Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà mạng khởi tranh cuộc đua 5G
Hữu Tuấn - 04/12/2020 14:18
 
Đồng loạt triển khai kinh doanh thử nghiệm 5G, Viettel, Vinaphone, MobiFone đang dốc sức khởi tranh cuộc đua công nghệ mới, cung cấp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hàng loạt dịch vụ “xưa nay chưa từng có”.
.
Công nghệ 5G cung cấp băng thông cao gấp hàng chục lần 4G với độ trễ thấp là môi trường đa ứng dụng phục vụ mọi ngành kinh tế.

Viettel sẽ xuất khẩu thiết bị 5G

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, việc tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D được tích hợp vào hệ thống Viettel Telehealth đã được thực hiện thành công. Công nghệ mới 5G với tốc độ cao hơn hàng chục lần, độ trễ giảm 10 lần so với 4G sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong công tác khám, chữa bệnh từ xa. Với ứng dụng 5G, rất nhiều bà con ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo sẽ nhận được sự tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị của các giáo sư, bác sỹ, chuyên gia y tế qua màn ảnh truyền hình.

“Hệ thống Telehealth sẽ không chỉ là khám chữa bệnh từ xa, mà sẽ là phẫu thuật từ xa. Nhà máy thông minh sẽ không chỉ là bán tự động, mà là tự động hóa toàn trình. Học tập trực tuyến sẽ không chỉ là tiếp cận tri thức nhân loại, mà còn là tham gia trực tiếp vào các nghiên cứu khoa học tại mọi phòng thí nghiệm trên thế giới. Giao thông sẽ thực sự thông minh với xe ô tô tự hành, ô tô bay... Tất cả những điều đó sẽ thành hiện thực với cơ sở là nền tảng 5G đang liên tục được hoàn thiện”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết.

Công nghệ 5G của Viettel đã được doanh nghiệp ứng dụng, trải nghiệm với nhiều dịch vụ như: giao lưu với robot mô phỏng các động tác được điều khiển từ xa qua sóng 5G, chơi trò chơi thực tế ảo trên đám mây, xem video trực tuyến với độ phân giải 8K, du lịch ảo qua camera 360, ứng dụng nhà thông minh (smart house) và các ứng dụng kết nối Internet vạn vật (IoT) như đo quan trắc môi trường nước, không khí, đo công tơ điện từ xa…

Được biết, Viettel đã và đang xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên hệ sinh thái công nghệ 5G phát triển và sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, nhà mạng này cũng đã sẵn sàng sản xuất thiết bị 5G đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới thực hiện mục tiêu xuất khẩu.

VNPT, MobiFone triển khai kế hoạch tham vọng

Khởi động “cuộc đua 5G”, Vinaphone chọn ra mắt thị trường 5G thương mại tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM với nhiều dịch vụ, sản phẩm mới. Hệ sinh thái dịch vụ phong phú trên nền tảng mạng 5G của Vinaphone sẽ bao gồm các dịch vụ dữ liệu di động băng thông rộng tăng cường như dịch vụ data tốc độ cao, video nội dung 4K/8K, FWA (ứng dụng truy cập vô tuyến cố định), video thực tế ảo (VR) và các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như điều khiển robot. Ngoài ra, VNPT tiếp tục phát triển các ứng dụng nền tảng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công nghiệp ô tô...

Đặc biệt, thiết bị thu sóng 5G và phát sóng wi-fi của Vinaphone cho phép nhà mạng Internet không còn phải kéo cáp quang đến các hộ gia đình, tạo thuận lợi cho cả người dùng và nhà mạng trong quá trình triển khai.

“Vinaphone sẽ khai thác 5G để phục vụ nhu cầu Internet của các hộ gia đình thay thế hệ thống cáp quang. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc đưa Internet đến vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, góp phần tạo dựng nền tảng để thực hiện chuyển đổi số đến tận thôn, xóm, làng bản ở các vùng miền”, ông Nguyễn Trường Giang, quyền Tổng giám đốc VNPT Vinaphone chia sẻ.

Độ trễ lý tưởng gần như bằng 0 của mạng 5G sẽ hiện thực hóa việc ứng dụng các công nghệ AI, IoT, điều khiển học như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, robotic… Vì vậy, trước mắt, VNPT sẽ cung cấp dịch vụ 5G trong lĩnh vực logistics, robot tự hành trong kho bãi.

Còn với MobiFone, trong tháng 12/2020, nhà mạng này sẽ cung cấp dịch vụ 5G thương mại thử nghiệm trong vùng phủ sóng, tại các khu vực trung tâm, các điểm tập trung đông khách tham quan du lịch.

5G cho phép chúng ta không chỉ cung cấp các dịch vụ kết nối Internet vạn vật (IoT), mà hơn thế nữa, là “Internet mọi vật”.

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel 

Dự kiến, MobiFone triển khai trên nền tảng 5G các dịch vụ Internet tốc độ cao như video 4K, 8K, các game thực tế ảo, dịch vụ IoT… Mục tiêu của việc thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại nhằm đánh giá năng lực mạng lưới MobiFone trước khi chính thức triển khai thương mại 5G trên diện rộng, cũng như đánh giá khả năng thương mại hóa các dịch vụ trên nền công nghệ 5G.

Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, MobiFone có lợi thế khi triển khai công nghệ 5G so với các nhà mạng khác là chỉ kinh doanh dịch vụ di động. “Chúng tôi sẽ triển khai 5G ở những vùng có lưu lượng cao và nhu cầu lớn là các trung tâm các thành phố lớn, sau đó lan dần ra các khu vực khác. Rõ ràng, nhu cầu 5G và cả thiết bị 5G cũng chưa phổ biến, nhưng việc ra mắt iPhone 12 là điểm rơi phù hợp cho công nghệ này. Nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ 5G cũng giống như câu chuyện “con gà quả trứng”. Tôi cho rằng, khi nhà mạng cung cấp dịch vụ 5G, sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng công nghệ này với các ứng dụng như truyền hình độ nét cao hay xe tự lái…”, ông Cường chia sẻ.

Có thể thấy, công nghệ 5G cung cấp băng thông cao gấp hàng chục lần 4G với độ trễ thấp là môi trường đa ứng dụng phục vụ mọi ngành kinh tế và những nhu cầu mà trước đây, do hạn chế về công nghệ, nên chưa cung cấp được. 5G sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh chưa từng có, cung cấp những dịch vụ mới, tạo ra những ngành nghề, lĩnh vực mới. Đó không chỉ là cơ hội của các nhà mạng, mà còn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bước lên “chuyến tàu” 5G.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi khó về 5G
Đại biểu đặt câu hỏi, cuộc chạy đua đầu tư mạng 5G tốn kém, lãng phí và Việt Nam có kế hoạch nào để tránh sự tốn kém, lãng phí như một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư