Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư ngoại tìm đến dự án điện khí LNG
Nguyên Đức - 25/03/2021 08:06
 
Việc Dự án Điện khí Long An vừa được cấp chứng nhận đầu tư với quy mô 3 tỷ USD đã một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực đầu tư này.
Trung tâm Điện lực Phú Mỹ

Dập dìu nhà đầu tư ngoại tìm đến dự án điện khí LNG

Thông tin đáng chú ý trong những ngày vừa qua là Dự án Điện khí LNG Long An I và II đã chính thức được trao quyết định chủ trương đầu tư cũng như giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Với quy mô 3 tỷ USD, dự án điện khí do VinaCapital GS Energy Pte.Ltd có công suất 3.000 MW, bao gồm 2 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW.

Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác tại Long An cũng đã đi thị sát địa điểm dự kiến xây dựng Điện khí LNG Long An I và II. Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị mặt bằng để chuẩn bị xây dựng Dự án. Theo kế hoạch, Dự án sẽ sớm được khởi công xây dựng và sẽ vận hành vào tháng 12/2025.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, đã có 2 dự án điện khí quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Đầu năm ngoái, nhà đầu tư Delta Offshore Energy Pte.Ltd đã nhận được cái gật đầu của các cơ quan chức năng để triển khai Dự án Điện khí Bạc Liêu, quy mô 4 tỷ USD, dự kiến vận hành tổ máy đầu tiên của giai đoạn I vào cuối năm 2023. Còn bây giờ là Dự án Điện khí Long An. Việc 2 dự án tỷ USD này được cấp chứng nhận đầu tư đã góp phần không nhỏ giúp vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong “thời” Covid-19 được cải thiện đáng kể.

Nhưng không chỉ Delta Offshore Energy hay VinaCapital GS Energy, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã tới và nhắm đến các dự án điện khí tỷ USD ở Việt Nam. Exxon Mobil là một trong những ví dụ điển hình. Sau khi lên kế hoạch đầu tư đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, quy mô hàng tỷ USD, thì nhà đầu tư đến từ Mỹ này cũng đã tới Hải Phòng bày tỏ mong muốn được đầu tư Dự án Điện khí LNG Hải Phòng, quy mô 4.500 MW, vốn đầu tư trên 5 tỷ USD.

Thậm chí, “khủng” hơn thế, Tập đoàn Gulf (Thái Lan) cũng đã từng đề xuất đầu tư Dự án Điện khí LNG Cà Ná (Ninh Thuận), với quy mô 6.000 MW, vốn đầu tư 7,8 tỷ USD. Cũng tại Cà Ná, hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi đã tìm đến. Chẳng hạn, KEPCO (Hàn Quốc), hay Total (Pháp). Tập đoàn Total từ cuối năm 2018 đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc nghiên cứu phát triển Tổ hợp Dự án Điện khí Cà Ná…

Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư ngoại, gồm Energy Capital Việt Nam (ECV), Excelerate Energy (Mỹ) và KOGAS (Hàn Quốc) cũng đã cam kết phát triển dự án điện khí 5 tỷ USD ở Bình Thuận… Còn AES (Mỹ) thì muốn đầu tư Điện khí Sơn Mỹ 2.

Điện khí có dễ?

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các dự án điện khí ở Việt Nam. Bởi hiện tại, Việt Nam khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện khí LNG.

Khắp trong Nam, ngoài Bắc, từ Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, đến Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An…, ở đâu cũng có dự án điện khí được đề xuất vào quy hoạch. Trong đó, Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) có lẽ là một trong những dự án mới nhất được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia.

Cuối tháng 1/2021, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch, với công suất giai đoạn I là 1.500 MW. Đây cũng là dự án nằm trong Dự thảo Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, với vốn đầu tư dự kiến 4,5 tỷ USD.

Cũng trong Dự thảo Danh mục, còn có Dự án Điện khí ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), vốn đầu tư dự kiến 5-7 tỷ USD; Dự án Điện khí Quảng Bình, 4 tỷ USD…

Đề xuất thu hút đầu tư các dự án lớn, các địa phương đều mong muốn có được dự án động lực, giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Điều đó là hợp lý. Việc Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đề xuất nhiều dự án điện khí cũng là hợp lý trong bối cảnh Việt Nam muốn phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu việc triển khai các dự án điện khí này có đơn giản?

Một ví dụ có thể kể đến là dự án điện khí mà Tập đoàn Sembcorp muốn đầu tư tại Quảng Ngãi. Trước đây, Sembcorp muốn xây dựng tại đây một dự án nhiệt điện, song sau đó, năm 2017, nhà đầu tư bất ngờ muốn chuyển dự án này thành điện khí. Kế hoạch của Sembcorp là sẽ “trông” vào nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh để phát triển dự án này. Tuy nhiên, khi dự án của Exxon Mobile chưa thể triển khai, thì Sembcorp cũng chưa thể sớm xây dựng nhà máy của mình.

Vì thế, sau 10 năm, kể từ khi Sembcorp lên kế hoạch đầu tư dự án điện ở Quảng Ngãi, dự án trên vẫn chưa thể thành hình. Theo thông tin của Báo Đầu tư, dự án này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công thương.

Trong khi đó, ngay sau khi Dự thảo Quy hoạch Điện VIII được công bố, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc phát triển quá nhiều dự án điện khí. Sẽ không đơn giản để triển khai các dự án này khi Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, với số lượng rất lớn. Chưa kể, kéo theo đó còn phải đầu tư hệ thống kho cảng nhập LNG, với quy mô chắc chắn không hề nhỏ. Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), điều này có thể đè nặng lên giá điện.

Thêm vào đó, như Báo Đầu tư đã từng đề cập, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng không khỏi băn khoăn về năng lực thực sự của các nhà đầu tư. Tuy đề xuất toàn dự án khủng, nhưng năng lực tài chính và cả kinh nghiệm phát triển điện khí của một số nhà đầu tư vẫn còn là một dấu hỏi.

Theo Phụ lục 9.5A của Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, có 24 dự án điện khí đang được đề xuất, tổng tiềm năng toàn quốc từ 23 GW (năm 2025) đến 84 GW (năm 2035), với nhu cầu nhập khẩu LNG khoảng 60 triệu tấn/năm.
Đầu tư điện khí LNG: Tham vọng lớn, nhưng phải tính kỹ
Ngành điện Việt Nam đang chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư bày tỏ quan tâm chưa từng có đối với các dự án điện từ khí LNG.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư