Chủ Nhật, Ngày 27 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 27/7: Nguy cơ quá tải bệnh viện vì sốt xuất huyết
D.Ngân - 27/07/2025 08:31
 
TPHCM ghi nhận sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều ca nặng, nguy cơ quá tải tại phường An Phú. Ngành y tế cảnh báo không chủ quan, nhất là với người lớn tuổi và trẻ béo phì.

TP.HCM báo động sốt xuất huyết

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, đặc biệt tại phường An Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM), hai bệnh viện tư nhân là Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 2 và Bệnh viện Đa khoa An Phú đang đứng trước nguy cơ quá tải điều trị nội trú.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, đoàn công tác của Sở Y tế TP.HCM gồm lãnh đạo phòng nghiệp vụ y, chuyên gia từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn tại hai bệnh viện nói trên. Qua ghi nhận thực tế, số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại đây tăng nhanh trong ba tuần gần nhất, trong đó nhiều ca nặng, cần theo dõi sát sao.

Đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực của các bệnh viện trong việc thu dung, điều trị bệnh nhân, đồng thời yêu cầu tiếp tục rà soát quy trình điều trị, tăng cường hội chẩn nội viện và hội chẩn với tuyến trên để kịp thời xử trí các trường hợp diễn tiến nặng.

Các cơ sở y tế cần đẩy mạnh tập huấn nhân viên y tế theo tiêu chuẩn điều trị ngoại trú, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu cảnh báo để đưa bệnh nhân đến viện sớm.

Song song đó, các bệnh viện được yêu cầu bố trí nhân sự phụ trách báo cáo dịch, phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế dự phòng để thực hiện nghiêm túc việc báo cáo ca bệnh theo quy định, đảm bảo cập nhật hàng ngày, hàng tuần. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh nguy cơ dịch lan rộng tại khu vực Đông Nam Bộ, nơi luôn được xem là vùng trọng điểm về sốt xuất huyết.

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến ngày 15/7, toàn thành phố ghi nhận 15.546 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 157,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Riêng số ca tử vong đã lên tới 10 trường hợp, trong đó TPHCM có 6 ca, Bình Dương 3 ca và Bà Rịa – Vũng Tàu 1 ca. Cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca bệnh tính đến ngày 8/7, với khu vực phía Nam chiếm tới 70% tổng số ca.

Trước tình hình này, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ngày 21/7, Sở Y tế TP.HCM xác định hai mục tiêu trọng tâm là hạn chế số ca mắc thông qua tăng cường chiến dịch diệt lăng quăng, xử lý điểm nguy cơ; và giảm thiểu ca tử vong bằng cách nâng cao chất lượng điều trị, tổ chức tập huấn nhận diện dấu hiệu cảnh báo, tuân thủ hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết theo Quyết định 2760/QĐ-BYT.

Sở Y tế cũng nhấn mạnh việc phân loại đúng nhóm bệnh nhân cần nhập viện và nhóm có thể điều trị ngoại trú, tăng cường hội chẩn, đặc biệt với các ca nặng hoặc có yếu tố nguy cơ. Mọi trường hợp chuyển viện cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều người dân vẫn còn chủ quan do hiểu lầm tên gọi “sốt xuất huyết”.

Họ nghĩ rằng chỉ khi có biểu hiện xuất huyết ngoài da mới là mắc bệnh. Trong khi đó, nhiều trường hợp sốt xuất huyết không hề chảy máu nhưng vẫn có thể trở nặng, gây biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời.

Một sai lầm phổ biến khác là cho rằng hết sốt là đã khỏi bệnh. Thực tế, giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết thường bắt đầu sau khi bệnh nhân hết sốt, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Rất nhiều người lớn nhập viện muộn, chỉ khi đã rơi vào tình trạng sốc, suy đa cơ quan, khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và nguy cơ tử vong cao hơn.

Hiện nay, bệnh không còn chỉ xuất hiện ở trẻ em như trước mà đã lan rộng ở người lớn, người cao tuổi, thậm chí cả những bệnh nhân trên 80 tuổi. Các trường hợp có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, thận mạn tính hoặc béo phì có nguy cơ chuyển nặng cao gấp ba lần.

Theo các bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, trung bình cứ 10 trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết nặng thì có đến 5 em bị béo phì.

Trẻ lớn khoảng 10-12 tuổi cũng dễ bị bỏ sót do phụ huynh chủ quan, nghĩ rằng trẻ lớn thì sức khỏe tốt, không cần theo dõi kỹ. Nhiều ca nhập viện muộn, diễn tiến nặng, phải nằm viện lâu và có nguy cơ bội nhiễm.

Còn đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cảnh báo, ở trẻ nhỏ, sốt xuất huyết giai đoạn đầu dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt mọc răng. Ba ngày đầu khó nhận biết bệnh rõ ràng, nhưng từ ngày thứ 3 trở đi có thể xuất hiện các dấu hiệu như nôn ói, đau bụng, mệt lả, lạnh tay chân... Nếu không đưa trẻ đi viện kịp thời, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Gánh nặng bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

Cứ 10 người Việt thì có tới 7 người đang mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường, hô hấp… Nhóm bệnh này âm thầm nhưng nguy hiểm, gây ra gần 80% số ca tử vong hằng năm và đặt ra gánh nặng ngày càng lớn cho hệ thống y tế.

Cứ 10 người Việt thì có đến 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính. Nhóm bệnh này đã trở thành “cơn sóng ngầm” trong cộng đồng, được xem là “kẻ sát nhân” thầm lặng gây ra gần 80% số ca tử vong tại Việt Nam.

PGS-TS.Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, hiện nay, trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, chúng ta đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây khoảng 80% số ca tử vong và chiếm 74% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Chúng cũng chiếm tới 70% chi phí điều trị và dịch vụ y tế. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành và đột quỵ đang tăng, trở thành nguyên nhân chính trong nhóm bệnh này.

Bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân phức tạp, không do nhiễm trùng, tiến triển từ từ, kéo dài và khó điều trị, để lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân và xã hội.

GS-TS.Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh các bệnh không lây nhiễm chính là “cơn sóng ngầm” ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Nhóm bệnh tim mạch (tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim...), ung thư (phổi, gan, đại trực tràng, cổ tử cung, vú...), hô hấp mạn tính (COPD, hen phế quản), đái tháo đường cùng các biến chứng đang gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu với tỷ lệ lưu hành cao.

Cụ thể, khoảng 25% người trưởng thành ở Việt Nam mắc tăng huyết áp, các bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng khoảng 200.000 người mỗi năm. Ung thư có gần 183.000 ca mắc mới mỗi năm, với hơn 122.000 ca tử vong. Bệnh hô hấp mạn tính ảnh hưởng tới 4,2% người trên 40 tuổi, trong khi tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành khoảng 5,4%.

Các bệnh này không loại trừ bất kỳ ai, từ trẻ nhỏ, phụ nữ đến người cao tuổi, do ảnh hưởng từ thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, hút thuốc, rượu bia và căng thẳng kéo dài.

Một vấn đề lớn là nhiều người chỉ được phát hiện khi bệnh đã nặng. Có tới 65% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (III và IV), làm giảm cơ hội điều trị thành công gần như bằng không. Vì vậy, các chuyên gia đều nhấn mạnh chẩn đoán sớm giúp tăng cơ hội sống, đồng thời cho phép can thiệp kịp thời bằng điều chỉnh lối sống và các liệu pháp điều trị hoặc dự phòng.

GS-TS.Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho rằng hiện nay phác đồ điều trị “một cho tất cả” còn phổ biến, khó đạt hiệu quả quản lý bệnh như mong muốn. Cần cá thể hóa điều trị để dự báo đáp ứng từng bệnh nhân, giảm thiểu tác dụng phụ.

Theo Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015–2025, Việt Nam tập trung đẩy mạnh dự phòng, nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu và tăng cường phát hiện sớm bệnh.

Trong bối cảnh đó, các giải pháp xét nghiệm y khoa giá trị cao, hay xét nghiệm cá thể hóa, đóng vai trò then chốt giúp ngành y tế chuyển từ tư duy “chữa bệnh” sang “chăm sóc chủ động”.

“Xét nghiệm y khoa giá trị cao là công cụ không thể thiếu để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm trong kỷ nguyên y học hiện đại. Nhờ các dấu ấn sinh học tiên tiến, bác sỹ có thể xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân dựa trên yếu tố di truyền, môi trường và lối sống, thay vì áp dụng một phương pháp chung cho tất cả,” GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Ông Ricky He, Tổng Giám đốc Roche Việt Nam cũng chia sẻ, chẩn đoán chính là “kim chỉ nam” cho mọi quyết định điều trị, là chìa khóa mở ra cánh cửa của y học cá thể hóa, giúp tối ưu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Ông khẳng định Roche cam kết đồng hành lâu dài với ngành y tế Việt Nam qua việc sát cánh cùng bệnh viện và đội ngũ bác sỹ trong đào tạo và cập nhật khoa học, trở thành đối tác đáng tin cậy trên hành trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Mắc liên cầu khuẩn vì ăn tiết canh

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị hai bệnh nhân nam mắc liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) với các biểu hiện nặng như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và đặc biệt là biến chứng giảm thính lực, điếc dẫn truyền, một di chứng thường gặp nhưng không thể hồi phục.

Bệnh nhân N.V.P (62 tuổi, Bắc Ninh) có thói quen ăn nem làm từ thịt lợn sống và tiết canh. Gia đình ông cũng có chăn nuôi lợn. Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, ông P sốt cao (39-40°C), đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn.

Ban đầu, ông tự tiêm truyền dịch tại nhà nhưng chỉ thấy triệu chứng thuyên giảm tạm thời. Do sốt và đau đầu tái phát dai dẳng, ông phải đến cơ sở y tế và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, ông được chẩn đoán viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn.

Ths.Trần Văn Long, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng kích thích, vật vã, sốt cao từng cơn, buồn nôn, nôn và cứng gáy, các dấu hiệu điển hình của viêm màng não. Sang ngày thứ hai điều trị, bệnh nhân mất thính lực, da và niêm mạc xung huyết.

Kết quả cấy dịch não tủy xác định nhiễm Streptococcus suis. Bệnh nhân còn có tổn thương Herpes vùng môi do suy giảm miễn dịch khi nhiễm trùng nặng. Sau 12 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt: hết sốt, dịch não tủy trở lại bình thường, các chỉ số nhiễm trùng ổn định.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân L.V.N (54 tuổi, Lào Cai), có tiền sử ăn lòng lợn và tiết canh khoảng một tuần trước khi khởi phát bệnh. Một tuần sau, ông xuất hiện sốt, rét run, đau đầu.

Ông được điều trị tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do S. suis. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân tiếp tục sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, cứng gáy, ù tai và viêm phổi, nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bác sỹ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cho biết, xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng gấp đôi giới hạn bình thường, chỉ số CRP cao gấp 10 lần, tế bào trong dịch não tủy tăng tới 1.370 tế bào/mm³, protein tăng gấp 6 lần, glucose giảm sâu chỉ còn 0,54 mmol/L, tỷ lệ bạch cầu trung tính chiếm tới 93%.

Nhuộm soi dịch não tủy phát hiện cầu khuẩn Gram (+). Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết kèm viêm màng não do liên cầu lợn, tổn thương dây thần kinh thính giác gây mất hoàn toàn hoặc gián đoạn dẫn truyền âm thanh.

Bác sỹ Lê Văn Thiệu nhấn mạnh, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là hai biểu hiện lâm sàng điển hình khi bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Mất thính lực là biến chứng thường gặp nhất và không thể hồi phục.

Bác sỹ Thiệu cảnh báo, bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người có thể diễn tiến rất nhanh. Trường hợp nhẹ gây nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi; nặng hơn là viêm màng não kèm mất thính lực; rất nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó phòng bệnh là biện pháp quan trọng nhất. Người dân cần tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chưa đủ độ chua, thịt lợn chưa nấu chín kỹ hoặc các sản phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh. Cần tránh giết mổ, chế biến lợn ốm hoặc nghi mắc bệnh nếu không có trang bị bảo hộ lao động.

Khi xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ù tai, buồn nôn..., người dân cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Mặc dù Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nhiều lần cảnh báo về căn bệnh này, nhưng thói quen ăn uống không an toàn vẫn phổ biến, khiến nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn tiếp tục tái diễn, đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân.

Vì vậy, người dân cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư