Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Nhà mạng tìm kiếm không gian tăng trưởng mới
Tú Ân - 01/02/2024 10:47
 
Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm, các nhà mạng không ngừng tìm kiếm không gian phát triển mới.

Viễn thông truyền thống chững lại

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu mảng dịch vụ viễn thông đang chững lại. Năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, chỉ tăng 0,41% so với năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023. Trước đó, năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1,6% so với năm 2021.

Tại VNPT, năm 2023, tổng doanh thu đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102,14% so với năm trước đó, đạt 98,2% kế hoạch. Đáng chú ý là, dịch vụ di động chỉ chiếm 34,6% doanh thu của VNPT. Điểm sáng năm 2023 của VNPT là dịch vụ cáp quang (chiếm  29,5% doanh thu) và dịch vụ MyTV (chiếm 14,5% tổng doanh thu). Đây cũng là năm đầu tiên, doanh thu băng rộng và truyền hình của VNPT vượt doanh thu của dịch vụ di động.

Còn Viettel, năm 2023 đạt doanh thu hợp nhất 172.5000 tỷ đồng, tăng 5,4%. Viettel cho biết, thị phần viễn thông năm qua tăng 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu bền vững, với 56,5% thị phần. Các dịch vụ ngoài di động cũng giữ vị thế cao, gồm cố định băng rộng (FTTH) với 43% thị phần; truyền hình trên đa nền tảng với 8,6 triệu khách hàng, chiếm 31,2% thị phần…

Về phía MobiFone, năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt 25.440 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.638 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 7,25%.

Dự Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ba doanh nghiệp viễn thông lớn, gồm VNPT, MobiFone và Viettel, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các dịch vụ truyền thống là thoại và SMS - từng chiếm gần 100% doanh thu di động của nhà mạng - sẽ giảm xuống dưới 10%.

“Tăng trưởng của các nhà mạng hiện nay rất thấp. Mức tăng của Viettel là 2-5%/năm, của VNPT là 2-3%/năm, còn MobiFone giảm 4-10%/năm. Trong khi đó, một nhà mạng viễn thông thế hệ mới phải đạt mức tăng trưởng 10%/năm mới được coi là tốt và tăng trưởng trên 5% mới được coi là đạt yêu cầu. Các nhà mạng chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ hết dư địa, thậm chí suy giảm. Nếu không sớm mở ra không gian mới, thì nhà mạng sẽ không có tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tìm kiếm không gian tăng trưởng mới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong 30 năm tới, sẽ có những chuyển dịch quan trọng trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số, như chuyển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng kinh tế số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Vietnam; từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ; từ doanh nghiệp khai thác sang doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ứng dụng số...

“Các chuyển dịch đó cũng chính là định hướng phát triển của các nhà mạng”, Bộ trưởng nhấn mạnh và chỉ ra rằng, không gian tăng trưởng mới của nhà mạng là hạ tầng số, 5G, AI, chip bán dẫn, dịch vụ chuyển đổi số, an ninh mạng…

Bằng việc làm chủ các nền tảng công nghệ 4.0, như AI, Big Data, IoT, điện toán đám mây…, VNPT đã “thông minh hóa” sản phẩm cung cấp cho các khách hàng. Nhờ đó, 15 sản phẩm dịch vụ cốt lõi của VNPT được chuẩn hóa/nâng cấp và đưa ra thị trường.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, trong bối cảnh ngành viễn thông đã bão hòa, dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm, thì việc thúc đẩy các dịch vụ mới, tận dụng các cơ hội để kinh doanh nhằm giữ vững và phát triển tốt hơn những thành quả đã có. Viettel đã phát triển mạnh mẽ các nền tảng trong thời gian vừa qua, trong khi khối giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số cũng triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới nhiều lớp khách hàng, từ Chính phủ tới các bộ, ban, ngành, địa phương; từ tập đoàn lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể.

“Năm 2024, khẩu hiệu hành động của Viettel là “Chung sức đồng lòng, cộng hưởng giá trị, kiến tạo tương lai”. Trong đó, “kiến tạo tương lai” là kiến tạo một tập đoàn công nghiệp công nghệ cao toàn cầu, một hạt nhân xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại của đất nước, một Viettel tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số. Muốn vậy, cần nhanh hơn, toàn diện hơn, xuất sắc hơn. Nhanh chóng triển khai các sản phẩm công nghệ để vươn ra toàn cầu”, ông Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, trong bối cảnh thị trường đầy khó khăn, các dịch vụ cốt lõi như di động, băng rộng, MyTV là những dịch vụ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất, song VNPT vẫn giữ vững được thị phần. Trong đó, dịch vụ băng rộng và dịch vụ truyền hình chiếm vị trí số 1 về thị phần. Ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ số doanh nghiệp và chính phủ số, VNPT tiếp tục nhận được sự được sự tin tưởng của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

“VNPT tập trung phát triển các nền tảng, hệ sinh thái nền tảng, sản phẩm chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chuyển đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống thành các nền tảng cốt lõi phát triển hệ sinh thái dịch vụ số cá nhân cho hộ gia đình thông qua việc tích hợp dịch vụ số, dịch vụ nội dung, tài chính số, truyền hình, tiện ích số”, ông Liêm cho hay.

Về phần mình, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch MobiFone cho biết, năm 2024, MobiFone tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh trong không gian mới, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và đưa ra thị trường các sản phẩm dịch vụ mới như Cloud, Smart Travel, AI Hub, sản phẩm nền tảng online gaming… Đồng thời, hình thành và dần hoàn thiện hệ sinh thái số cho khách hàng cá nhân trên cơ sở phát triển siêu ứng dụng, bao gồm các ứng dụng viễn thông, OTT, nội dung số, game, IoT, Fintech…

Bên cạnh đó, MobiFone phát triển hệ sinh thái số cho nhóm khách hàng doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên thế mạnh và các nền tảng của MobiFone, như MEET, MOOC, hoá đơn điện tử, chữ kỹ số… Tiếp tục xây dựng và phát triển lĩnh vực AI, Big Data, Edge Computing như là các công cụ chính để hoàn thiện hệ sinh thái số cho nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Về hạ tầng số, MobiFone sẽ triển khai nâng cấp, mở rộng các hệ thống Big Data, hỗ trợ báo cáo, xử lý và phân tích dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, điều hành. Phát triển và ứng dụng công nghệ AI, Generative AI vào các sản phẩm, dịch vụ, hệ thống công nghệ của MobiFone. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai kinh doanh 5G, với mục tiêu phát sóng tối thiểu 1.000 trạm 5G trong năm 2024.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư