Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nhiệt điện Phả Lại trước áp lực trả cổ tức khủng
Lâm Vũ - 26/07/2021 11:16
 
Việc dành gần 1.900 tỷ đồng trả cổ tức trong bối cảnh khó khăn đang tạo sức ép lớn đối với Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC; HoSE) trong năm nay.
Năm nay là năm khó khăn với Nhiệt điện Phả Lại khi chi đầu vào tăng cao, trong khi sản phẩm đầu ra dự báo giảm.

Bức tranh kinh doanh nhiều khó khăn

Báo cáo tài chính quý II/2021 của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại vừa công bố cho thấy bức tranh kinh doanh khá khó khăn trong nửa đầu năm 2021.

Cụ thể, trong quý vừa qua, doanh thu thuần chỉ đạt 1.218,8 tỷ đồng, bằng 54% so với cùng kỳ. Giá vốn vượt doanh thu, khiến lợi nhuận gộp âm 75,8 tỷ đồng. Dù hoạt động tài chính ghi nhận hơn 220 tỷ đồng doanh thu, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ tiền cổ tức nhận đươc tăng mạnh, nhưng hoạt động kinh doanh chính thua lỗ, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 120,2 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận doanh thu 2.297,5 tỷ đồng, giảm 49% so với nửa đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế giảm 39%, chỉ đạt 258,7 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh giảm sút của Nhiệt điện Phả Lại không mấy bất ngờ trong bối cảnh năm 2021, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm dự báo giảm.

Cụ thể, theo dữ liệu cập nhật từ trang Tradingeconomics.com, giá mua than theo hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa đầu tháng 7/2021 đã vượt mức 130 USD/tấn, tăng 71% so với đầu năm và tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá than được dự báo khó sớm hạ nhiệt, thậm chí còn có thể tăng thêm trong bối cảnh nhu cầu than đang gia tăng mạnh khi các nhà sản xuất công nghiệp phục hồi sau đại dịch, trong khi nguồn cung hạn chế.

Áp lực tăng giá đầu vào sẽ khiến biên lợi nhuận của Nhiệt điện Phả Lại bị ảnh hưởng tiêu cực. Chi phí sản xuất tăng cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Công ty trên thị trường điện.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Nhiệt điện Phả Lại cũng cho thấy rõ sự thận trọng, khi phần lớn các chỉ tiêu đều giảm mạnh so với thực hiện năm 2020.

Cụ thể, kế hoạch sản lượng điện thương phẩm dự kiến 3.989,9 triệu kWh, giảm 24,2%. Kế hoạch doanh thu (bao gồm cả doanh thu tài chính) là 5.658 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 414,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 31,2% và 59%. Trong phân bổ kế hoạch điện năng cụ thể, sản lượng của Nhà máy Phả Lại 1 dự kiến giảm đến 58,6% so với năm 2020, còn Nhà máy Phả Lại 2 giảm 8,9%.

Áp lực dòng tiền trả cổ tức

Theo thông báo của Nhiệt điện Phả Lại, ngày 16/7/2021, Công ty đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt IV/2020 bằng tiền với tỷ lệ 12,5%, tương ứng 1.250 đồng/cổ phiếu. Thời gian thanh toán là ngày 4/8/2021. Với hơn 320 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nhiệt điện Phả Lại sẽ chi khoảng 400 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này.

Số tiền mà Nhiệt điện Phả Lại dành để chi trả cổ tức năm 2020 sẽ lên đến 1.890 tỷ đồng, tương đương 88% lợi nhuận chưa phân phối của Công ty năm 2020.

Trước đó, Công ty đã 3 lần tạm ứng tiền cổ tức năm 2020 cho cổ đông với tổng tỷ lệ 33,94%. Việc chi trả cổ tức sẽ còn tiếp tục bởi tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Hội đồng Quản trị Công ty đã trình và cổ đông đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 với tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt lên đến 58,94% mệnh giá (5.894 đồng/cổ phiếu).

Như vậy, sau đợt chi trả tháng 7/2021, cổ đông của Nhiệt điện Phả Lại sẽ còn được nhận thêm 12,5% cổ tức tiền mặt nữa. Tổng cộng, số tiền mà Nhiệt điện Phả Lại dành để chi trả cổ tức năm 2020 sẽ lên đến 1.890 tỷ đồng, tương đương 88% lợi nhuận chưa phân phối của Công ty năm 2020. Việc chi trả cổ tức với tỷ lệ lớn như vậy sẽ tạo sức ép không nhỏ đối với dòng tiền của công ty này.

Cụ thể, 1.890 tỷ đồng dự kiến được dùng để trả cổ tức cho năm 2020 tương đương hơn 1/4 tổng tài sản của Nhiệt điện Phả Lại ở thời điểm cuối năm 2020 và lớn hơn toàn bộ số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi các loại mà công ty sở hữu tại thời điểm cuối năm ngoái (1.788 tỷ đồng).

Dù Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh - hai công ty có khoản đầu tư dài hạn lớn của Nhiệt điện Phả Lại - đều đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tương đối cao (tương ứng là 24,25% và 10%), giúp Nhiệt điện Phả Lại có được khoản cổ tức 370 tỷ đồng, song để có tiền chi trả cổ tức, Công ty sẽ phải dùng gần như toàn bộ số tiền tích lũy.

Cũng cần lưu ý, trong 2 nhà máy của Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Phả Lại 1 đã vận hành được gần 40 năm, các thiết bị chính như tua-bin, máy phát, lò hơi, đặc biệt là là hệ thống lọc bụi đều đã xuống cấp, khiến hoạt động sản xuất dễ xảy ra sự cố, suất tiêu hao nhiên liệu cao, khiến công ty phải thường xuyên đầu tư sửa chữa lớn, thay thế thiết bị.

“Đối với các nhà máy cũ như Nhiệt điện Phả Lại 1 sẽ chịu áp lực về vốn lớn khi phát sinh nhiều nhu cầu đầu tư máy móc mới, hoặc nâng cấp máy móc hiện có”, Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá.

Trong kịch bản tích cực, dòng tiền kinh doanh và cổ tức nhận được từ các khoản đầu tư đủ để doanh nghiệp trả cổ tức và bổ sung vốn lưu động, thì Nhiệt điện Phả Lại sẽ hụt đi đáng kể phần thu từ lãi tiền gửi. Còn với kịch bản xấu hơn, hoạt động kinh doanh khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp có thể phải vay nợ, làm phát sinh chi phí lãi vay.

Nhiệt điện Phả Lại nhẹ gánh nợ, tích dần vốn cho dự án Phả Lại 3
Nhiệt điện Phả Lại (PPC) vừa tất toán hết khoản nợ vay bằng yên Nhật trong năm 2019 vừa qua. Chi phí chênh lệch tỷ giá sẽ không còn, chi phí lãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư