt động nhằm mở rộng việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới thông qua việc quảng bá gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới là sản phẩm ít hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường và là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá thông thường.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) Đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định hiện không có bằng chứng quốc tế chứng minh thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc.

Bên cạnh đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện cao. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol và trên 15.500 các loại hương liệu có nhiều chất độc.

Sử dụng thuốc lá điện tử vẫn có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường.

Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi (thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA), vòm họng, phổi tắc nghẽn, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ.

Phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.

Tại Việt Nam, theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019”, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử (trong 30 ngày qua, có ít nhất 1 ngày sử dụng thuốc lá điện tử) ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%.

Tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn hơn và  thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh  hiện rất đáng quan ngại.

Theo Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12  là 12,6%.

Tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá” của 34 tỉnh/ thành phố năm 2020 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm.

Tỷ lệ tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới (từ 15 tuổi trở lên) là 42,3% (so với điều tra năm 2015 là 45,3%)

Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm so với năm 2015 (từ 2,5% đến 12%) như: Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.

Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá truyền thống rất thấp so với năm giới, nhưng với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.

Cũng theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).

Kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do hiện tượng nữ hóa vị thành niên, thanh niên, người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.

Các mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe và chất lượng giống nòi trước tác hại của thuốc lá sẽ không đạt được.

Nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội

Theo các chuyên gia, thuốc lá điện tử, kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường.

Propylene glycol trong thuốc lá điện tử có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.

Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí của thuốc lá điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs)… trong đó có những hợp chất đặc biệt nguy hiểm không tìm thấy trong thuốc lá thông thường như glyoxal.

Một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường. Vì vậy thuốc lá điện tử gây hại cho người sử dụng và những người xung quanh.

Các hạt siêu mịn trong sol khí có khả năng đi sâu vào phổi và có thể gây nguy cơ mắc các bệnh không thường gặp ở những người hút thuốc lá thông thường.

Các dấu ấn sinh học của việc phơi nhiễm nicotine đã được tìm thấy ở những người không sử dụng thuốc lá tiếp xúc với sol khí từ thuốc lá điện tử chỉ ra rằng khói thải của thuốc lá điện tử có thể gây rủi ro cho những người xung quanh.

Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.

Tình trạng pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana) đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc, Bệnh Viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công An.

Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới an sinh xã hội, kinh tế, môi trường và sự phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, chi phí y tế cho 5 trong số 25 loại bệnh liên quan đến thuốc lá năm 2011(ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên,nhồi máu cơ tim, đột quỵ và, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) đã là 24.679 tỷ đồng.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không làm giảm đi các vấn đề này mà thậm chí sẽ làm tăng các chi phí hơn nữa.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết thêm, tiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ mắt, mũi, xương hàm sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Bên cạnh đó, rác thải của bộ phận thiết bị điện tử, ống chứa dung dịch gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường sau khi sử dụng, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần.

Các hãng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu thế đưa ra nhiều sản phẩm với giá bán thấp hơn để tiếp cận người có thu nhập thấp (là đối tượng dễ tổn thương nhất).

Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp. Một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.

Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, thế giới đã mất hàng chục năm chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả còn chưa được như mong đợi.

“Nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần”, ông Quang lo ngại.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm Covid - 19, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.

Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021 Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thông qua chủ đề này.

Thông qua sự kiện Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

WHO khuyến cáo, hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người mắc Covid - 19 có nguy cơ tử vong cao hơn.

Covid-19 tấn công và làm suy yếu phổi khiến những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc cao hơn.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tổ chức và chuyên gia y tế công cộng hàng đầu lo ngại rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn nếu mắc Covid-19.

Thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp chính là thời gian phù hợp nhất để người hút thuốc quyết tâm bỏ thuốc lá.
Nỗi lo cũ từ thuốc lá thế hệ mới
Ẩn sau những quảng cáo với hình ảnh thời thượng, tạo sự tò mò, nhắm vào đối tượng người trẻ của thuốc lá thế hệ mới là những tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư