
-
Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ
-
Tin mới y tế ngày 27/7: Nguy cơ quá tải bệnh viện vì sốt xuất huyết
-
Hà Nội tăng cường lấy mẫu, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng thực phẩm
-
Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất Đông Nam Á -
Người bệnh đái tháo đường dễ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm mùa
Bệnh không lây nhiễm trở thành gánh nặng y tế lớn nhất ở Việt Nam
Cứ 10 người Việt Nam thì có đến 7 người đang mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Đây là nhóm bệnh được ví như “kẻ sát nhân thầm lặng”, đang âm thầm gây ra gần 80% số ca tử vong hằng năm tại nước ta. Thực trạng đáng báo động này đã được các chuyên gia y tế nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Cập nhật những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm”, diễn ra ngày 26/7 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS.Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với gánh nặng ngày càng lớn do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.
Những bệnh lý này bao gồm ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... có đặc điểm chung là diễn tiến âm thầm, kéo dài, điều trị khó khăn và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Theo số liệu của Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra khoảng 80% tổng số ca tử vong tại Việt Nam và chiếm tới 74% gánh nặng bệnh tật.
Ước tính, khoảng 70% chi phí y tế hiện nay, bao gồm điều trị, chăm sóc và các dịch vụ liên quan đều bắt nguồn từ việc ứng phó với nhóm bệnh này. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành và đột quỵ đang có xu hướng tăng nhanh, trở thành hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm.
Bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân rất phức tạp, thường liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, ăn uống thiếu khoa học, lười vận động, căng thẳng kéo dài.
Không giống các bệnh truyền nhiễm, nhóm bệnh này không lây lan từ người sang người, mà khởi phát âm thầm và tiến triển trong nhiều năm. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có vai trò then chốt để kiểm soát bệnh và hạn chế tử vong.
GS-TS.Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Y khoa Quốc gia cũng khẳng định, bệnh không lây nhiễm đang là "cơn sóng ngầm" ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim chiếm tỷ lệ cao nhất, với khoảng 25% người trưởng thành tại Việt Nam hiện đang bị tăng huyết áp.
Bệnh lý tim mạch mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người. Bên cạnh đó, bệnh ung thư ghi nhận gần 183.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong mỗi năm. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh hưởng đến khoảng 4,2% người dân trên 40 tuổi, còn đái tháo đường có tỷ lệ mắc ở người trưởng thành khoảng 5,4%.
Điều đáng nói là các bệnh này không loại trừ bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ em, người trưởng thành đến người cao tuổi và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh trong xã hội hiện đại.
Một trong những thách thức lớn hiện nay là phần lớn bệnh nhân chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Ví dụ, tới 65% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn III và IV, khi cơ hội chữa khỏi gần như không còn.
Vì vậy, các chuyên gia y tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phát hiện sớm, bởi nó giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm biến chứng, tử vong và cho phép áp dụng các biện pháp can thiệp từ sớm như thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện và các liệu pháp điều trị phù hợp.
GS-TS.Nguyễn Văn Kính, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng chỉ rõ, một trong những hạn chế trong điều trị hiện nay là việc áp dụng phác đồ điều trị chung cho tất cả bệnh nhân, điều này khó mang lại hiệu quả cao trong kiểm soát bệnh.
Thay vào đó, cần tiến tới cá thể hóa điều trị, nghĩa là xác định đặc điểm riêng của từng bệnh nhân để dự báo hiệu quả đáp ứng, điều chỉnh phác đồ phù hợp, từ đó giảm tác dụng phụ và tối ưu hóa kết quả điều trị.
Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 của Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu ưu tiên là nâng cao vai trò dự phòng, phát hiện sớm và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trong xu hướng đó, các giải pháp y khoa hiện đại, đặc biệt là xét nghiệm cá thể hóa còn gọi là xét nghiệm y khoa giá trị cao đang được xem là chìa khóa để ngành Y tế chuyển từ mô hình “chữa bệnh” sang “chăm sóc chủ động”.
Nhờ sử dụng các dấu ấn sinh học tiên tiến, bác sỹ có thể xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa, dựa trên yếu tố di truyền, môi trường và lối sống của từng bệnh nhân, thay vì áp dụng một cách tiếp cận chung cho tất cả.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực điều trị, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về công bố và đăng ký sản phẩm thực phẩm.
Mục tiêu là tăng cường quản lý các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời nâng cao hiệu quả trong việc bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm, một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Dự thảo hiện đang được lấy ý kiến góp ý của nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm ngày càng lan rộng và tác động sâu sắc đến xã hội, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đầu tư cho y tế dự phòng, tầm soát sớm và cá thể hóa điều trị sẽ là những bước đi chiến lược để bảo vệ sức khỏe người dân và giảm thiểu gánh nặng y tế trong tương lai.
Phát hiện bệnh mắt nguy hiểm từ dấu hiệu đau đầu
Chị Q.T.C., 47 tuổi, quê Bình Phước, vốn là quản lý dự án trong lĩnh vực bất động sản, thường xuyên làm việc với cường độ cao, áp lực lớn và hay mất ngủ.
Những cơn đau đầu âm ỉ thoáng qua, nhất là vào sáng sớm và cuối ngày, từng khiến chị tưởng rằng mình chỉ bị stress hay mệt mỏi thông thường. Tuy nhiên, sau một thời gian, các cơn đau đầu ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đi kèm cảm giác mờ mắt như có sương mù che phủ khiến chị phải đi khám chuyên sâu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Kết quả khám cho thấy chị mắc phải căn bệnh glôcôm, một bệnh mắt nguy hiểm có thể dẫn đến mù vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Ban đầu, chị C. nghĩ các triệu chứng đau đầu và mờ mắt là do áp lực công việc, thiếu ngủ hay thậm chí là cao huyết áp. Chị từng đến một phòng khám gần nhà để đo huyết áp và làm các xét nghiệm cơ bản nhưng không phát hiện bệnh lý gì.
Tình trạng đau đầu, mờ mắt và cảm giác nhức mỏi quanh hốc mắt vẫn tiếp diễn khiến chị quyết định đến khám kỹ hơn tại TP.HCM.
Tại đây, bác sỹ chuyên khoa mắt đã kiểm tra kỹ lưỡng và phát hiện nhãn áp bên mắt phải của chị tăng cao bất thường, cùng với dấu hiệu tổn thương dây thần kinh thị giác đặc trưng của bệnh glôcôm góc đóng nguyên phát.
Glôcôm, còn gọi là “cườm nước”, là căn bệnh mắt tiến triển âm thầm, nguy hiểm hàng đầu có thể gây mù vĩnh viễn. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng như đau đầu, mỏi mắt, thị lực giảm thoáng qua thường rất mơ hồ và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường hoặc biểu hiện mệt mỏi. Chính vì vậy, bệnh thường bị bỏ qua cho đến khi gây tổn thương nghiêm trọng đến thị lực.
Sau khi được chẩn đoán, chị C. được bác sỹ chỉ định điều trị bằng thuốc nhỏ hạ nhãn áp, kết hợp theo dõi định kỳ nhằm kiểm soát nhãn áp và bảo vệ dây thần kinh thị giác.
Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, chị còn được tư vấn thay đổi thói quen sinh hoạt như ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, hạn chế tiếp xúc màn hình máy tính và điện thoại vào ban đêm, chia nhỏ thời gian làm việc, xen kẽ nghỉ mắt để giảm áp lực lên mắt, cùng với việc duy trì chế độ ăn uống giàu vitamin và hạn chế các chất kích thích như cà phê, đồ uống chứa caffeine.
Sau một tháng kiên trì điều trị và thay đổi thói quen, nhãn áp của chị đã ổn định ở mức an toàn, các triệu chứng đau đầu, mờ mắt giảm rõ rệt, thị lực được bảo vệ tốt. Chị không giấu được sự xúc động khi chia sẻ: “Rất may tôi đã đi khám và phát hiện sớm. Nếu tiếp tục chủ quan, thị lực của tôi có thể đã bị tổn thương không thể phục hồi”.
Theo bác sỹ chuyên khoa Cấn Ngọc Thúy, glôcôm là nguyên nhân gây mù đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Khác với đục thủy tinh thể có thể phẫu thuật chữa khỏi, glôcôm gây tổn thương dây thần kinh thị giác vĩnh viễn và không hồi phục. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quyết định để bảo tồn thị lực cho bệnh nhân.
Bác sỹ cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình mắc glôcôm, cận thị nặng hoặc tăng huyết áp, cần khám mắt định kỳ 6-12 tháng một lần để tầm soát sớm bệnh, từ đó có hướng can thiệp kịp thời, hạn chế nguy cơ mất thị lực nghiêm trọng.
Robot dẫn đường bác sỹ phẫu thuật cắt dạ dày triệt căn ung thư
Ông Vương, 57 tuổi, được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển nhưng còn khá sớm, vừa trải qua ca phẫu thuật nội soi bằng robot cắt bán phần dạ dày triệt căn nhằm loại bỏ hoàn toàn khối u ung thư.
Qua nội soi dạ dày, TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM phát hiện một số tổn thương trên bề mặt niêm mạc dạ dày đang sung huyết.
Ở vùng thân vị dưới, bờ cong lớn dạ dày xuất hiện một sang thương lõm rộng khoảng 10 - 12 cm, với sự thay đổi cấu trúc bề mặt và mạch máu rõ rệt.
Mẫu sinh thiết được lấy ngay trong quá trình nội soi và kết quả xác định ông Vương mắc ung thư biểu mô tuyến xâm nhập độ ba, nghĩa là tế bào ung thư đã xâm nhập sâu qua lớp niêm mạc, lan rộng vào thành dạ dày và các cấu trúc lân cận. Đây là dấu hiệu cho thấy cần phải phẫu thuật lấy trọn khối u để ngăn ngừa di căn.
Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sỹ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi bằng robot Da Vinci Xi, cắt bán phần dạ dày chứa khối u và nạo vét hạch triệt để.
Bác sỹ Đỗ Minh Hùng cho biết, phẫu thuật cắt bán phần dạ dày với nạo hạch triệt căn là một cuộc đại phẫu phức tạp do vị trí dạ dày tiếp giáp với nhiều mạch máu lớn và các cơ quan quan trọng như tụy, lách, tá tràng, đường mật.
Với sự hỗ trợ của robot, bác sỹ có thể bóc tách chính xác và linh hoạt ở những vị trí khó khăn, đồng thời nạo vét triệt để các hạch mà không gây tổn thương các cấu trúc xung quanh.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sỹ ghi nhận gan, phúc mạc, túi cùng phúc mạc không có nốt di căn, ổ bụng sạch, chỉ có vài hạch ở bờ cong lớn dạ dày.
Khối u rộng khoảng 5 cm được cắt bỏ hoàn toàn cùng với các nhóm hạch xung quanh. Sau phẫu thuật, ông Vương ít đau, vết mổ nhanh lành, có thể đi lại và ăn thức ăn lỏng, được xuất viện chỉ sau 5 ngày.
Kết quả giải phẫu bệnh khẳng định ung thư biểu mô tuyến xâm nhập giai đoạn 1B, với 24 hạch bị viêm nhưng chưa di căn. Nhờ được phẫu thuật triệt căn và lấy sạch tế bào ung thư, ông Vương không cần tiếp tục điều trị bổ sung mà chỉ cần tái khám định kỳ theo chỉ định bác sỹ.
Ung thư dạ dày khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư chưa di căn, thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn và tiên lượng sống được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu của bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ biểu hiện những dấu hiệu mơ hồ dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường.
Vì vậy, bác sỹ Đỗ Minh Hùng khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ cao như có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính… nên thực hiện tầm soát ung thư dạ dày định kỳ để phát hiện và can thiệp sớm, nâng cao hiệu quả điều trị.
-
Tin mới y tế ngày 28/7: Bệnh không lây nhiễm trở thành gánh nặng y tế lớn nhất ở Việt Nam -
Người bệnh đái tháo đường dễ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm mùa -
Cảnh báo đỉnh dịch sốt xuất huyết Dengue -
Dịch bệnh trở lại vì nhiều người “né” tiêm vắc-xin -
Tin mới y tế ngày 26/7: Cảnh báo bệnh tự miễn hiếm gặp gây tổn thương nhiều cơ quan -
Bộ Y tế tạm dừng lưu thông lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe APIROCA-B -
Người trẻ loãng xương sớm do ăn uống thiếu chất và ít vận động
-
Giải pháp logistics cho chuỗi cung ứng bền vững - ổn định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động
-
Định hướng chiến lược phát triển ngành logistics trong thời gian tới
-
Giải pháp logistics cho chuỗi cung ứng bền vững
-
Diễn đàn Logistics 2025: Tìm lời giải cho chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng
-
Diễn đàn công nghệ năng lượng trong kỷ nguyên mới
-
Boutique Gate: Tâm điểm mới của dòng tiền thực và giá trị gia tăng bền vững