Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Ước tính cả năm nhập siêu 6 tỷ USD: Lại ám ảnh nhập siêu
Hà Nguyễn - 02/11/2015 07:01
 
Chuyện nhập siêu đang tăng, với khoảng 4,13 tỷ USD trong 10 tháng qua, dự ước cả năm là 6 tỷ USD, tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với nền kinh tế Việt Nam và đặt ra không ít câu hỏi cần giải đáp.

Thực tế, câu chuyện hiện thời đối với nền kinh tế Việt Nam không phải là năm nay nhập siêu bao nhiêu, bởi dù con số là 6 tỷ USD đi chăng nữa, thì vẫn thấp hơn 5% tổng kim ngạch xuất khẩu và có nghĩa là vẫn đạt mục tiêu Chính phủ đề ra. Điều đó cũng có nghĩa, trong ngắn hạn, nhập siêu vẫn trong tầm kiểm soát. Câu hỏi đặt ra là, tầm nhìn dài hạn thì sao?

Cũng cần phải nhắc lại câu chuyện của nhiều năm trước, khi nhập siêu của Việt Nam không phải 5-6 tỷ USD như hiện nay, mà là 17 tỷ USD như năm 2008. Tại thời điểm đó đã có rất nhiều giải pháp được đặt ra để kiểm chế nhập siêu song bất thành. Mọi chuyện chỉ phần nào được giải quyết từ năm 2012, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, khiến nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị giảm và khi xuất khẩu tăng cao do một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn (như Samsung) tăng tốc xuất khẩu.      

.
.

 

3 năm qua, Việt Nam đã xuất siêu, thậm chí năm 2014 còn xuất siêu tới 2 tỷ USD.

Năm nay, nhập siêu đã quay trở lại một phần vì xuất khẩu tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu dầu thô và các loại nông sản giảm khá mạnh; nhưng phần khác lại vì “một lẽ tất yếu”: khi kinh tế hồi phục, nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu sẽ tăng lên.

Điều này khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về việc phải chăng, những nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua chưa như mong đợi? Kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu.

Nói không dịch chuyển tích cực thì không phải, nhưng rõ ràng là thành công chưa đủ lớn và cũng chưa đủ sức để tạo đà để nền kinh tế có thể bứt phá ấn tượng. Cũng không nhắc tới việc nhập siêu lớn từ Trung Quốc nữa, bởi đó là chuyện dài kỳ dù 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục nhập siêu tới 27,2 tỷ USD từ thị trường này, tăng 17,6% (tương đương tăng 4,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu để thấy còn khá nhiều vấn đề cần quan tâm.

Chẳng hạn, là một nước nông nghiệp, nhưng 10 tháng qua, chỉ tính riêng nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu của Việt Nam đã lên tới trên 2,87 tỷ USD. Nếu tách nhỏ thêm nữa, có thể thấy trong 10 tháng đầu năm, lượng ngô nhập khẩu lên tới 5,72 triệu tấn. Như vậy, Việt Nam đã phải chi tới 1,26 tỷ USD để nhập khẩu một sản phẩm mà có thể tự giải bài toán thiếu hụt, nếu không được toàn bộ thì cũng một phần bởi Việt Nam là một nước nông nghiệp. Vậy nhưng, nhập khẩu ngô 10 tháng qua tăng tới 55,8% về lượng và tăng 32,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cùng thời điểm, ngành nông nghiệp chỉ xuất khẩu được 24,61 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ. Một sự bất cập khá rõ ràng của cơ cấu kinh tế. Chưa kể, lâu nay, hàng hoa quả, vải vóc, quần áo, ngay cả tăm tre nhập khẩu ê hề vào thị trường Việt Nam cũng là những thông tin không khỏi gây bức xúc.

Trong công bố mới đây, Tổng cục Thống kê cũng đã nhắc đến việc các hãng hàng không nếu tiếp tục nhập máy bay để hiện đại hóa đội tàu bay thì nhập siêu trong 2 tháng cuối năm 2015 có thể sẽ tăng lên. Nhưng đó là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Vậy đâu là những mặt hàng cần thiết phải nhập, đâu là không? Bộ Công thương cũng đã có danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu, cũng như cần kiểm soát nhập khẩu. Điều hành xuất nhập khẩu theo đúng định hướng này, cũng như tính bài toán xa hơn là cơ cấu lại nền kinh tế mới là giải pháp dài hơi để nhập siêu không còn là nỗi ám ảnh với nền kinh tế.

Đến 15/9, Việt Nam đã nhập siêu hơn 4 tỷ USD
Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết ngày 15/9/2015 tổng kim ngạch xuất nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư