Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Nhận diện văn hóa kinh doanh “bản sắc Việt”
Anh Hoa - 24/10/2023 14:08
 
Việc hình thành văn hóa kinh doanh năng động và kiên cường sẽ thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện vị thế cạnh tranh của Việt Nam trước bối cảnh biến động mạnh mẽ không ngừng của nền kinh tế toàn cầu.
Các diễn giả thảo luận về sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam tại Diễn đàn Đa phương (MSF) lần thứ 6, năm 2023
Các diễn giả thảo luận về sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam tại Diễn đàn Đa phương (MSF) lần thứ 6, năm 2023

Bền vững nhờ kinh doanh có bản sắc

Không phải ngẫu nhiên, Diễn đàn Đa phương (MSF) thường niên lần thứ 6 năm nay, Ban Tổ chức (gồm: Samsung Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chọn chủ đề: “Khai thác sức mạnh Văn hóa Kinh doanh của Việt Nam hướng tới Bền vững và Cạnh tranh trong thời kỳ mới”.

Diễn đàn MSF 2023 được kỳ vọng sẽ góp tiếng nói quan trọng trong việc hình thành văn hóa kinh doanh năng động và kiên cường, thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện vị thế cạnh tranh của Việt Nam trước bối cảnh biến động mạnh mẽ không ngừng của nền kinh tế toàn cầu.

Với gần 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, do hạn chế về quy mô, năng lực, trình độ quản trị…, hầu hết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ và đầu tư thích đáng cho kế hoạch và chiến lược kinh doanh bền vững, trong đó có việc khai thác các lợi thế văn hóa. Điều này dẫn đến nguy cơ bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhận diện “bản sắc” và xung lực cho phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam

Về nhận diện, trong nghiên cứu trình bày tại Diễn đàn: “Văn hóa kinh doanh Việt Nam qua nhận thức của các chủ thể và Hàm ý cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, các nhà nghiên cứu đã trình bày một kết quả nhận diện văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm 3 tầng.

Ở tầng lõi về niềm tin và giá trị căn bản, người Việt Nam thể hiện như một cộng đồng có quan niệm hài hòa, hướng tới đồng thuận xã hội cao, nhân ái, vị tha, ham học, sẵn sàng vì lợi ích cộng đồng, tôn trọng thứ bậc, chống chịu tốt, nhận thức và chấp nhận trong chừng mực về hiện trạng bất bình đẳng, nhưng luôn mưu cầu công bằng và bình đẳng được cải thiện hơn. Trọng an toàn, ổn định, nhưng hướng tới tương lai, người Việt Nam có những phẩm tính và giá trị phù hợp với xu hướng tương lai, bao gồm coi trọng hiệu quả, có tư duy bền vững và mưu cầu đối với các giá trị bền vững ở mức khá cao và đồng đều.

Samsung luôn tập trung vào việc bảo vệ và tôn trọng quyền lao động của nhân viên và người lao động tại các công ty của mình cũng như các đối tác và nỗ lực không ngừng để người lao động có thể được làm việc an toàn trong một môi trường tuyệt vời nhất.

- Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam

Ở các tầng nhận thức và hành động, Việt Nam được ghi nhận sở hữu nhiều điều kiện mang tính tiền đề cho phát triển bền vững, và còn rất nhiều dư địa cho phát triển bền vững do cả người lao động và doanh nghiệp đều có nền tảng nhận thức tốt và khá đồng đều. Quan điểm này được chia sẻ bởi các diễn giả là doanh nhân, chuyên gia tại phiên tọa đàm của Diễn đàn.

Về các nhân tố và điều kiện thúc đẩy phát triển văn hóa kinh doanh, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp như lực lượng chủ chốt, tiên phong tạo nên xung lực chính cho văn hóa kinh doanh bền vững. Lực lượng kế tiếp là GenZ, thế hệ sẽ là doanh nhân, chủ nhân, đồng thời là lực lượng lao động chính của một quốc gia 100 triệu dân đang trên đà phát triển trong hiện tại và tương lai.

Giá trị bền vững thực chất hơn cần được tích hợp trong giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và doanh nhân chính là người sẽ xây dựng và thúc đẩy bộ giá trị cốt lõi này trong doanh nghiệp của mình để tạo nên bản sắc và sự khác biệt. Cùng với đạo đức doanh nhân xây dựng trên các giá trị công bằng, chính trực, minh bạch, tử tế - là những giá trị được kỳ vọng ở người lao động - bộ giá trị cốt lõi sẽ có giá trị như một bộ điều hướng sự cống hiến và cam kết gắn bó của người lao động, đặc biệt là với đối tượng GenZ, vốn có nhận thức và động lực cống hiến mạnh mẽ về với các doanh nghiệp có giá trị cốt lõi định hướng bền vững.

Cuối cùng, một nhân tố mang tính bảo đảm chính là sự đổi mới trong hành xử của các cấp chính quyền với doanh nghiệp, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm được tác động bởi nhiều chủ thể nhất trong cơ chế truyền dẫn văn hoá mà nhóm nghiên cứu đề xuất.

Sức mạnh văn hóa kinh doanh nhìn từ Samsung

Trong câu chuyện xây dựng văn hóa kinh doanh của Việt Nam, không thể thiếu vị thế, vai trò, bài học kinh nghiệm của các “ông lớn” trên thế giới và khu vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo.

Điển hình như Samsung Việt Nam. Tập đoàn này luôn coi thành công của mình là thành công của Việt Nam. Bên cạnh việc chia sẻ bài học, kinh nghiệm thành công của mình đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn luôn nỗ lực nghiên cứu và có những đề xuất vì sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.

Chia sẻ động lực phát triển, trong đó có các thế mạnh đặc trưng về văn hóa doanh nghiệp của Samsung cũng là một trong những cách chia sẻ để cùng thịnh vượng của Samsung với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đánh giá cao Việt Nam không chỉ với tư cách một quốc gia thu hút đầu tư và có cùng tầm nhìn, quyết tâm tương đồng như hành trình mà Hàn Quốc trải qua trong những thập niên trước, Samsung còn ghi nhận ở Việt Nam một lực lượng lao động cần cù, trách nhiệm, ham học và sáng tạo. Không chỉ Samsung, mà các đại diện doanh nghiệp FDI khác tại Diễn đàn Đa phương cũng cùng quan điểm này.

Với tư cách là người cùng tạo dựng và đóng góp, nhiều năm qua, Samsung đã góp phần của mình vào bức tranh văn hóa kinh doanh có nhiều đổi mới cho Việt Nam. Văn hóa tôn trọng và đề cao sự hợp tác giữa lao động và cấp quản lý, thúc đẩy học tập không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và trách nhiệm của người lao động được thúc đẩy mạnh mẽ.

“Không có niềm tin, không thể đồng hành”, “Không có chân thành, không thể làm tốt”, “Không có sáng tạo, không thể chiến thắng” là điều luôn được toàn thể lãnh đạo và nhân viên Samsung tâm niệm. Tất cả các cấp quản lý và nhân viên cùng tham gia đánh giá định kỳ về “Sức khoẻ tổ chức”.

Quy trình này giúp Samsung tối ưu hóa điểm mạnh và tích cực giải quyết các thách thức tồn tại trong văn hóa doanh nghiệp. Samsung đang không ngừng nỗ lực để đảm bảo rằng, nhân viên và người lao động có thể làm việc trong một môi trường làm việc an toàn và tốt nhất, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp cho văn hóa kinh doanh Việt Nam hướng tới các mục tiêu số 1: Con người - Sản phẩm - Môi trường, Samsung đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động, trong truyền thống của một tập đoàn 3 năm liền đoạt giải thưởng Nhà tuyển dụng tốt nhất thế giới do Forbes tổ chức bình chọn.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nhấn mạnh tại sự kiện MSF 2023: “Với tư cách là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp trách nhiệm RBA, Samsung luôn tập trung vào việc bảo vệ và tôn trọng quyền lao động của nhân viên và người lao động tại các công ty của mình cũng như các đối tác và nỗ lực không ngừng để người lao động có thể được làm việc an toàn trong một môi trường tuyệt vời nhất”.

Phát triển và gìn giữ những thương hiệu di sản của Việt Nam

Một trong những kết quả từ nghiên cứu của Diễn đàn MSF 2023 cho thấy, nhân văn và giàu lòng trắc ẩn, khao khát tri thức và phúc lợi cộng đồng là những “di sản” nổi bật của văn hóa Việt Nam.

Câu chuyện tái sinh thương hiệu tại Biti’s được biết đến nhiều từ hành trình phát triển văn hóa doanh nghiệp của mình trên nền di sản ấy. CEO Biti’s Vưu Lệ Quyên thích cách mọi người gọi Biti’s là “thương hiệu di sản”. Được đồng hành với 10.000 người lao động tại Biti’s để bảo vệ một “di sản” của Việt Nam và mỗi ngày đều cố gắng để làm tốt cho thương hiệu, cho sản phẩm của mình tốt hơn bằng việc hạnh phúc hơn mỗi ngày trong công việc, từ việc mình làm, nữ CEO này cảm thấy rất tự hào.

Khởi sinh từ ý tưởng “Nâng niu bàn chân Việt” với mong muốn mang lại những sản phẩm tử tế, nâng niu đôi bàn chân người Việt, hơn 40 năm trước, xưởng sản xuất giày dép với thương hiệu Biti’s được ra đời. Từ 20 công nhân và một xưởng sản xuất nhỏ, hành trình trở thành “thương hiệu quốc dân” của Biti’s là câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ đến bao thế hệ người Việt Nam.

Năm 2022 đánh dấu cột mốc 4 thập kỷ hình thành và phát triển cùng đất nước, Biti’s đã lựa chọn khởi xướng một chiến dịch làm nổi bật lên hành trình chuyển mình đầy ngoạn mục của Việt Nam sau 40 năm.

Từ cảm hứng khởi nguồn từ đường phố, tinh thần đoàn kết dân tộc cho đến sự kiêu hãnh về văn hóa và hành trình chuyển mình của đất nước, ProudlymadeinVietnam của Biti’s Hunter xác định rất rõ sứ mệnh của mình, đó là luôn luôn gợi nhắc lòng tự hào và bản sắc Việt trong mỗi người trẻ, nhằm kế thừa, sáng tạo và viết tiếp những cảm hứng tự hào mới về con người và các giá trị văn hóa dân tộc cho tới mai sau.

Đặc biệt, từ năm 2017 tới nay, Biti’s có giai đoạn trở lại và thương hiệu này thực sự đại diện cho người trẻ, tiếng nói của giới trẻ.

“Chúng tôi cảm thấy mình hòa vào nhịp sống của thành phố, của đất nước và cảm thấy mình là một phần trong đó, rất tự hào bởi một ‘thương hiệu di sản’ nhưng vẫn có thể làm mới mình, trẻ hóa”, đại diện Biti’s chia sẻ.

Góp một tiếng nói tại Diễn đàn MSF lần thứ 6, theo ông Nguyễn Cảnh Bình, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Alpha Books, hơn 3 thập kỷ qua, tri thức của thế giới ùa vào, mang tư duy quản trị hiện đại và tư duy khởi nghiệp về Việt Nam, cùng với làn sóng FDI và các bạn trẻ đi học nước ngoài về, đã tạo ra những biến động lớn trong môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

“Tri thức kinh doanh của thế giới ùa vào Việt Nam, dòng người trở về mang theo những kiến thức, cộng với việc các doanh nghiệp trong nước tích cực hỏi hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Vậy nên, dù có trở ngại, nhưng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ, và đang văn minh lên rất nhiều”, ông Bình nhấn mạnh.

Có thể nói, các doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần kinh doanh, nỗ lực vượt khó và khát vọng vươn lên mạnh mẽ đã thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh ngày càng rõ nét. Đây sẽ là những doanh nghiệp điển hình, lan tỏa tinh thần tiên phong, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của sản phẩm “made by Việt Nam” trên trường quốc tế.

Doanh nghiệp Việt - Hàn bắt tay hợp tác đầu tư, sản xuất chip bán dẫn
Ngày 11/10, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Tập đoàn N&G và Hội đồng Doanh nhân Cheongju (CEC) - Hàn Quốc tổ chức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư