Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều ca sốt xuất huyết nặng mới nhập viện điều trị
D.Ngân - 02/04/2023 14:56
 
Số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng tại Hà Nội, nhiều ca chủ quan khi bệnh nặng mới nhập viện khiến cơ thể đối diện nhiều biến chứng.

Theo BSKCII Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại bệnh viện tăng, trong đó tỷ lệ người lớn bị bệnh cao hơn trẻ em. Số ca bệnh người lớn chiếm khoảng 60%, trong 25 ca thì có 3-4 ca chuyển nặng.

Số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng tại Hà Nội, nhiều người chủ quan khi bệnh nặng mới nhập viện khiến cơ thể đối diện nhiều biến chứng.

Nhận định ban đầu cho thấy, so với các đợt trước, đợt sốt xuất huyết lần này do các chủng gây bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca chuyển nặng nhiều, đặc biệt ở người lớn. 

Theo bác sĩ Kim Anh, trong đợt này có những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh không sốt, chỉ viêm họng nhưng đến khám, kết quả xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết.

Tại bệnh viện từng tiếp nhận ca mắc sốt xuất huyết nhưng không biết, người bệnh tưởng sốt virus nên không đi khám. 

Tới ngày thứ 5-6 vẫn sốt cao, mệt mỏi nhiều mới tới viện thì đã mắc sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu giảm xuống dưới 50.

Theo bác sĩ Kim Anh, có những trẻ nhỏ không sốt cao, không có dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết mà kèm các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, hô hấp nên phụ huynh và cả phòng khám thường bỏ qua, chẩn đoán nhầm, dẫn đến nhập viện muộn, chuyển nặng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông ghi nhận không ít trường hợp sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốt không cao kèm với triệu chứng tiêu hóa nên phụ huynh, ngay cả nhân viên y tế, dễ mất cảnh giác, chỉ nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông dẫn chứng, đã có trường hợp bé 7 tháng tuổi đến nhập viện với triệu chứng sốt, tiêu lỏng, gia đình tưởng rối loạn tiêu hóa, chỉ điều trị tại nhà tới khi trẻ co giật tím tái mới nhập viện khiến cho việc điều trị khó khăn phức tạp và nguy hiểm tới tính mạng.

Theo chuyên gia, sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 hoặc 2 ngày đầu.

Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).

Bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

Các bác sĩ khuyến cáo sốt xuất huyết diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.

Lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.

Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.

Về vấn đề bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết, lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào, theo cách nào cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.

Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc. 

Không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà.

Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp,... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết người dân cần thực hiện những điều sau: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Bên cạnh đó, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư