Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Nhiều đồng thuận nâng tỷ lệ vốn góp Nhà nước lên tối đa 70% cho dự án PPP
Minh Trang - 30/10/2023 08:20
 
Đối với các dự án PPP đường bộ đi qua địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng lớn sẽ cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn 50% tổng mức đầu tư dự án.
Thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định Dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã giải quyết được các vấn đề vướng mắc do chính các quy định pháp luật chưa phù hợp thực tế.

Tuy nhiên, dự thảo này chỉ giới hạn cho một số dự án, mà chưa xét hết các dự án đang cần tháo gỡ vướng mắc bởi chính các quy định pháp luật chưa phù hợp thực tế này. Quốc hội không thể giải quyết từng dự án, do đó, cần điều chỉnh phạm vi để Chính phủ có cơ sở để tháo gỡ các vướng mắc.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng: “Không nên giới hạn danh mục các dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, điều đó sẽ tạo ra cơ chế “xin cho”. Thay vào đó, cần xây dựng khung tiêu chí để hướng tới việc phát triển kinh tế xã hội tháo gỡ các khó khăn chung cho các địa phương, đặc biệt ở các vùng miền biên giới xa xôi, nơi phên dậu tổ quốc, liên quan đến an ninh quốc phòng nhưng điều kiện tiếp cận giao thông còn khó khăn cần được áp dụng; cần có chính sách thu hút nhà đầu tư, ngân hàng để huy động tối đa nguồn lực xã hội nhằm giảm áp lực cho nguồn vốn ngân sách nhà nước hiện nay”.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đó là những dự án có chi phí đầu tư cao, lưu lượng hiện tại thấp, thời gian hoàn vốn kéo dài 20 - 30 năm, kém hấp dẫn nhà đầu tư nhưng rất cần cao tốc để đột phá phát triển.

Thời gian qua Luật PPP đã ban hành nhưng ít dự án mô hình này được triển khai, không hấp dẫn nhà đầu tư do giới hạn vốn ngân sách nhà nước tối đa 50%. Thực tế cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2021, chỉ có các dự án có vốn ngân sách nhà nước từ khoảng 55-65% mới lựa chọn được nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre trong phiên thảo luận tại tổ về vấn đề này của Quốc hội hôm 27/10 cho rằng, Chính phủ đã rất kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về phần góp vốn Ngân sách Nhà nước trong các dự án PPP có thể tăng tỷ lệ lên tối đa 70% là rất phù hợp với thực tiễn, nhất là các vùng còn khó khăn, đô thị lớn, chi phí giải phóng mặt bằng, nền hạ đường chiếm tổng mức đầu tư lớn.

Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Vừa qua, Chính phủ đã có các Nghị quyết đặc thù nhưng chưa tháo gỡ được gốc rễ các vướng mắc. Thực tế, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đến nay, sau 10 tháng khởi công nhưng vẫn chưa xong việc cấp mỏ cho nhà thầu. Lý do là nhà thầu phải thực hiện quá nhiều thủ tục pháp lý đáng lẽ thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn lập dự án.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị, việc này nên giao chủ đầu tư thự chiện thủ tục đánh giá tác động môi trường, giao địa phương giải phóng mặt bằng bàn giao nhà đầu tư/nhà thầu thi công ngay sau khi khởi công.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cũng đề nghị các địa phương có dự án đáp ứng tiêu chí theo điều 3 của dự thảo Nghị quyết mà chưa đưa vào danh mục dự án cũng nên cho đề xuất để đảm bảo triển khai trong thời gian tới không còn vướng mắc và Quốc hội nên giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định khi thông qua Nghị quyết này.

Về thời gian thực hiện, Nghị quyết đặc thù cho 5 nhóm chính sách (kể cả nguồn tăng thu) nên được thực hiện đồng nhất trong Nghị quyết cho giai đoạn 2023-2025, phù hợp với kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia.

Được biết, tiếp sau phiên thảo luận tại tổ vào chiều 27/10, Quốc hội sẽ dành ít nhất 1 phiên thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, trước khi xem xét, bấm nút thông qua vào ngày 28/11/2023.

Nâng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án PPP lên 70% là hợp lý
Nhiều đại biểu đồng tình tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) từ không quá 50% lên không quá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư