Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà máy Nokia tại Việt Nam hiện đại cỡ nào?
Thanh Hương - 17/05/2013 16:10
 
Dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến ngang tầm với các nhà máy sản xuất hàng đầu thế giới về điện thoại di động, có khả năng kết nối Internet hay có định vị toàn cầu, chip điều khiển trong phạm vi gần là những cam kết của Nokia khi đặt nhà máy tại Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
Khi đi vào hoạt động (năm 2013), Nhà máy Nokia Việt Nam có quy mô
sản xuất 30 triệu sản phẩm/năm

Việc Nokia Việt Nam đang tiến hành tuyển dụng lao động, phục vụ cho nhà máy đặt tại Bắc Ninh sắp đi vào hoạt động khiến cho nhiều người rất tò mò về việc đầu tư của nhà sản xuất điện thoại di động một thời đứng đầu thế giới này.

Theo kế hoạch đặt ra tại Giấy chứng nhận đầu tư được cấp phép, Nokia sẽ đưa nhà máy tại KCN Việt Nam – Singapore Bắc Ninh vào hoạt động trong tháng 4/2013. Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc hoạt động chắc chắn đã phải lùi lại ít thời gian.

Nhà máy Nokia Việt Nam cũng có quy mô sản xuất ở năm bắt đầu sản xuất (2013) là 30 triệu sản phẩm, và sẽ tăng dần quy mô sản xuất lên 180 triệu sản phẩm/năm vào năm 2018.

Đáng chú ý là khoản đầu tư trị giá khoảng 302 triệu USD của Nokia ở Việt Nam cũng được lên kế hoạch giải ngân chi tiết.

Cụ thể, trong năm 2013 này, khoản đầu tư sẽ là 67 triệu USD và tăng lên 100 triệu USD vào năm 2014 và lên 102 triệu USD vào năm 2015. Dự án cũng có thời hạn hoạt động lên tới 46 năm, tính từ tháng 11/2011.

Khi quyết định đầu tư tại Việt Nam, Nokia cũng nhận được những ưu đãi nhất định để có thể giúp hoạt động của tên tuổi này có kết quả nhất định, đặc biệt trong điều kiện Nokia thời gian qua đã đóng cửa một số nhà máy trên thế giới, thu hẹp hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà sản xuất điện thoại di động khác, nhất là Samsung.

Theo đó, hoạt động của Nokia Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm đầu tiên kể từ khi đi vào sản xuất kinh doanh. Hay được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, điện thoại di động do Nhà máy Nokia Việt Nam sản xuất cũng được công nhận là sản phẩm công nghệ cao và được hưởng quy chế doanh nghiệp ưu tiên trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Cũng theo Giấy chứng nhận đầu tư, Nokia Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp chế xuất.

Theo nguyên tắc “có đi, có lại”, Nokia cũng chỉ được hưởng các ưu đãi đầu tư nêu trên nếu thực hiện đúng các cam kết của mình.

Ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức kinh doanh và pháp luật hiện hành của Việt Nam, Phần Lan và quốc tế về chính sách chống chuyển giá, thông qua việc hợp tác đầy đủ với cơ quan hữu trách của Việt Nam khi xác minh tính minh bạch của Nokia Việt Nam thì nhiều cam kết khác liên quan trực tiếp tới dây chuyền và sản phẩm.

Đó là đạt tỷ giá trị nội địa hóa trong các sản phẩm được sản xuất từ nhà máy Việt Nam là 30-50% sau khoảng 3-4 năm kể từ năm sản xuất ổn định; ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động đã đảm bảo có lãi ở mức tỷ suất lợi nhuận hợp lý được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu về chuyển giá. Điều này cũng đồng nghĩa với việc năm đầu tiên của giai đoạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tính ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, Nokia Việt Nam cũng cam kết tuân thủ đúng yêu cầu về 5% số lao động của công ty có bằng đại học sẽ trực tiếp tham gia vào hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D).

Một cơ chế hậu kiểm cũng được đặt ra cho Nokia khi được xếp vào loại doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì các đợt kiểm tra thực tế tại Nokia Việt Nam sau 1 năm khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động và sau khi hoạt động được 3 năm với 5 tiêu chí nêu tại Điều 18 của Luật Công nghệ cao.

Với khoản đầu tư lên tới 300 triệu USD, dự kiến sẽ có thêm 10.000 lao động có việc làm tại Nokia Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư