Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhập siêu - hy vọng của nền kinh tế
Nguyên Đức - 27/05/2013 06:46
 
Nhập siêu sau 5 tháng đang ở mức 1,9 tỷ USD, một dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế. Dù vậy, cũng không thể không quan tâm tới xu hướng nhập siêu đang tăng cao trở lại, bởi nhập siêu lớn cũng sẽ gây áp lực đến cán cân thanh toán, tỷ giá ngoại tệ.

Nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất có tốc độ tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm. Ảnh: Hà Thanh

Không một chút băn khoăn về việc nhập siêu đã tăng mạnh trong hai tháng 4 và 5/2013, đặc biệt là, chỉ riêng tháng 5, đã ước nhập siêu tới 1,2 tỷ USD, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, đó là một tín hiệu tốt của nền kinh tế.

“Nhập siêu có nghĩa là sản xuất đang phát triển. Nếu đã có nhập siêu, thì trong một vài tháng tới, tình hình xuất khẩu cũng sẽ khởi sắc hơn”, ông Thắng nói.

Đồng quan điểm, khi tổng hợp số liệu về tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm của cả nước, Tổng cục Thống kê cũng nhận định rằng, nhập khẩu tăng cao phần nào cho thấy sản xuất trong nước bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Thực tế cho thấy, sau 20 năm, năm 2012, Việt Nam lại một lần nữa có xuất siêu (năm 1992, Việt Nam xuất siêu 40 triệu USD - PV), với 780 triệu USD. Tuy nhiên, mặt trái của “tấm huy chương” này lại khiến cả nền kinh tế lo nhiều hơn mừng, bởi đó là hệ lụy của sự suy giảm sản xuất. Ở một nền sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu như Việt Nam, không có nhập siêu, cũng đồng nghĩa kinh tế đình trệ.

Nỗi lo ấy kéo dài sang cả năm 2013. Giới chuyên gia kinh tế thậm chí theo dõi từng tháng số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu, để liên tục bày tỏ sự lo lắng khi xuất siêu tiếp diễn.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2013, khi nhập siêu quay trở lại, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Nam, chuyên gia kinh tế, không khỏi vui mừng. Cùng chung nhận định, ông Nam cho rằng, đó là dấu hiệu cho thấy, sản xuất có thể sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2013, 5 tháng đầu năm, nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất có tốc độ tăng trưởng tốt. Chẳng hạn, chất dẻo nguyên liệu, tăng 16,7% về lượng và 16,1% về kim ngạch (2,22 tỷ USD); máy móc thiết bị tăng 8,5% (7 tỷ USD); vải tăng 17,8% (3,3 tỷ USD); nguyên, phụ liệu dệt may tăng 18,7% (1,48 tỷ USD)… Với sự tăng nhanh của nhập khẩu các mặt hàng này, tính chung cả 5 tháng qua, cả nước đã nhập khẩu 51,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2012.

Nhập khẩu tăng cao đã mang lại một kết quả xuất khẩu tốt, với 49,9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, ông Đinh Lâm Tấn, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng thừa nhận rằng, trong thành tích xuất khẩu của Việt Nam, công lớn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khối doanh nghiệp này đã duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong 4 năm liên tục, kể từ năm 2010.

Thống kê của Bộ Công thương, trong nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn, đến gần 100%. Chẳng hạn, với mặt hàng điện thoại, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 98,3%. Các mặt hàng máy vi tính và sản phẩm điện tử, tỷ lệ của khối doanh nghiệp FDI cũng trên 90%. Ngay cả dệt may và giày dép, vốn là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước, giờ cũng đến 60 - 70% thuộc về khối doanh nghiệp FDI.

Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 29,7 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 59,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. “Nếu không kể dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 1,1 tỷ USD, còn nếu tính cả dầu thô, thì khối doanh nghiệp này xuất siêu gần 4,1 tỷ USD”, ông Tấn nói và cho biết, không chỉ có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, khối này cũng có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu mạnh, lên tới 25,4%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung của cả nước.

“Nguyên nhân là do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu”, ông Tấn phân tích.

Trong khi đó, yếu thế tiếp tục thuộc về khối doanh nghiệp trong nước, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước có dấu hiệu phục hồi.

Số liệu thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được 17,19 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Với kim ngạch nhập khẩu là 23,18 tỷ USD, thì khối này từ đầu năm tới nay đã nhập siêu gần 6 tỷ USD - một con số không nhỏ.

“Sản xuất công nghiệp đang vô cùng khó khăn”, ông Huỳnh Đắc Thắng thừa nhận thực tế. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sẽ chưa thể sớm cải thiện trong thời gian tới, dù dấu hiệu nhúc nhắc là có.

Nhập siêu, có thể nói, đang là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cũng không thể không quan tâm xu hướng nhập siêu đang tăng cao trở lại, bởi nhập siêu lớn cũng sẽ gây áp lực đến cán cân thanh toán, tỷ giá ngoại tệ…

Hơn thế, cũng cần nhắc lại rằng, trong câu chuyện nhập siêu, phải quan tâm cả cơ cấu hàng hóa nhập khẩu. Nếu nhập khẩu lớn hàng xa xỉ, những sản phẩm cần hạn chế nhập khẩu, thì hẳn nhiên, lại không phải là chuyện đáng mừng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư