Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 03 tháng 02 năm 2025,
Nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe: “Tôi muốn sáng tạo phụng sự cộng đồng”
Trọng Tín - 03/02/2025 16:00
 
Ở tuổi lục tuần, ông Nguyễn Văn Khỏe vẫn tiếp tục biến những ý tưởng thành các sản phẩm để kinh doanh. Nhưng ông không còn đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, mà muốn được phụng sự nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.
TIN LIÊN QUAN
Ông Nguyễn Văn Khỏe và chiếc bẫy muỗi Mosla do ông sáng chế

Ám ảnh sốt xuất huyết và ý tưởng diệt muỗi từ gốc

Giữa những ngày mưa dầm ở vùng đất Đồng Nai, cũng là lúc loài muỗi bắt đầu hoành hành, trong căn nhà nhỏ ở TP. Biên Hòa, ông Nguyễn Văn Khỏe, người đàn ông giản dị với đôi bàn tay chai sần, vẫn mải mê bên bàn làm việc. Chiếc bàn ấy không chất đầy tài liệu khoa học hay những bản vẽ cầu kỳ, mà là những mô hình nhựa nhỏ nhắn - những phiên bản đầu tiên của chiếc bẫy muỗi Mosla.

Ý tưởng về sản phẩm này bắt đầu từ những dòng tin trên báo, những bản tin thời sự về dịch sốt xuất huyết. Căn bệnh ấy năm nào cũng âm thầm cướp đi sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bao người, nhất là những đứa trẻ vùng quê. Hình ảnh những bệnh viện chật kín bệnh nhân, hay những chiếc giường bệnh chen chúc trong mùa dịch khiến ông không khỏi day dứt.

Thị trường hiện nay đã có nhang muỗi, thuốc xịt chống muỗi, vợt điện, hay hiện đại hơn thì có các biện pháp nuôi cấy muỗi biến đổi gene. Tuy vậy, sốt xuất huyết vẫn bùng phát tại nhiều nơi. Ông tự nhủ, có vẻ các biện pháp hiện có chưa phải tối ưu, lại độc hại.

“Không dùng điện, hóa chất, nhưng làm cách nào để diệt được muỗi? Điều này khiến tôi trăn trở mãi để tìm ra cách diệt muỗi hiệu quả, an toàn mà lại không ảnh hưởng đến môi trường”, nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe nhớ lại.

“Mình phải làm gì đó!” - ý nghĩ ấy cứ đeo bám ông mỗi ngày. Năm 2016, khi vệ sinh chiếc quạt nước cũ, ông bất ngờ phát hiện rất nhiều muỗi bay ra từ két nước. Tò mò tháo ra kiểm tra, ông thấy bên trong két có đầy bọ gậy bơi lội. Khoảnh khắc đó, như một tia sáng lóe lên, ông nhận ra, muỗi sinh sản trong nước đọng, nếu mình có thể kiểm soát quá trình sinh sản này, chặn đứng từ gốc, thì muỗi sẽ không còn cơ hội lây lan.

Có ý tưởng, nhưng làm gì và làm như thế nào? Đây là câu hỏi không dễ trả lời, bởi ông Khỏe chưa tốt nghiệp cấp 2, không có bằng cấp, không qua trường lớp đào tạo chuyên sâu, ông chỉ có niềm đam mê và những kiến thức tự học, tự tìm hiểu từ sách báo và Internet.

Những ngày sau đó, ông bắt đầu hành trình tự học đầy gian nan. Ông lên mạng tìm hiểu về tập tính của muỗi. Muỗi thường bị thu hút bởi nước đọng, thích đẻ trứng ở những nơi tối và ẩm. Bọ gậy  cần một khoảng thời gian để phát triển thành muỗi trưởng thành. Ông nhận ra, các giải pháp đang có hiện nay chỉ tiêu diệt được muỗi trưởng thành, còn việc sinh sản của chúng chưa được quan tâm, phòng chống tận gốc.

Ông quyết định tạo ra một chiếc bẫy mô phỏng môi trường lý tưởng để muỗi mẹ đẻ trứng, nhưng đảm bảo rằng, bọ gậy sẽ không thể phát triển thành muỗi trưởng thành, hoặc nếu có, thì cũng không thể thoát ra ngoài.

Chiếc bẫy đầu tiên của ông làm từ những vật liệu thô sơ như chai nhựa, lưới lọc và một ít nước. Ông thử đặt bẫy ở nhiều nơi trong nhà, từ góc tối, đến khu vực nhiều nước đọng. Lúc đầu, muỗi đến rất đông, nhưng bọ gậy lại phát triển thành muỗi và bay ra.

Thất bại, nhưng không nản, ông mày mò chỉnh sửa, thay đổi kích thước khe hở, độ sâu của nước, và cấu trúc bên trong bẫy. Có những lúc, khe hở quá lớn khiến bọ gậy thoát ra. Lúc khác, khe lại quá nhỏ, làm chúng bị mắc kẹt ở nơi không như ý. Ông thử nghiệm hàng chục lần, mỗi lần lại là một… thất bại mới. Dẫu vậy, ông luôn tin rằng, mỗi thất bại là một bước tiến gần hơn đến thành công.

Phải đến tận hai năm sau, ông Khỏe mới hoàn thiện phiên bản ưng ý nhất của chiếc bẫy muỗi Mosla. Chiếc bẫy có dạng hình trụ, tất cả đều được làm từ nhựa, có thể dùng nhựa tái chế từ rác thải nhựa, vừa không tiêu tốn điện, vừa không phát sinh khói ảnh hưởng đến người dùng. Bẫy muỗi Mosla được ông Khỏe tự tin giới thiệu là sản phẩm bắt diệt muỗi “xanh” duy nhất hiện có trên thị trường.

“Thực nghiệm thời gian dài cho thấy, tỷ lệ muỗi vào làm tổ, đẻ trứng rất cao. Khi các chi tiết được tinh chỉnh, tỷ lệ bọ gậy phát triển thành muỗi lọt trở lại môi trường bên ngoài ước chừng chỉ 1%”, ông nói.

Mỗi khi nhìn chiếc bẫy hoạt động hiệu quả, ông Khỏe lại mỉm cười. Nhưng sau đó, ông nhận ra, để đưa sản phẩm ra thị trường, thì cần có chứng nhận bằng sáng chế, cần vốn đầu tư và cần sự công nhận từ xã hội.

Lúc này, ông Khỏe mới nộp sản phẩm, bản thuyết trình xin đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích bẫy muỗi Mosla. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt đơn đăng ký bị tắc ở đâu đó. Phải mất hơn 5 năm từ lúc gửi hồ sơ, bằng độc quyền giải pháp hữu ích bắt muỗi Mosla mới được công nhận.

Những hình ảnh về dịch sốt xuất huyết, về những đứa trẻ nằm trên giường bệnh một lần nữa khơi dậy quyết tâm đưa bẫy muỗi Mosla ra thị trường, bắt đầu sứ mệnh “có Mosla, không có sốt xuất huyết” mà ông theo đuổi.

Lợi nhuận chưa phải là mục tiêu hàng đầu

Không phải bây giờ người ta mới gọi ông Nguyễn Văn Khỏe là nhà sáng chế. Ông từng được biết đến sau khi gọi vốn thành công 1 triệu USD trong chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) mùa 2 với dự án sấy nhiệt mặt trời, cũng do chính ông sáng chế.

Ông Khỏe đang điều hành 2 công ty gia đình, một công ty cung cấp miến cho các siêu thị và Công ty Công nghệ Nhiệt Mặt Trời, chuyên cung cấp hệ thống sấy khô nông sản và các sản phẩm chế biến khác như miến, bún, bánh tráng... Ông đang làm thủ tục để đăng ký thành lập thêm một doanh nghiệp - Công ty Mosla.

Ý tưởng sáng chế của ông Khỏe chưa bao giờ đến từ những lý thuyết cao siêu, hay các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Mọi thứ đều bắt đầu từ những vấn đề mà ông nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày.

Các sáng chế phải phục vụ cho đời sống, thì mới có giá trị. Đó mới là đích đến của giá trị phụng sự cộng đồng.

Hơn 10 năm trước, trong khi điều hành công ty gia đình chuyên cung cấp miến cho các siêu thị, ông đối mặt với bài toán làm khô nông sản sao cho tiết kiệm và hiệu quả. Những ngày nắng mưa thất thường, miến phơi ngoài sân bị ẩm mốc, khiến ông trăn trở. Với kiến thức tự học trên mạng, ông mày mò chế tạo chiếc máy sấy bằng nhiệt mặt trời.

Ban đầu, sáng chế này thất bại, do nhiệt độ của máy sấy không đủ, sản phẩm sấy không đồng đều, chi phí chế tạo lại quá cao. Không nản, ông kết hợp kinh nghiệm thực tế, kiến thức sách vở và kỹ thuật của những người thợ trẻ trong xưởng để cải tiến từng chi tiết. Cuối cùng, chiếc máy sấy không chỉ được hoàn thiện, mà còn trở thành một sản phẩm hữu ích, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế.

“Hiện nay, các hệ thống máy móc của chúng tôi đã cung ứng cho nhiều khách hàng tại Đồng Nai và các địa phương khác, nhất là khu vực Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (TP.HCM), vì ở đây có các làng nghề về bánh tráng phơi sương với hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất”, ông nói thêm.

Ở tuổi 50, ông Khỏe khởi nghiệp với giải pháp làm khô bằng nhiệt mặt trời và cũng được chứng nhận bằng giải pháp hữu ích. 10 năm sau, ông lại tiếp tục có thêm sản phẩm được cấp bằng sáng chế. Ông mong muốn các sản phẩm hữu ích đó có thể đưa vào sản xuất quy mô lớn, giúp ông xây dựng thương hiệu và cũng là giúp cộng đồng.

“Trong quá trình triển khai dùng thử sản phẩm bẫy muỗi Mosla, tôi nhận được nhiều phản hồi về mức giá mong muốn của khách hàng. Hằng đêm, tôi nghĩ, làm sao để tối ưu chi phí, để giảm giá một thiết bị từ mức 500.000 đồng xuống chỉ còn 100.000 đồng và khả năng khi đưa ra thị trường, giá của nó sẽ còn rẻ hơn”, ông tâm sự.

Giá bán thấp, thì chắc chắn biên lợi nhuận sẽ thấp, nhưng ông Khỏe nói, mục tiêu của dự án là loại trừ sốt xuất huyết khỏi cộng đồng, rồi mới tính đến lợi nhuận.

Sau khi gửi tặng sản phẩm cho gia đình, bạn bè và khách hàng dùng thử, năm 2025, ông Khỏe sẽ  chính thức đưa sản phẩm bẫy muỗi Mosla ra thị trường. Ông nói, khao khát của ông lúc này là có thể thương mại hóa thành công sản phẩm, qua đó đóng góp thiết thực, hữu ích cho cộng đồng, xã hội.

“Tôi đã tiêu tốn khá nhiều tiền để ra được các sáng chế và biến các ý tưởng, sáng chế thành sản phẩm thương mại. Không ai muốn sáng chế rồi để trong ngăn kéo. Các sáng chế phải phục vụ cho đời sống, thì mới có giá trị. Đó mới là đích đến của giá trị phụng sự cộng đồng”, ông Khỏe nhấn mạnh.

Nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe chia sẻ, khi tham gia chương trình Shark Tank, dự án của ông không chỉ nhận được hiệu ứng truyền thông tích cực, mà còn nhận được sự cam kết và hợp tác góp vốn từ các nhà đầu tư.

“Quan trọng hơn, đây là cơ hội để chúng tôi học hỏi, nhận diện những điểm yếu trong hoạt động của doanh nghiệp và từng bước khắc phục. Dù sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, sự hợp tác giữa hai bên không thể tiếp tục và mỗi bên chọn cho mình một hướng đi riêng, nhưng điều đó không làm chúng tôi chùn bước. Nguồn năng lượng nhiệt từ mặt trời vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận, thôi thúc chúng tôi tiếp tục tìm tòi và sáng chế những sản phẩm hữu ích, ứng dụng vào đời sống”, ông Khỏe nói.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư