Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư chứng khoán rục rịch tìm "hàng" mùa đại hội
 
Sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng bước vào mùa đại hội 2018. Đâu là những cổ phiếu có khả năng bật lên sau mùa đại hội là câu hỏi chung của nhiều nhà đầu tư chứng khoán hiện nay.

Tại CTCP Siam Brothers Việt Nam (SBV), bên cạnh việc bàn kế hoạch kinh doanh, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2018 dự kiến tổ chức vào tháng 4 tới sẽ thông qua việc chi trả cổ tức và quyết định tăng vốn. Năm 2017, SBV đạt doanh thu 524 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 112 tỷ đồng, tăng lần lượt 4,1% và 4,6% so với thực hiện năm 2016.

Theo bà Ngô Từ Đông Khanh, Thành viên Hội đồng quản trị SBV, năm 2017, Công ty chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá hạt nhựa tăng nên kết quả chưa đạt kỳ vọng. Cùng với đó, Nhà máy số 4 của SBV đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch cũng khiến Công ty không ghi nhận được kết quả kinh doanh vượt trội năm ngoái.

Cũng theo bà Khanh, Nhà máy số 4 chưa hoạt động tối đa công suất vì một số chậm trễ trong việc vận chuyển máy móc, nhưng nếu xử lý được, doanh số của SBV có thể sẽ tăng mạnh. Nhà máy này đặt tại Khu công nghiệp Thái Hòa (Long An), có tổng công suất thiết kế 3.000 tấn sản phẩm/năm.

Điểm thú vị là giá cổ phiếu SBV hiện thấp hơn mức giá đầu năm 2017. Ở giá 34.000 đồng/cổ phiếu, SBV đang giao dịch với P/E 8 lần, khá hấp dẫn so với vị thế trong ngành và mức bình quân của thị trường khoảng 20 lần.

Tại CTCP Đường Quảng Ngãi, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Công ty cho biết, năm 2018 doanh thu dự kiến sẽ đạt 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 223 tỷ đồng. Kế hoạch đề ra thấp hơn rất nhiều so với lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng năm 2017, nhưng lại không khiến nhà đầu tư ngạc nhiên bởi QNS “khoái” kiểu đặt kế hoạch thấp để thực hiện vượt gấp nhiều lần.

Theo đại diện QNS, năm 2018, ở mảng sữa đậu nành, nhà máy sữa Vinasoy Bình Dương sẽ đóng góp thêm hơn 615 tỷ đồng doanh thu, hơn 33 tỷ đồng lợi nhuận. Cùng với đó, nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, dự kiến đóng góp ít nhất 200 tỷ doanh thu/năm và tỷ suất lợi nhuận/doanh thu khoảng 30% cho QNS.

Sau hơn 1 năm giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM, giá cổ phiếu QNS có thời điểm đạt gần 100.000 đồng/cổ phiếu, hiện QNS dừng ở mức 59.000 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, chỉ số P/E của QNS khoảng 12 lần. Ngày 5/3 tới là ngày cuối cùng chốt danh sách tham dự ĐHCĐ thường niên 2018 của QNS. Đại hội là dịp để nhà đầu tư hiểu rõ hơn về triển vọng và hướng đi mà QNS lựa chọn trong bối cảnh chung của ngành đường không mấy sáng sủa vài năm gần đây.

Tại CTCP Nam Việt (ANV), năm 2017 đánh dấu sự trở lại ấn tượng khi lợi nhuận đạt 132 tỷ đồng, tăng 880% so với cùng kỳ. Từng là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là mặt hàng cá tra, ANV đã đánh mất vị thế của mình khi lựa chọn chiến lược đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo của ANV đã nỗ lực khắc phục dần, đưa doanh thu và lợi nhuận của Công ty phục hồi và tăng trưởng mạnh.

“Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU gặp nhiều khó khăn, thị trường Trung Quốc phát triển mạnh nhưng kèm theo đó rủi ro về tính bền vững, ANV lựa chọn phân khúc thị trường tuy không lớn, nhưng là những thị trường tiềm năng và có lượng khách hàng quen thuộc bao gồm khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, một số nước châu Á”, ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc ANV chia sẻ.

Với lợi thế trong việc chủ động 100% nguyên liệu, sự thiếu hụt nguồn cá tra nguyên liệu được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2018 sẽ là yếu tố củng cố triển vọng ANV khi hoạt động bán cá nguyên liệu cũng có khả năng mang lại lợi nhuận đáng kể.

Nhà đầu tư dường như “hiểu” ANV, nên chỉ chưa đầy 2 tháng qua, giá cổ phiếu ANV đã tăng 60%, từ mức 10.000 đồng/cổ phiếu lên 16.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, ANV được định giá quanh chỉ số P/E 11 lần.

Theo chia sẻ của ông Nhứt, năm 2018, ANV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, P/E dự phóng năm 2018 của ANV khoảng 11,3 lần.

Nằm trong nhóm ngành được đánh giá có triển vọng 2018, cổ phiếu VSC của CTCP Container Việt Nam là một cái tên đáng chú ý. Năm 2017, doanh thu của VSC đạt 486 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm 2016, nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh, giảm hơn 38% so với năm 2016, chỉ đạt 132 tỷ đồng. Tình hình có thể được cải thiện từ chính sách áp giá sàn cước vận chuyển từ ngày 1/1/2018 của Chính phủ tại các cảng khu vực miền Bắc.

VSC đang sở hữu 2 cảng khá lớn với công suất thiết kế hơn 800.000 TEUs, được dự đoán sẽ được hưởng lợi nhiều từ chính sách này. Năm 2017 tổng sản lượng qua 2 cảng của VSC tăng 28%, trong đó Cảng VIP Green tăng 58%, đạt công suất 500.000 TEUs/năm. Việc xây dựng bãi container và trung tâm logistics tại Khu công nghiệp Đình Vũ giúp nâng công suất tại Cảng VIP Green lên 800.000 TEUs/năm, là dư địa tăng trưởng của VSC trong thời gian tới.

Ở mức giá 37.000 đồng, cổ phiếu VSC đang giao dịch ở mức P/E khoảng 7 lần. Công ty Chứng khoán KIS dự phóng, năm 2018, VSC có thể đạt lợi nhuận sau thuế 304 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 9% so với thực hiện năm 2017.

Theo đó, P/E dự phóng năm 2018 của VSC là 8,3 lần. Doanh nghiệp này cũng duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt 20%/năm trong nhiều năm qua.

VN-Index kết thúc phiên đầu tiên của năm Mậu Tuất tại mức 1.087 điểm. Ở mặt bằng chung, giá nhiều cổ phiếu không còn rẻ, nhiều nhà đầu tư chọn chiến lược ngóng tín hiệu mùa đại hội để “đãi cát tìm vàng”, tìm ra các “món hàng” có khả năng sinh lời cho năm mới.

Lộ diện ông vua lợi nhuận trên sàn chứng khoán năm qua
Năm 2017 kết thúc với lượng doanh nghiệp niêm yết báo lãi tăng lên đột biến. Trong top 10 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận lớn nhất năm 2017 thì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư