Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn với luật mới
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã đưa các nhà đầu tư vượt ra khỏi cấu trúc liên doanh truyền thống, giúp các nhà đầu tư nước ngoài tự tin và thoải mái hơn với thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh Covid-19, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn rất khả quan. Trong ảnh: Hoạt động tại Nhà máy Doosan tại Quảng Ngãi.  Ảnh: Đức Thanh

Trước đây, tại Việt Nam thường có khoảng trống khi có luật mới ra đời và có những xung đột giữa văn bản hướng dẫn cũ với luật mới, gây bức xúc cho nhà đầu tư, nhất là khi các kế hoạch đầu tư bị đình trệ để chờ ban hành hướng dẫn hoặc chờ giải quyết các xung đột.

Tuy nhiên, các bộ luật ra đời gần đây, bao gồm Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, đã được ban hành bao gồm cả các mốc thời gian, kế hoạch ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành mới và hướng dẫn chung trước hoặc ngay sau ngày luật có hiệu lực thi hành. Hơn nữa, đây là các tài liệu hỗ trợ hoàn chỉnh, đã loại bỏ hoặc thay thế các quy định cũ. Đây là một thay đổi quan trọng và làm cho hoạt động đầu tư suôn sẻ hơn nhiều.

Sự thay đổi hơn nữa là cách tiếp cận lĩnh vực đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 đã chuyển từ “chỉ được thực hiện những hoạt động nằm trong danh sách được phép” sang “được thực hiện các hoạt động không thuộc danh sách các ngành nghề bị cấm hoặc bị hạn chế”. Việc này đã giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư tại Việt Nam. Khả năng để các nhà đầu tư nước ngoài lập kế hoạch mở rộng hoặc gia nhập thị trường Việt Nam bằng cách xem xét những ngành nghề/lĩnh vực kinh doanh không được phép (thông qua “danh sách hạn chế” các ngành nghề kinh doanh bị cấm hoặc bị hạn chế) đã loại bỏ được sự không chắc chắn cho các vấn đề chưa rõ ràng tồn tại trước đây, khiến các cơ quan cấp phép thường xuyên phải quay lại các bộ phận chủ quản cấp bộ để yêu cầu phê duyệt.

Dẫu vậy, quy trình phê duyệt cấp bộ vẫn còn rườm rà và cần phải cải tiến thêm, đặc biệt là quá trình xin ý kiến các cơ quan liên quan. Chúng tôi mong muốn có những thay đổi hơn nữa về tính minh bạch và quy trình để những quy định này trở nên rõ ràng hơn, dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư tuân thủ.

Chúng tôi mong muốn Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam trên cơ sở tuân thủ các quy định đã được ban hành.

Ông Matthew Lourey, Giám đốc Điều hành Acclime Vietnam

Chúng tôi hướng dẫn các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu Luật Đầu tư như một quy trình, với mỗi quy trình bao gồm các bước liên quan. Chúng tôi khuyên họ nên xem xét từng bước và giải quyết các yêu cầu cụ thể cũng như giải quyết các vấn tiềm ẩn để mọi vấn đề cần phải được rõ ràng khi đầu tư vào Việt Nam. Với cách tiếp cận này, nhà đầu tư có cảm giác tin tưởng hơn với những gì đang diễn ra, so với cách tiếp cận chung chung mà họ thường phải trải qua khi lần đầu tiên xem xét đầu tư vào một thị trường mới.

Thông thường, chúng tôi so sánh quá trình xem xét gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với các nước khác trong khu vực. Điều dễ nhận thấy là, với điều kiện ngành nghề kinh doanh không nằm trong “danh sách hạn chế”, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy dễ chịu trước các quy định nới lỏng quyền sở hữu nước ngoài và kỳ vọng về vốn tối thiểu/vốn ban đầu của Việt Nam so với yêu cầu của một số quốc gia cạnh tranh khác trong khu vực. Khả năng sở hữu 100% vốn nước ngoài, không cần công dân Việt Nam làm giám đốc là những điểm hấp dẫn đáng kể khi xem xét đầu tư vào Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy các cơ hội và nhu cầu vào Việt Nam đầu tư của các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc. “Tỷ lệ đạt được” của các nghiên cứu ban đầu để xem xét Việt Nam như một lựa chọn thông qua việc chấp thuận bắt đầu đầu tư vào Việt Nam vẫn ở mức cao, mặc dù điều này vẫn còn hạn chế phần nào do các hạn chế về đi lại do Covid-19. Mối quan tâm đối với việc mở rộng ra khỏi Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài được dự báo không suy giảm và thị trường Việt Nam vẫn rất cạnh tranh trong nhiều ngành/lĩnh vực.

Tuy nhiên, một khi quyết định đầu tư vào Việt Nam được đưa ra và các nhà đầu tư bắt tay thực hiện các yêu cầu về thủ tục giấy tờ, thì những khó khăn và trở ngại đầu tiên sẽ xuất hiện. Việc thu thập và sắp xếp các tài liệu nước ngoài được hợp pháp hóa/lãnh sự hóa, đặc biệt là đối với các công ty đa quốc gia có cơ cấu và con người ở nhiều khu vực pháp lý, là một trở ngại lớn và có thể làm chậm các cơ hội và đầu tư.

Trong một thế giới đã chuyển sang kỹ thuật số hiện nay, thì các yêu cầu về tài liệu nước ngoài của Việt Nam còn rất cồng kềnh, tốn thời gian và gây khó khăn cho nhà đầu tư. Bởi vậy, nên dần loại bỏ tài liệu truyền thống được đóng dấu thủ công và số hóa tất cả các loại tài liệu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các cơ quan chính phủ, để các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng hơn trong việc triển khai kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.

Tóm lại, quy trình nộp đơn hiện hành và các thủ tục chung theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được cải thiện rất nhiều, với các hồ sơ được quét điện tử và thời gian xử lý, ban hành rõ ràng.

Những thay đổi trong những năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lên kế hoạch và triển khai dự án dựa trên việc xử lý công việc trơn tru hơn từ các cơ quan cấp phép của Việt Nam. Yếu tố này giúp các nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi hơn khi ra quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm gì tới ngành điện Việt Nam
Hưởng tiếp giá FIT khi không kịp về đích đúng hẹn do dịch bệnh, tái triển khai dự án điện hạt nhân… là những vấn đề được các nhà đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư