Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhập siêu 3,2 tỷ USD năm 2015: Không đáng lo ngại
Mạnh Bôn - 28/12/2015 07:51
 
Sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, năm 2015, nền kinh tế nhập siêu 3,2 tỷ USD. Năm 2016, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, nhiều khả năng nhập siêu tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhập siêu không đáng lo ngại.

Bên cạnh các FTA đang ở những năm cuối cùng của lộ trình tự do hóa thương mại, năm 2015, Việt Nam ký thêm nhiều FTA mới với độ mở cửa rộng hơn, điều này tác động thế nào đến nền kinh tế?

Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, Ấn Độ. Tất cả các FTA này đang ở những năm cuối của lộ trình cắt giảm thuế quan, nên mức độ gỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ nhanh hơn, mạnh hơn.

Nhìn lại những năm thực hiện các FTA này, có thể thấy, nền kinh tế được hưởng lợi rất nhiều, như kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng mạnh, đầu tư nước ngoài gia tăng không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, mà còn góp phần rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước…

.
TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Các FTA song phương vừa được ký kết và chuẩn bị có hiệu lực, như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile, Liên minh Hải quan Việt Nam - Nga, Belarus và Kazakhstan, kể cả việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2016, với mức độ mở cửa mạnh hơn, nhanh hơn, cùng với việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan về cơ bản còn 0%, chắc chắn tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế.

Nhưng càng mở cửa thì Việt Nam càng nhập siêu từ các thị trường lớn. Điều này rõ ràng là bất lợi, thưa ông?

Cùng với Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN là những thị trường xuất - nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Trong đó, ngoại trừ Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản là chúng ta xuất siêu, còn lại nhập siêu ngày càng lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN.

Nếu nhập khẩu hàng hóa về để tiêu dùng, thì đúng là không có lợi cho nền kinh tế, nhưng trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nguyên, nhiên, vật liệu để sản xuất hàng phục vụ trong nước và xuất khẩu; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, gia công, chế biến, lắp ráp trong nước thì nền kinh tế được lợi vì thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nếu không đẩy mạnh nhập khẩu, thì không thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm tăng ở mức 2 con số. Nếu không đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị, linh kiện, phụ tùng máy móc, thì chúng ta không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU hàng chục tỷ USD và cũng không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,68% - cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,2%.

Nếu sử dụng một trong 3 phương pháp tính GDP là tính theo tiêu dùng, thì tốc độ tăng trưởng GDP bị bất lợi khi nhập siêu quay trở lại, thưa ông?

GDP tính theo phương pháp tiêu dùng được đo bằng cách cộng tiêu dùng của hộ gia đình, của Chính phủ, tổng mức vốn đầu tư và chênh lệch kim ngạch xuất - nhập khẩu. Nếu tất cả các yếu tố không thay đổi mà chênh lệch xuất nhập khẩu bị âm (nhập siêu) thì ảnh hưởng tới GDP.

Nhưng như tôi nói, trên 80% kim ngạch nhập khẩu là nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nên nhập siêu không đáng lo ngại, thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng, vì điều này cho thấy nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới.

Nhập siêu về để sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình ngày càng tăng. Nhập siêu cũng thúc đẩy tổ chức, cá nhân bỏ vốn ra đầu tư, góp phần làm tăng tổng mức đầu tư. Như vậy, tính GDP theo phương pháp tiêu dùng thì nhập siêu ở mức độ nào đó không đáng lo ngại, ngược lại còn có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế.

Nhưng thưa ông, nền kinh tế không thể mãi phụ thuộc vào nguồn cung nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài?

Không phải Việt Nam, mà nền kinh tế nào cũng không muốn phụ thuộc, đặc biệt là phụ thuộc vào một số ít thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định 1483/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Tôi cho rằng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, những năm tới, nhập siêu vẫn có thể gia tăng ở dưới mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển mạnh vì từ ngày 1/1/2016, thực hiện Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phải thực hiện hàng loạt giải pháp, chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dệt - may, da - giày, điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao.

Nhập siêu năm 2015 dự báo khoảng 6 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến tăng khoảng 10% so với 2014, nhưng nhập khẩu lại tăng 16,5% kéo giá trị nhập siêu cả năm lên khoảng 5,5 - 6 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư