Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nguy cơ vỡ tiến độ, đội vốn tuyến metro số 2 Hà Nội
Anh Minh - 25/10/2018 08:38
 
UBND TP. Hà Nội lo ngại, nếu không sớm đạt được sự đồng thuận, nhà ga C9 sẽ trở thành nút thắt tiến độ và gánh nặng chi phí cho Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
TIN LIÊN QUAN

Vị trí đặc biệt

UBND TP. Hà Nội một lần nữa kiên quyết bảo lưu quan điểm về vị trí đã được quy hoạch để xây dựng ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án metro số 2 Hà Nội).

Ga C9, tuyến metro số 2 sẽ đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa được phê duyệt
Ga C9, tuyến metro số 2 sẽ đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa được phê duyệt

Trong Công văn số 4950/UBND - ĐT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, đối chiếu với Điều 32, Luật Di sản văn hóa năm 2013 và Hiến chương về bảo vệ thành phố và khu vực đô thị lịch sử, tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ II, nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I, góp phần khai thác và phát huy tối đa giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Người đứng đầu UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định, các yếu tố có thể gây ra nguy cơ tiềm ẩn tác động tiêu cực đã được chủ đầu tư Dự án và các bên liên quan nghiên cứu, đánh giá tác động, đề ra các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu đầy đủ.

“UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại các ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9 và các tuyến hầm liên quan tại khu vực Hoàn Kiếm để Dự án tiếp tục triển khai, đảm bảo tiến độ”, Công văn số 4950 nêu rõ.

Dự án metro số 2 là công trình trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2008. Dự án có chiều dài 11,5 km, trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm; 3 ga đi trên cao (từ C1 đến C3) và 7 ga ngầm (từ C4 đến C10) đã được phê duyệt tổng mặt bằng, riêng ga ngầm C9 - lý trình Km9 + 845 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa được phê duyệt.

Trên thực tế, ga C9 có vị trí khá đặc biệt khi tuyến hầm cách tâm Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân tháp 1 m (theo phương nằm ngang), đỉnh tuyến hầm cách mặt đất 12,3 m; thân ga chính nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hoàn Kiếm, phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, dài 150 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, tới đền Bà Kiệu 83 m, tới vườn hoa Lý Thái Tổ 120 m, tới Tháp Bút 36 m, có phần nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Trước đó, vào giữa tháng 8/2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có Công văn số 1479/UBVHGDTTN14 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, bày tỏ quan ngại về vị trí đặt ga C9. Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, phương án được lựa chọn không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô. 

Lựa chọn tối ưu?

Trong Công văn số 4950, UBND TP. Hà Nội cho biết, tuyến metro số 2 đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm Thành phố, là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai.

Đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có hướng tuyến chạy qua khu vực trung tâm phố cổ Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào tới các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt. Đây là hướng tuyến được nghiên cứu kỹ, cẩn trọng trên cơ sở lập các phương án so sánh với sự tham gia đánh giá của các cơ quan chuyên môn. Kết quả đánh giá cho thấy, hướng tuyến này có nhiều ưu điểm và có tính khả thi hơn, nên đã được UBND Thành phố đề xuất và được các bộ, ngành liên quan chấp thuận.

Vị trí ga ngầm C9 gắn với hướng tuyến nêu trên về cơ bản đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ - UBND ngày 13/11/2008. Trong giai đoạn quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét tới 7 phương án.

“Sau khi nghiên cứu, so sánh ưu, nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng tới các di tích lịch sử; ảnh hưởng của việc thi công đối với các công trình, tòa nhà có móng cọc trong khu vực; tác động tới môi trường, cảnh quan thì phương án vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ có nhiều ưu điểm hơn các phương án khác”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, tuyến metro số 2 được quy hoạch kết nối với tuyến số 1 tại ga C8 - Hàng Đậu và kết nối tuyến số 3 tại ga C10 - Trần Hưng Đạo. Các điểm khống chế quan trọng (ga C8, C10) của tuyến số 2 có khoảng cách 2, 4 km, nên ga C9 ở giữa là rất cần thiết để đáp ứng các nhu cầu về lưu lượng hành khách khu vực trung tâm Thủ đô, an toàn vận hành khai thác của đường sắt đô thị.

UBND TP. Hà Nội khẳng định, trong quá trình nghiên cứu, thiết kế lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga; lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9, đơn vị tư vấn đã thực hiện đầy đủ các công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá địa hình, địa chất, thủy văn; tính toán chống thấm nước, sụt giảm mực nước ngầm trong khu vực; đánh giá tác động môi trường, xã hội, không gian văn hóa… tuân thủ các yêu cầu và thẩm định khắt khe của nhà tài trợ JICA theo chuẩn mực quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam. Viện Khảo cổ đã thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá khảo cổ tuân thủ theo các quy định hiện hành.

Các kết quả nghiên cứu đều được Hà Nội xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, các cấp chính quyền và cộng đồng cư dân liên quan, cũng như đã tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học. Hà Nội cũng đã tổ chức trưng bày, xin ý kiến rộng rãi người dân về vị trí ga C9 trong tháng 3/2018 (kết quả đã nhận được 1.718 phiếu đóng góp ý kiến, trong đó 90,3% ủng hộ, 7,2% phản đối và 2,5% không có ý kiến). 

Ông Chung cũng cho biết, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, cộng đồng dân cư, các chuyên gia, nhà khoa học… đều thống nhất về vị trí hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9, chỉ lưu ý bố trí các công trình phụ trợ sao cho hài hòa cảnh quan, ảnh hưởng ít nhất đến quần thể di tích. Đặc biệt, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ, cho ý kiến thống nhất/góp ý trong từng giai đoạn nghiên cứu.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, tuy thiết kế tổng thể ga C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ II, nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc, cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm. 

Cụ thể, tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút 1 m, nhưng là đi ngầm, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m, đáy hầm cách mặt đất 18,8 m, hoàn toàn không xâm phạm vùng bảo vệ I, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô.

Thiết kế và phương pháp thi công ga ngầm C9 và tuyến hầm là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và đã đề ra các biện pháp phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực tới môi trường, cảnh quan.

Ông Chung cho biết, quá trình xây dựng các hệ thống, mạng lưới metro trên thế giới, rất nhiều tuyến metro và ga ngầm đã được xây dựng trong khu vực di sản, ngay bên cạnh di sản giống như trường hợp của ga C9.

Bên cạnh đó, xây dựng ga C9 đóng vai trò quyết định trong việc hoàn thành tuyến metro số 2, cũng như hình thành hệ thống mạng lưới đường sắt Thủ đô. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu Dự án kéo dài từ năm 2004 đến nay, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và có nguy cơ tiếp tục làm tăng tổng mức đầu tư Dự án. 

Hà Nội đang xin ý kiến Quốc hội, Chính phủ cho phép điều chỉnh Dự án metro số 2, trong đó đề nghị tăng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng, lên 35.679 tỷ đồng; giãn tiến độ triển khai từ 2009 - 2015 thành 2009 - 2023.

“Trường hợp tiến độ tiếp tục bị đẩy lùi, chi phí Dự án sẽ tiếp tục tăng lên do các yếu tố trượt giá, nhân công, vật liệu thay đổi”, ông Chung khẳng định.

Một số metro, ga ngầm được xây dựng trong khu di sản ở Nhật Bản, Pháp:
Hệ thống metro khu vực cung điện hoàng đế tại Tokyo (Nhật Bản) có 4 ga ngầm được xây dựng ở vị trí rất gần di tích, cách từ 1 m đến 10 m, đặc biệt là ga Takebashi có một phần ga xây dựng dưới hào nước Kokyo - Gaien.
Hệ thống metro tại Kyoto: tuyến Karasuma cách di sản Cung điện Kyoto 5 m.
Hệ thống metro Paris được xây dựng cách đây hơn 100 năm, nhiều tuyến và ga ngầm được xây dựng dưới sông Seine và khu vực trung tâm lịch sử của Paris.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư