Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nguyên nhân khiến Hoa Sen “trượt dốc”
Hồng Phúc - 09/01/2019 08:45
 
Do nhiều nguyên nhân khách quan và nội tại, nhiều chỉ tiêu kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) trong niên độ tài chính 2017-2018 đã không hoàn thành kế hoạch.
TIN LIÊN QUAN

Duy trì mức tăng trưởng hai chữ số so với niên độ 2016 - 2017, nhưng sản lượng thành phẩm và phụ phẩm của Tập đoàn Hoa Sen trong niên độ tài chính 2017 - 2018 chỉ đạt 1,87 triệu tấn, thấp hơn 2% so với kế hoạch. Tuy nhiên, kết quả này vẫn giúp doanh nghiệp duy trì vị thế dẫn đầu thị trường tôn mạ  trong nước với thị phần 34% và vị trí thứ hai thị trường ống thép với thị phần 18%. 

Sự “trượt dốc” trong niên độ 2017 - 2018 của Hoa Sen thể hiện rõ nhất ở con số lợi nhuận sau thuế 409 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 30% kế hoạch và là mức thấp kỷ lục trong 5 năm qua.

Ban lãnh đạo Công ty cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến kết quả kinh doanh của Hoa Sen không như mong đợi.

Thứ nhất, giá nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) có dấu hiệu tăng mạnh cuối năm 2017 và đạt đỉnh đầu năm 2018, đúng thời điểm Hoa Sen cần mua nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Công ty buộc phải tăng giá bán nhưng sau đó không lâu, nguyên liệu đảo chiều giảm sâu đột ngột, gây sức ép đáng kể cho giá bán.

Thứ hai, từ tháng 3/2018, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang, tác động không nhỏ tới thị trường thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ tôn, thép và giá bán. Tỷ giá biến động mạnh làm tăng thêm giá vốn và các khoản chi phí phục vụ xuất khẩu như phí vận chuyển, lãi vay ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá.

Thứ ba, thị trường tôn, thép nội địa dư thừa nguồn cung do các doanh nghiệp cùng ngành tăng công suất và doanh nghiệp ngoài ngành chuyển hướng đầu tư, trong khi nhu cầu tiêu thụ chững lại. Bên cạnh đó, các sản phẩm thép nước ngoài giá rẻ vẫn được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, khiến mức độ cạnh tranh càng thêm khốc liệt.

Ngoài ra, một số yếu tố nội tại của doanh nghiệp như tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần giảm mạnh hoặc giá vốn cao làm giá trị hàng tồn kho chênh lệch đáng kể so với cùng kỳ, từ đó kéo dư nợ ngắn hạn lên mức báo động.

Dự báo thị trường thép năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, Ban lãnh đạo Hoa Sen trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch sản lượng tiêu thụ năm 2019 chỉ tăng 7%, lên mức 2 triệu tấn thành phẩm, phụ phẩm. Dự kiến, doanh thu thuần của Hoa Sen sẽ giảm khoảng 9% xuống còn 31.500 tỷ đồng (tính theo mức giá cơ sở để lập kế hoạch là 470 USD/tấn HRC), bù lại, lợi nhuận sau thuế có thể được cải thiên lên mức 500 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư