Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nguyên tắc "5K" trong thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2021
D.Ngân - 01/07/2021 14:01
 
Không chủ quan; Không bị động; Kế hoạch tốt; Kiểm tra kỹ lưỡng; Khắc phục hậu quả là những yêu cầu đặt ra với công tác thanh tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
TIN LIÊN QUAN
Thí sinh dự thi THPT năm 2020. Ảnh: Quang Phúc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính chất đặc biệt quan trọng. Ngoài việc đánh giá kết quả dạy và học ở bậc phổ thông, điểm thi cũng phục vụ công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đầu vào của nhiều trường đại học.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cẩn thận bao nhiêu cũng chưa đủ nên tuyệt đối không chủ quan. Mọi sự lơ là, chủ quan trong tổ chức kỳ thi đều sẽ phải trả giá. Nguyên tắc 5K của ngành Giáo dục trong tổ chức thi là “Không chủ quan; Không bị động; Kế hoạch tốt; Kiểm tra kỹ lưỡng; Khắc phục hậu quả”.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương khi xây dựng kế hoạch phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn triển khai, rõ người, rõ việc, rõ về thời gian, rõ mục tiêu, hiệu quả, rõ trách nhiệm. 
Những từ khoá quan trọng được Thứ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương thực hiện tốt là: an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Để làm được điều này, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, cấp huyện và từng nhân sự tham gia tổ chức thi phải nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo để áp dụng hiệu quả, phù hợp cho từng giai đoạn của kỳ thi.

“Tinh thần là hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, nhưng tuyệt đối không quá căng cứng; chặt chẽ nhưng không quá căng thẳng", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ, hiện nay chúng ta có công nghệ thông tin để quản lý, các phòng bảo quản đề thi, bài thi, phòng chấm thi đều có camera giám sát đảm bảo quét toàn bộ trong phòng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

Trong đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt nhưng tất cả các lực lượng tham gia quy trình này đều phải có trách nhiệm. Cán cộ coi thi là người tiếp xúc đề thi, nếu không có tinh thần trách nhiệm, thậm chí nhận thức đơn giản hoặc nể nang đồng nghiệp là có thể có những hành vi sai trái, thậm chí vi phạm pháp luật.

Thứ trưởng đề nghị ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát lại cán bộ tham gia làm thi để có những lựa chọn chính xác. Trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, chểnh mảng trong công việc phải thay thế ngay và đánh giá thi đua. Bên cạnh đó, những nhân sự làm tốt, nỗ lực, trách nhiệm cần được tuyên dương kịp thời.

Trước đó, để tiến hành kỳ khách quan, trung thực, công bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo. Điểm mới của khâu thanh tra năm nay là có 2 Thanh tra Chính phủ tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng gấp hai lần so với năm 2020. Trong đó, 1 người tham gia Ban Chỉ đạo thi quốc gia và 1 người tham gia Ban Thư ký. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thanh tra đột xuất tất cả các địa phương, những vùng, những khâu “có vấn đề”.

Thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được đổi mới bằng cách tổ chức tập huấn theo hình thức trực tuyến cho tất cả lực lượng tham gia làm công tác thanh tra, kiểm tra của các sở giáo dục và đào tạo; các cơ sở giáo dục đại học và cán bộ, công chức của Bộ.

Nhằm chuẩn bị nhân sự cho kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Ngọc Thưởng vừa ký quyết định điều động 7.747 cán bộ, giảng viên của 123 cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT 2021 tại 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, điều động dự phòng 3.485 cán bộ, giảng viên của 81 cơ sở giáo dục đại học, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19. 

Đưa ra yêu cầu với các địa phương để làm tốt công tác thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, các địa phương cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình diễn biến của dịch Covid-19 ở địa phương mình, đặc biệt là sàng lọc các thí sinh sẽ dự thi kỳ thi tới đây, để phân thành các diện F0, F1, F2 và sẵn sàng có giải pháp để chủ động. Trong đó, lưu ý ở các điểm thi, phải bố trí các phòng thi dự phòng để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khác nhau.

Cũng theo khuyến cáo của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo, cán bộ và học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hạn chế đi lại những nơi không thực sự cần thiết.

Đối với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, đặc biệt đối với các thí sinh xét tuyển vào các trường bằng cách sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, để đảm bảo quyền lợi cho học sinh dự các đợt thi khác nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh phương thức, thời gian và chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh xét tuyển vào ĐH-CĐ bằng việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo nhiều đợt khác nhau.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng đề thi cho các đợt này đảm bảo sự tương đồng về độ khó để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh dự thi các đợt thi khác nhau.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư