Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Nguy cơ đổ vỡ nhiều dự án PPP giao thông lớn
Anh Minh - 27/10/2020 08:43
 
Hàng loạt dự án giao thông lớn triển khai theo hình thức PPP thất bại trong việc tìm nhà đầu tư, buộc phải chuyển sang đầu tư công hoặc xin hỗ trợ từ ngân sách.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn, thì việc đẩy nhanh tiến độ, ấn định phương án đầu tư các Dự án PPP sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước	Nguồn: Báo cáo nghiên cứu của IMF, Worldbank, FPTS tổng hợp. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyên
Trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn, thì việc đẩy nhanh tiến độ, ấn định phương án đầu tư các dự án PPP sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Đức Thanh.

“Điệp khúc” hủy thầu

Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai do UBND tỉnh Tuyên Quang sắm vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã chính thức “gia nhập” danh sách các dự án hạ tầng giao thông thất bại trong việc tìm kiếm nhà đầu tư đang có xu hướng ngày một dài ra.

Trong Tờ trình xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án được gửi tới Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, phải ký quyết định hủy thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư với lý do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2019 với mục tiêu đầu tư khoảng 40,2 km đường theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 3.271,09 tỷ đồng (trong đó, 500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương; 10,79 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương; 2.760,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng). Tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho Dự án. Thời gian dự kiến thu giá dịch vụ để hoàn vốn là 19 năm 2 tháng (từ năm 2023 đến năm 2042). Thời gian chính thức sẽ được xác định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án tuân thủ theo đúng quy định hiện hành. Thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển là 30 ngày, từ 10h ngày 7/9/2020 đến 10h ngày 7/10/2020.

Theo hồ sơ mời sơ tuyển, cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án yêu cầu nhà đầu tư tham gia dự thầu phải đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu là 425,91 tỷ đồng; vốn vay thương mại không thấp hơn 2.334,39 tỷ đồng. Đồng thời, nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí đã thực hiện dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ theo hình thức PPP mà nhà đầu tư tham gia với vai trò góp vốn đầu tư có tổng mức đầu tư tối thiểu 1.600 tỷ đồng, phần giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu 425,91 tỷ đồng, dự án đang vận hành hoặc đã kết thúc trong vòng 10 năm gần đây, kể từ năm 2011 đến thời điểm đóng thầu.

Trái với kỳ vọng của UBND tỉnh Tuyên Quang, đến hết thời điểm đóng thầu, không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Căn cứ quy định của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã buộc phải hủy thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án.

“Nguyên nhân hủy thầu do trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện Dự án cũng như khả năng các ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án BOT là rất khó khăn, các nhà đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng. Vì vậy, Dự án không hấp dẫn nhà đầu tư, đấu thầu sơ tuyển nhà đầu tư không thành công”, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn 1 năm qua, Dự án được tỉnh Tuyên Quang đặt rất nhiều kỳ vọng này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư. Trước đó, Dự án từng được Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) đề xuất đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, nhưng sau đó đã xin thôi thực hiện tiếp công tác chuẩn bị Dự án.

Để cứu Dự án, UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP, loại hợp đồng BOT sang đầu tư công và bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương.

Nếu đề xuất của tỉnh Tuyên Quang được thông qua, ngân sách trung ương sẽ phải gánh toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, xây lắp của Dự án, ước lên tới gần 3.000 tỷ đồng, thay vì chỉ khoảng 500 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.

Tăng gánh nặng cho ngân sách

Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là công trình PPP giao thông thứ hai thất bại trong việc tuyển chọn nhà đầu tư trong vòng hơn 1 tháng qua.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2020, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng đã phải hủy thầu Dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (theo hình thức PPP) do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Mặc dù Bên mời thầu đã gia hạn thời điểm đóng thầu từ ngày 2/10/2020 đến ngày 12/10/2020 và liên tục gửi thông báo đến các nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, nhưng đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu, vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và khoản 4, Điều 80, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, ngày 28/2/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT quyết định hủy thầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư. Theo khoản 4, Điều 3, Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư.

Theo Bộ GTVT, việc Dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thất bại trong việc tìm nhà đầu tư có thể do đây là dự án có tỷ lệ huy động vốn tín dụng lớn; trong khi hiện nay, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cung cấp tín dụng cho các dự án PPP.

Trước đó, Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để trao đổi về các cơ chế triển khai Dự án. Các ngân hàng đều bày tỏ nhận thức được trách nhiệm trong việc ưu tiên xem xét, cung cấp tín dụng cho dự án quan trọng quốc gia, nhưng theo quy định pháp luật về tín dụng, đối với việc cho vay thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn.

Bên cạnh đó, việc có khá nhiều dự án PPP quy mô lớn đang được triển khai cũng làm loãng sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư trúng sơ tuyển ở Dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cũng đồng thời trúng sơ tuyển ở một số dự án khác; căn cứ mức độ hấp dẫn, năng lực vốn chủ sở hữu và khả năng huy động vốn tín dụng, nhà đầu tư có quyền quyết định lựa chọn dự án để nộp hồ sơ dự thầu.

Cần phải nói thêm rằng, mặc dù không xin chuyển đổi sang đầu tư công, nhưng trong thời gian vừa qua, một loạt dự án PPP đường cao tốc khác cũng phải điều chỉnh phương án tài chính từ BOT thuần túy sang BOT có sự hỗ trợ tài chính rất lớn từ ngân sách trung ương.

Tại Dự án PPP Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, để đảm bảo tính khả thi tài chính, phần vốn nhà nước tham gia tại Dự án lên tới 6.770 tỷ đồng.

Trong khi đó, sau gần 2 năm ngừng trệ do không thu xếp được nguồn vốn, cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn đang dồn hy vọng vào việc điều chỉnh phương án đầu tư Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT Xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn xin Thủ tướng phê duyệt chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án từ BOT không có vốn nhà nước sang hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, có sự tham gia của vốn nhà nước. Tại dự án này, phần vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng và vốn hợp pháp khác) chỉ chiếm khoảng 47% tổng mức đầu tư (3.609 tỷ đồng); UBND tỉnh Lạng Sơn góp 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và khoảng 3.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án trọng điểm, cấp bách của quốc gia.

Bày tỏ quan điểm về việc các dự án PPP liên tục phải điều chỉnh phương án đầu tư, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI) cho rằng, điều này một mặt sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mặt khác sẽ làm hẹp thị trường PPP hạ tầng. “Đây là điều rất cần được các cơ quan nhà nước lưu tâm khi xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021”, ông Chủng kiến nghị.

Nguyên tắc bình đẳng

Ngoài lý do khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng, theo ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, việc các nhà đầu tư BOT chưa thực sự an tâm với nhiều điều khoản thiếu bình đẳng được thiết kế trong hồ sơ mời thầu cũng là lý do khiến trong suốt 3 năm qua, có rất ít dự án PPP được triển khai thành công.

Ông Chủng chỉ ra rằng, về nguyên tắc, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước bình đẳng về nghĩa vụ, trách nhiệm tại các hợp đồng triển khai Dự án PPP. Nhưng trên thực tế, trong khi nhà đầu tư bị yêu cầu phải thực hiện nhiều cam kết, nếu không sẽ bị xử lý, mà nặng nhất là hủy hợp đồng, phạt tiền và thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng, thì cơ quan quản lý nhà nước dù có nhiều quyết định làm ảnh hưởng tới dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, song gần như chưa có chế tài xử lý phù hợp.
Bước tiến dài của Dự án cao tốc Bắc – Nam
Cho đến thời điểm này, công tác triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang theo rất sát lộ trình được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư