Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Nhà nước phải nắm “quả đấm then chốt” trong nông nghiệp để ứng phó khi biến động
Kỳ Thành - 19/03/2020 00:12
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quan điểm cổ phần hóa DNNN là đúng để huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng các khâu quan trọng, Nhà nước vẫn phải nắm để điều hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về an ninh lương thực sáng 18/3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về an ninh lương thực sáng 18/3

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” ngày 18/3, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cho biết, hiện nay trong ngành lương thực có 2 tổng công ty lương thực, các công ty tư nhân và công ty nước ngoài tham gia thị trường.

“Các công ty tư nhân tham gia thị trường với mục tiêu lợi nhuận, lúc nào có lợi thì họ mua, không có lợi thì họ dừng. Khi có biến động như tình hình vừa qua thì các công ty có thể găm hàng chờ giá lên cao. Trong khi đó, công ty lương thực của Nhà nước có chức năng được Chính phủ giao là lưu thông, bình ổn giá lương thực thì phải thực hiện nhiệm vụ này, có khi không lợi nhuận”, bà Tâm nói.

Dẫn chứng tình huống sau khi xuất hiện trường hợp số 17 nhiễm Covid-19, Tổng Giám đốc Vinafood1 cho biết, do nhu cầu gạo tăng cao, Vinafood1 đã bán ra lượng gạo gấp 20-30 lần bình thường trong một ngày, có hộ đến mua 1-2 tạ để tích trữ mặc dù bình thường chỉ mua có 10 kg.

Bà kiến nghị Chính phủ xem xét, nắm giữ một tỷ lệ cổ phần hợp lý khi cổ phần hóa để bảo đảm vai trò điều tiết, bình ổn khi cần thiết.

Trao đổi về ý kiến này sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quan điểm cổ phần hóa DNNN là đúng để huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng các khâu quan trọng, Nhà nước vẫn phải nắm để điều hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Huy động nguồn lực toàn xã hội nhưng những “quả đấm then chốt” Nhà nước phải nắm để nâng cao năng lực ứng phó khi có biến động, Thủ tướng nhìn nhận.

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường.

“Thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo”, Thủ tướng nêu rõ. Phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống, “qua một số ngày lộn xộn vừa rồi, có thể thấy có tiền chưa chắc mua được lương thực”.

“Theo tôi, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ”, Thủ tướng nhấn mạnh, không chạy theo thị trường và nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực. Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới, là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề tăng cường liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, mỗi nhóm ngành hàng đều có tập đoàn kinh tế lớn là hạt nhân liên kết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư