Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngưỡng lạm phát và tăng trưởng kinh tế
Tuấn Minh (VGP News) - 05/10/2015 09:12
 
Dẫn lại kết quả nghiên cứu của các nhà kinh tế về mô hình của 50 nền kinh tế và thực tế diễn biến kinh tế của Việt Nam trong hơn 20 năm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng ngưỡng lạm phát khoảng từ 5-8% sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 lại tiếp tục giảm 0,21% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp CPI giảm. Ảnh minh họa: VGP
Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 lại tiếp tục giảm 0,21% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp CPI giảm. Ảnh minh họa: VGP

Trước việc lần đầu tiên CPI tháng 9 giảm so với tháng trước trong 10 năm, trả lời phóng viên TTXVN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, thực tế hiện nay, qua thu thập thông tin về mức giá và diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới của Tổng cục Thống kê, CPI tăng thấp là do các nguyên nhân chủ yếu như giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 19/8 và ngày 3/9; trong đó, tổng cộng giá xăng giảm 1.970 đồng/lít, giá dầu diezel giảm 550 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 830 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 3,17% góp phần giảm CPI chung của tháng 9 khoảng 0,28%.

Giá xăng dầu thế giới giảm rất mạnh làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hoặc các ngành sản xuất cũng giảm. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết chuyển sang mùa Thu cũng khiến cho nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%; đồng thời, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với giá xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm nên chỉ số lương thực, thực phẩm giảm 0,14%.

CPI tăng thấp giúp sản xuất ổn định

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng qua tình hình kinh tế 9 tháng, với mức tăng trưởng GDP đạt 6,5% và dấu hiệu kinh tế, các chỉ tiêu của các ngành sản xuất khác cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc. CPI tăng thấp nhưng chỉ tiêu phản ánh tổng cầu lại tăng cao, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay so với 9 tháng năm trước tăng trên 9%. Trong khi con số này của năm 2014, chỉ là 7,3%. Cho nên, CPI tăng thấp nhưng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng, nói cách khác nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng,

GDP tăng trưởng còn được thể hiện qua các chỉ tiêu khác như: 9 tháng 2015, ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, ngành sản xuất và phân phối điện, nước đều có chỉ số phát triển sản xuất tăng cao.

Ngưỡng lạm phát và tăng trưởng GDP

Đáng chú ý, dẫn lại nghiên cứu, báo cáo của các nhà kinh tế về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trường, dựa trên khảo át mô hình 50 nền kinh tế, ông Lâm cho biết: Giữa lạm phát và tăng trưởng không có mối quan hệ tỷ lệ thuận và cũng không phải có mối quan hệ tỷ lệ nghịch.

Các nhà kinh tế đã đưa ra “ngưỡng lạm phát” với ý nghĩa nếu lạm phát cao hơn ngưỡng đó sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho tăng trưởng kinh tế; ngưỡng này đối với các nền kinh tế phát triển là khoảng 2-3% và đối với các nền kinh tế đang phát triển khoảng 11-12%.

Với nghiên cứu của các nước và thực tế diễn biến kinh tế của Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua, Tổng cục Thống kê đã đưa ra ngưỡng lạm phát của nền kinh tế nước ta trong khoảng từ 5-8%. Đây là cái ngưỡng để cho lạm phát tạo điều kiện phát triển kinh tế. Và cũng là một trong những căn cứ, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành đặt ra chỉ tiêu lạm phát 5% trong năm 2015.

Nhận định yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp song những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, ông Lâm cho biết Tổng cục Thống kê đã tham mưu cho Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật hiện hành trong kinh doanh xăng dầu, nhất là đối với hệ thống tổng đại lý, đại lý.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phải phối hợp tốt và hiệu quả trong đề xuất các chính sách liên quan tới lạm phát; tiếp tục phối hợp xây dựng các kịch bản chính sách, đánh giá tác động của các kịch bản như thời gian vừa qua trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu cũng rất quan trọng để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Tăng trưởng GDP đạt đỉnh mới
Kinh tế 9 tháng đầu năm tăng trưởng 6,5% - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm, cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư