Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Nhà đầu tư thận trọng, cổ phiếu ngân hàng không “gánh” được VN-Index
Tùng Linh - 15/01/2024 18:40
 
Thị trường diễn ra ảm đạm trong phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 0,58 điểm (-0,05%) xuống 1.154,12 điểm dù áp lực bán ra khá lớn. Sự nâng đỡ của một số cổ phiếu ngân hàng có vai trò lớn.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là trụ đỡ

Thị trường giao dịch có phần thận trọng trong tuần giao dịch từ 8-12/1. VN-Index chỉ đi ngang một phần nhờ lực đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tâm lý thận trọng tiếp tục diễn ra ngay ở phiên giao dịch đầu tuần. Lực cầu tỏ ra khá yếu khiến giao dịch trên thị trường diễn ra ảm đạm, tuy nhiên, thị trường chung không quá gặp áp lực khi lực cung không bị đẩy lên mức cao.

Thậm chí thời điểm ở cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng khá mạnh. Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó, thị trường giao dịch ảm đạm và chỉ số chỉ loanh quanh mốc tham chiếu với biên độ hẹp. Phần lớn thời gian của phiên giao dịch, VN-Index biến động trên mốc tham chiếu và công lớn vẫn thuộc về các cổ phiếu ngân hàng.

Giao dịch của thị trường diễn ra khá yếu về cuối phiên, trong đó, áp lực bán có phần dâng cao khiến trong riêng dòng ngân hàng cũng có sự phân hóa mạnh. Đà tăng của nhiều mã ngân hàng cũng không còn quá mạnh. VCB tăng 1,5%, BID tăng 1,3%, MBB tăng 0,5%... Trong khi đó, ACB giảm 1,8%, TPB giảm 1,3%, SHB giảm 1,2%, TCB giảm 1%.

Xét về các cổ phiếu tác động lớn nhất đến VN-Index thì nhóm ngân hàng cũng khá cân bằng. VCB đóng góp 1,79 điểm. Tiếp đến, BID cũng đóng góp 0,84 điểm. Chiều ngược lại, VPB là cổ phiếu gây áp lực nhiều nhất khi lấy đi 0,58 điểm. ACB cũng làm mất đi 0,48 điểm.

VCB và BID tiếp tục "gánh" thị trường

Trong nhóm VN30, số mã giảm áp đảo hơn với 18 mã trong khi chỉ có 12 mã tăng giá. Bên cạnh SSI, BVH cũng giảm 1,9%, SAB giảm 1%... Chiều ngược lại, MWG là cái tên gây bất ngờ khi tăng đến 2,4%. MSN cũng góp phần vào việc nâng đỡ VN-Index khi tăng 1,2%.

Áp lực bán lan tỏa đến khá nhiều nhóm ngành cổ phiếu đặt biệt là các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tại nhóm chứng khoán, cổ phiếu đầu ngành là SSI bất ngờ bị bán mạnh và giảm 2,5% xuống 33.000 đồng/cp. VCI cũng giảm 2,4% xuống 41.000 đồng/cp. Các cổ phiếu chứng khoán nhóm sau như FTS, CTS, AGR, MBS… cũng chìm trong sắc đỏ.

Các nhóm ngành khác như khu công nghiệp, nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, thủy sản, năng lượng… cũng đều chịu áp lực lớn ở phiên hôm nay. Trước việc áp lực mạnh vào cuối phiên và không nhận đủ lực đỡ từ các cổ phiếu trụ cột nên VN-Index đổi màu ở những phút cuối. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index đều duy trì sắc đỏ xuyên suốt phiên chiều.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,58 điểm (-0,05%) xuống 1.154,12 điểm. Toàn sàn có 181 mã tăng, 311 mã giảm và 78 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,76 điểm (-1,2%) xuống 227,55 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 96 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,33%) xuống 86,61 điểm.

Thanh khoản bất ngờ giảm mạnh, nhà đầu tư dè chừng quan sát

Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh so với các phiên trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn có sự thận trọng nhất định. Bên cạnh đó, có thể thấy dòng tiền dù thoát ra khỏi nhiều cổ phiếu ngân hàng nhưng chưa quay trở lại ngay với các dòng khác. Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt 617 triệu cổ phiếu, trị giá 12.658 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 43% so với phiên hôm qua trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1.124 tỷ đồng. Ở sàn HNX, tổng giá trị giao dịch đạt 1.212 tỷ đồng, trong đó, giá trị thỏa thuận chiếm 740 tỷ đồng.

SHB là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất với hơn 37 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp đến là MBB với 25 triệu đơn vị.

Khối ngoại mua ròng trở lại 55 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã CTG với 63 tỷ đồng. Tiếp sau đó, STB cũng được mua ròng 58 tỷ đồng. MWG được mua ròng 56 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VNM với 85 tỷ đồng. HDG và VRE đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 35 tỷ đồng và 23 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2401 giảm 3,2 điểm (-0,27%), chênh lệch dương 1,4 điểm so với VN30. Tương tự thị trường cơ sở, khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh giảm mạnh 40,95% so với phiên trướ. Khối lượng mở OI xu hướng giảm. Theo khối phân tích Chứng khoán SHS, các vị thế đầu cơ trong phiên giảm mạnh và thị trường đang dần dịch chuyển sang kỳ hạn VN30F2402 khi kỳ hạn VN30F2401 sẽ đáo hạn trong 3 phiên tới. Các kỳ hạn VN30F2402, VN30F2403, VN30F2406 chênh lệch từ 0,8 điểm đến 2,7 điểm. Cả 04 kỳ hạn đều chênh lệch dương so với VN30, thể hiện các nhà đầu tư khá lạc quan về xu hướng tăng ngắn hạn của VN30 và phòng ngừa rủi ro giảm điểm của VN30 khi ngắn hạn VN30 đang vùng quá mua.

Tin thất thiệt từ tài khoản X của Ủy ban Chứng khoán Mỹ làm thị trường tiền ảo chao đảo
Giá bitcoin vừa có “chuyến tàu lượn” bất ngờ sau thông tin “giả” từ tài khoản mạng xã hội X (Twitter) của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư