Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Nguy cơ lây bệnh bạch hầu ra cộng đồng ở mức nào
D.Ngân - 10/07/2024 07:12
 
Theo một số chuyên gia dù nguy cơ dịch bạch hầu lây lan ra cộng đồng không lớn, song cũng tuyệt đối không được chủ quan bởi bệnh có tỷ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nặng.

Trao đổi với phóng viên về bệnh bạch hầu đang khiến dư luận quan tâm, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nói rằng, nguy cơ lây lan ra cộng đồng là không lớn,.

Sở dĩ như vậy là do các ca bệnh phát hiện mang tính chất lẻ tẻ, bên cạnh đó nhiều trẻ đã được tiêm phòng vắc-xin khi còn nhỏ. "Chỉ có những trẻ chưa được tiêm phòng vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng thì mới có khả năng mắc bệnh", chuyên gia này nói thêm.

Ảnh minh họa.

Quan điểm của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì cho rằng, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là đối với nhóm người chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc vaccine đã mất hiệu lực. Đặc biệt, nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh là 10-20%, cao hơn Covid-19, nhất là những người chưa được tiêm chủng.

Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm thấp hơn so với Covid-19, vì thế khả năng gây đại dịch thấp. Do vậy, theo bác sĩ Cấp, người dân không nên hoang mang.

Nêu quan điểm của mình, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu thì cho rằng, tuy số ca mắc không cao nhưng cũng không được chủ quan vì đây là dịch bệnh dễ lây lan.

Nguy hiểm hơn, theo ông Phu, người mắc bạch hầu có thể bị các biến chứng, như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và tử vong.

Thông tin thêm về bệnh và cơ chế gây bệnh, theo PGS-TS.Cường, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên.

Bệnh thường gặp ở trẻ em và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Vi khuẩn khu trú ở đường hô hấp trên tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân, nguy cơ tử vong do biến chứng tắc đường thở và viêm cơ tim.

Về triệu trứng của bệnh theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, sau khi ủ bệnh từ 2-5 ngày, ngưởi bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém, da xanh, chảy nước mũi, họng hơi đỏ.

Đặc biệt, khám họng thấy amidan có giả mạc trắng, lúc đầu nhỏ sau lan dần ra bao trùm họng và lưỡi gà, màu trắng, dai, bóc ra dễ chảy máu, hạch cổ sưng to làm cho cổ bạnh ra (bạch hầu họng).

Sau có thể dẫn đến các triệu chứng nặng như viêm cơ tim, viêm thanh quản (gây khàn tiếng, ho ông ổng, thở rít), suy hô hấp, ngạt thở, suy thận, tổn thương thần kinh. Nếu không được điều trị bằng thuốc đặc hiệu thì có thể dẫn tới tử vong.

Về những biện pháp cụ thể để phòng chống bệnh bạch hầu, theo PGS.Cường, điều trị đặc hiệu bệnh bạch hầu bằng kháng sinh và huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (Anti-Diphteria Serum-ADS).

Các kháng sinh thông thường như Penicillin G, Erythromycin hoặc Azithromycin có thể diệt được vi khuẩn bạch hầu, thời gian điều trị từ 10-14 ngày.

Để phòng bệnh bạch hầu theo Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại nhiều hiệu quả để phòng các bệnh dịch thông thường.

Ở những nơi vùng sâu vùng xa, độ bao phủ tiêm chủng thấp sẽ dẫn tới lỗ hổng miễn dịch và do đó bệnh còn lưu hành và khó có thể dập tắt. Trẻ em cần phải tiêm đầy đủ, đúng lịch để có miễn dịch cộng đồng.

Các biện pháp phòng bệnh bao gồm rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn;

Tiêm vắc-xin bạch hầu: Trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc-xin đa giá: bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi;

Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi;

Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.

Phòng bệnh bạch hầu bằng vắc-xin
Bệnh bạch hầu đang có nguy cơ bùng phát theo các chuyên gia là do đang có những khoảng trống tiêm chủng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư