Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 20 tháng 02 năm 2025,
Người làm nghiên cứu khoa học được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa
Nguyễn Lê - 17/02/2025 14:18
 
Dự thảo Nghị quyết thí điểm việc cho phép cơ sở nghiên cứu được chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu, người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa.
.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo tại phiên họp.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu khi báo cáo giải trình cuối phiên thảo luận sáng 17/2 của Quốc hội, về Dự thảo nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin đề xuất tên gọi mới là: Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Nghị quyết thí điểm không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi nghị quyết được chuẩn bị trong một thời gian ngắn mà tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, đánh trúng vào các vấn đề cấp bách để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích.

Theo Bộ trưởng, tại Kỳ họp thứ chín vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số và tiếp theo sẽ là các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề thể chế, chính sách và cơ chế cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu khi hoàn thiện các luật này. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa ra khỏi nghị quyết một số chính sách cần thêm thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện các mặt tác động, ví dụ như chính sách về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học, công nghệ”, ông Hùng nói thêm.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cũng góp ý hoàn thiện thêm câc quy định về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu, về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là những nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài, gốc của nó là Nhà nước muốn tránh rủi ro, nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn rất nhiều trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu và kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiên cứu lớn, có rủi ro cao như các nghiên cứu cơ bản. Nhưng nghiên cứu là có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có rủi ro cao.

“Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài”, theo lời Bộ trưởng.

Dự thảo nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ, quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.

Bộ trưởng bày tỏ hy vọng với những chính sách, cơ chế đặc biệt đó, với việc phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để có chính sách, cơ chế quản lý khác nhau, tạo thông thoáng cho cả 2 thì chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ đang là 1% sẽ tăng lên tối thiểu 2% như quy định của Luật Khoa học, công nghệ và có hiệu quả.

Về quy định thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận đây cũng đang là điểm nghẽn lớn và kéo dài.

“Kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa mới góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết thí điểm việc cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu để chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp. Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu của những năm trước, tạo ra ích nước lợi nhà, vì kết quả nghiên cứu được thương mại hóa thì nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học, công nghệ cao hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước đối với các khoản chi khoa học, công nghệ”, Bộ trưởng nói rõ hơn về đề xuất mới.

Vẫn theo Bộ trưởng, hiện nay, chi cho nghiên cứu phát triển đang là 0,5% GDP, mới được 1/4 so với mục tiêu 2%. Trong 2% GDP này, chi của doanh nghiệp phải chiếm 70 đến 80%, nhưng hiện nay, doanh nghiệp mới chi khoảng 20.000 tỷ đồng một năm, mới đạt được 1/6 so với mục tiêu.

Nghị quyết thí điểm cho phép doanh nghiệp chi cho khoa học, công nghệ ngoài Quỹ Khoa học, công nghệ và được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp có thể chi cho khoa học, công nghệ nhiều hơn 10% lợi nhuận trước thuế và cũng không bị ràng buộc bởi các quy định quá chặt chẽ của quỹ. Việc giới hạn chi khoa học, công nghệ được hưởng ưu đãi thuế chỉ trong phạm vi Quỹ Khoa học, công nghệ đã làm cho các doanh nghiệp. Việt Nam chi cho nghiên cứu phát triển ít hơn các nước tới 10 lần, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Hồi âm quan tâm cùa đại biểu về công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng nêu rõ, đây là ngành công nghiệp chiến lược, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đầy đủ tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp này, trong đó khó nhất là nhà máy sản xuất, nhất là nhà máy sản xuất đầu tiên rất quan trọng cho nghiên cứu, cho chế thử các chip được thiết kế tại Việt Nam, rất quan trọng cho việc sản xuất các chip chuyên dùng của Việt Nam, nhất là quốc phòng, an ninh và rất quan trọng cho đào tạo nhân lực.

Ông Hùng cung cấp thêm thông tin, nhà máy quy mô nhỏ này khoảng dưới 1 tỷ USD giống như 1 phòng Lab - một phòng thí nghiệm hơn là 1 nhà máy, đáng nhẽ Nhà nước nên đầu tư toàn bộ, nhưng để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vận hành, nghị quyết đề xuất hỗ trợ 30% tổng giá trị đầu tư.

“Có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất mức hỗ trợ cao hơn tới 50%, nếu làm nhanh hơn và tối thiểu cũng là 30%; cho phép doanh nghiệp dùng quỹ khoa học, công nghệ để đầu tư vì đây là dự án nghiên cứu phát triển không phải kinh doanh thuần túy; cho phép doanh nghiệp trích Quỹ Khoa học, công nghệ cao hơn 10% trong một số năm để đầu tư nhà máy, phòng Lab này cũng như không nên chỉ tên doanh nghiệp được hỗ trợ. Chúng tôi xin nghiên cứu, tiếp thu”, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư