Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà giáo với chuyện sách giáo khoa
Nguyên Đức - 20/11/2014 08:01
 
() Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tri ân các nhà giáo và cũng là dịp để nhìn lại công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, trong đó có việc đổi mới chương trình và biên soạn lại sách giáo khoa, mà Quốc hội đang xem xét thông qua.
TIN LIÊN QUAN

Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là một đề án hết sức quan trọng, bởi nó liên quan đến hàng chục triệu người Việt Nam, bao gồm cả giáo viên, học sinh phổ thông và phụ huynh học sinh. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn là vấn đề cốt tử của cả ngành giáo dục, có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực và tương lai đất nước.

  Nhà giáo với chuyện sách giáo khoa  
  Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tri ân các nhà giáo và cũng là dịp để nhìn lại công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục  

Trên thực tế, câu chuyện đổi mới sách giáo khoa đã gây ồn ào trong dư luận, khi con số 34.000 tỷ đồng được nhắc tới hồi tháng 4 vừa qua. Dù mọi chuyện đã lắng xuống sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không có con số đó và bây giờ, dự toán cho việc đổi mới sách giáo khoa chỉ đang ở mức gần 800 tỷ đồng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Từ chuyện có nên giao việc biên soạn sách giáo khoa cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không, đến chuyện 800 tỷ đồng là nhiều hay ít, rồi nên phá toàn bộ rồi xây dựng lại chương trình sách giáo khoa mới, hay nên kế thừa những nội dung tốt của sách giáo khoa cũ…

Thậm chí, không ít ý kiến băn khoăn rằng, không khéo trong đợt đổi mới sách giáo khoa lần này, Nhà nước tốn tiền mà vẫn không hiệu quả. Vì thế, phải làm sao để việc đổi mới giáo dục phổ thông không tốn quá nhiều tiền ở ngân sách bằng các cách như xây dựng chương trình mới và xã hội hóa việc viết sách...

Rất nhiều đề xuất và ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà giáo… liên quan đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Và xem ra, không thể có một câu trả lời duy nhất đúng trong trường hợp này. Nhưng dù thế nào, điều quan trọng nhất hiện nay là cần tập trung đầu tư thời gian và tâm trí để xây dựng được một chương trình thật tốt, để Việt Nam thực sự bắt tay vào việc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục.

Đây không phải là lần đầu tiên, ngành giáo dục Việt Nam đổi mới sách giáo khoa. Cũng không phải là lần đầu tiên chuyện đổi mới, cải cách giáo dục được thực hiện. Nhưng nhìn xuyên suốt hành trình gần 70 năm kể từ ngày Độc lập đến nay, dù những thành tựu của ngành giáo dục là vô cùng to lớn, thì cũng không thể phủ nhận những bất cập ngày càng trở nên rõ nét hơn của ngành này, khiến dư luận bức xúc.

Không nói chuyện chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển đất nước, chỉ riêng chuyện đạo đức học đường cũng lắm chuyện đau đầu. Nhưng khi Việt Nam muốn tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thì chuyện đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa là đòi hỏi bức thiết.

Bởi thế, dư luận đang trông chờ một cuộc cách mạng trong ngành giáo dục, bắt đầu bằng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Và phải làm thực sự, chứ không phải chỉ là “gõ trống, khua chiêng” rồi để đấy, hay làm chưa đến đầu đến đũa, khiến tốn kém tiền của của dân, mà cải cách đi cải cách lại vẫn chưa thể có một nền giáo dục chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

TIN LIÊN QUAN
Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018 - 2019
“Chỉ cần 200 tỷ đồng có thể đổi mới chương trình, SGK”
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: 34.000 tỷ chỉ là sơ suất do khái toán

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư